Nhiều điểm nghẽn, bao giờ khai thông

(ĐTTCO)-Trong 2 năm gần đây, thị trường BĐS TPHCM sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở. Nhiều dự án nhà ở bị ngưng trệ do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó sức mua cũng có dấu hiệu chựng lại. Phải chăng thị trường BĐS đang bước vào thời kỳ khủng hoảng? Và bao giờ mới được khai thông?
Khi nguồn cung bị thiếu hụt giá bất động sản dễ bị đẩy lên cao.
Khi nguồn cung bị thiếu hụt giá bất động sản dễ bị đẩy lên cao.
Nguồn cung liên tục giảm
Năm 2018, doanh nghiệp địa ốc H. đưa ra thị trường và giao dịch thành công hơn 8.000 sản phẩm, chủ yếu là căn hộ. Theo kế hoạch, năm nay doanh nghiệp này sẽ đưa ra thị trường khoảng 12.000 sản phẩm.
Tuy nhiên đến hết tháng 9, mới đạt trên 3.000 sản phẩm. “Chỉ còn chưa tới 3 tháng là hết năm, kế hoạch bán hàng, đầu tư coi như phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do thủ tục đầu tư dự án trên địa bàn TPHCM quá khó khăn, không có sản phẩm mới để giao dịch trên thị trường” - giám đốc doanh nghiệp chia sẻ. 
Nhìn lại năm 2017, thị trường BĐS TPHCM đạt quy mô tăng trưởng cao nhất, với 44 dự án được công nhận chủ đầu tư, 83 dự án được chấp thuận đầu tư và 69 dự án được cấp giấy phép xây dựng, với tổng số 66.528 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 12,5 triệu m2.
Ngoài ra, còn có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích hơn 103.000m2. Đồng thời, đã có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 42.991 căn nhà, tăng 1,6 lần về số lượng dự án và tăng 1,5 lần về số lượng căn nhà so với năm 2016. 
Đến năm 2018, thị trường bắt đầu sụt giảm mạnh, chỉ 19 dự án được công nhận chủ đầu tư, 59 dự án được chấp thuận đầu tư và 53 dự án được cấp giấy phép xây dựng, với tổng số 39.959 căn hộ, tổng diện tích sàn gần 3,3 triệu m2, giảm 42% số lượng dự án, giảm 40% về số lượng căn hộ và giảm 74% về tổng diện tích đất các dự án nhà ở so với năm 2017.
Ngoài ra, chỉ có 8 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 323.600m2; 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 28.316 căn nhà, giảm 16,31% về số lượng dự án và giảm 34,14% về số lượng căn nhà so với 2017. 
Xu hướng sụt giảm tiếp tục kéo dài, khi 9 tháng năm 2019 toàn thị trường chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ 2018.
Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà.
Trong cuộc họp với các sở ngành về tình hình thu ngân sách trên địa bàn TP 9 tháng năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, cho biết so với tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng các năm trước đạt mức khoảng 7,5%/năm, năm 2019 có khả năng đạt mức tăng trưởng âm (-1,5%). BĐS ngưng trệ kéo theo hàng loạt ngành liên quan như sắt thép, nội thất, vật liệu xây dựng… bị ảnh hưởng.
Theo đó, trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng bị sụt giảm 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. 

Bao giờ khai thông?
 Các khoản nợ thuế liên quan đến BĐS hiện lên đến gần 6.000 tỷ đồng. Tình hình này cảnh báo nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường BĐS có thể bị sụt giảm hơn nữa.
Ông Lê Duy Minh,
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TPHCM
Do thị trường BĐS luôn có độ trễ, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Khó khăn lớn nhất của thị trường hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng cung-cầu do nguồn cung quá ít, trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
Dù vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng thị trường BĐS TP rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do công tác thực thi pháp luật.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nhận định thị trường BĐS đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, dẫn đến quy mô thị trường bị sụt giảm trong 2 năm gần đây. Trong bối cảnh này, nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả, có thể thị trường còn tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới. 
Hàng loạt vướng mắc trong thủ tục đầu tư dự án là nguyên nhân dẫn đến khó khăn hiện nay cho thị trường BĐS. Đã có quá nhiều kiến nghị, cuộc họp của các cơ quan chức năng bàn cách tháo gỡ, nhưng xem ra vẫn chưa tìm được lối ra.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì cuộc họp với Sở Xây dựng cùng các sở ngành liên quan, nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác cấp phép xây dựng. Tuy nhiên đến thời điểm này các quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn vẫn đang được các sở ngành tham mưu để lãnh đạo TP quyết định. 
Nếu TP không tháo gỡ kịp thời chắc chắn thị trường BĐS TP sẽ tiếp tục khó khăn và doanh nghiệp TP phải “đánh bắt xa bờ” như thời gian gần đây. 

Các tin khác