Nhà tái định cư thiếu thực tế (B1): Người dân chê không ở

(ĐTTCO) - Người dân được tái định cư (TĐC) phải có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. Đó là quan điểm xuyên suốt của chính quyền TPHCM. 
Chương trình chỉnh trang đô thị, chủ yếu là di dời nhà trên, ven kênh rạch với số lượng 22.000 hộ dân, và cải tạo xây mới hàng trăm chung cư cũ xuống cấp từ nay đến năm 2020, đang cần quỹ nhà TĐC rất lớn. Tuy nhiên người dân không mặn mà với nhà TĐC, nhiều dự án TĐC bị bỏ hoang… đang là thực trạng nhức nhối hiện nay, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục hữu hiệu.
TPHCM đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng, mua lại các dự  án tạo quỹ nhà (căn hộ, nền đất) để phục vụ nhu cầu TĐC cho người dân bị di dời, ảnh hưởng tại các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên không ít khu nhà TĐC đang bị bỏ hoang, hoặc người dân ở một thời gian rồi chuyển nhượng cho người khác.
 Trước thực trạng khủng hoảng thừa hàng chục ngàn căn hộ, nền đất TĐC bỏ hoang, trong khi nhiều người dân không có chỗ ở, phải đi thuê nhà hoặc phòng trọ sống tạm, nhiều ý kiến cho rằng không nên áp đặt người dân nhận nhà TĐC do Nhà nước xây. Theo đó, nên có cơ chế đền bù hợp lý, theo cơ chế thị trường, thậm chí cao hơn để người dân có điều kiện tự quyết, chọn lựa cho mình nơi sống mới và có điều kiện hơn đời sống cũ.
Vắng lặng
Dự án khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được xem là khu TĐC có quy mô thuộc loại lớn nhất TP. Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, đơn vị quản lý khu TĐC Vĩnh Lộc, 45 lô chung cư tại đây được xây xong và bàn giao từ năm 2010 đến 2012 với gần 2.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 480 căn hộ có người ở. UBND TP đã đồng ý giao khoảng 1.000 căn hộ trống ở vị trí thuận tiện hơn của khu dân cư cho quỹ phát triển đất để bán đấu giá, nhưng đến nay chưa xong thủ tục nên vẫn còn bỏ trống.
Ghé vào chung cư này vào một chiều muộn, chúng tôi cảm nhận ngay được không khí khá vắng lặng, không như các chung cư khác vào những buổi chiều dân cư đông đúc trở về nhà sau một ngày làm việc, học tập. 
Ông Nguyễn Ngọc Khanh dọn về TĐC nơi đây đã gần 1 năm, cũng là khoảng thời gian cuộc sống của gia đình ông gặp thêm khó khăn. Theo ông Khanh, căn nhà cũ của gia đình ở quận 1 bị giải tỏa, ông được bố trí 1 căn hộ TĐC tại khu TĐC Vĩnh Lộc B. Về nơi mới, mọi việc làm ăn, học hành của con cái chưa thể thay đổi theo chỗ ở mới, nên hàng ngày gia đình ông phải đi-về không dưới 40km.
Nhiều người không đủ sức hoặc kiên nhẫn như ông Khanh đã cho thuê lại căn hộ, hoặc đóng cửa trở về chỗ cũ thuê nhà ở tạm rồi tính tiếp. Lô C10, nơi gia đình ông Tâm được bố trí căn hộ, chỉ có vài hộ đến ở, còn lại bỏ trống nên hành lang bám đầy bụi. Đứng trước lô C10 nhìn ra 4 phía đều là các lô chung cư, nhưng chỉ vài lô có người ở rải rác. Nhiều lô chung cư chưa có người ở, lớp sơn bên ngoài tường đã phai màu loang lổ, bụi bám đầy cầu thang, tay vịn, khóa cửa gỉ sét...
Một khu TĐC cũng vào loại sang trọng nhất của TP là khu 12.500 căn thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng trong tình trạng hoang vắng, xuống cấp do chưa bố trí được người vô ở, hoặc doanh nghiệp đang chờ chính quyền xem xét để bán theo giá thương mại. Tại chung cư TĐC C4 (quận 9) hầu hết các hộ được tái định cư “chính gốc” đã rời bỏ đi nơi khác. Bà Trần Thị Minh, Phó trưởng Ban quản trị, cho biết chung cư C4 được bố trí 136 hộ tái định cư, nhưng đến nay chỉ còn 7 hộ trụ lại. Lý do người dân phải bỏ nhà tìm nơi ở mới là không có công ăn việc làm tại nơi TĐC.
Nhà tái định cư thiếu thực tế (B1): Người dân chê không ở ảnh 1 Hàng ngàn căn hộ TĐC tại Thủ Thiêm đang bị bỏ hoang. Ảnh: TR. GIANG


Lãng phí
Báo cáo kiểm toán về thực trạng các dự án TĐC trên địa bàn TP vừa mới công bố, cho thấy 2 khu TĐC Bình Khánh (quận 2) và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có số lượng căn hộ lớn nhất TP nhưng cũng đang gây lãng phí nhiều nhất. Để làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, chính quyền TP đã xây dựng khu TĐC Bình Khánh có diện tích 38,4ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ TĐC, nhưng có tới 5.000 căn bị bỏ hoang.
Còn với khu TĐC Vĩnh Lộc B, năm 2004 TP quyết định đầu tư dự án có quy mô 30,9ha, xây dựng 45 lốc chung cư, cao 5 tầng, tổng cộng có 1.939 căn hộ, 529 nền đất. Nhưng do dự án chậm tiến độ, làm tăng phát sinh 519 tỷ đồng, bằng 195,7% tổng mức đầu tư ban đầu. Tính đến cuối năm 2017 (tức hơn 7 năm sau khi hoàn thành), dự án mới bố trí được 479/1.939 căn hộ, đạt tỷ lệ 24,7%, số còn lại bỏ hoang nhiều năm nay.
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm bùng phát xây dựng nhà TĐC là năm 2004. Khi đó chủ trương của TP là đưa hầu hết cư dân bị ảnh hưởng giải tỏa về các khu độ thị mới ở Vĩnh Lộc B và Thủ Thiêm. Thực tế, việc xây nhà TĐC có giá khá thấp so với những dự án chung cư thương mại. Trong khi đó, số tiền bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa đền bù giai đoạn này cũng khá thấp. Do vậy, người dân phải đứng trước sự lựa chọn hoặc nhận nhà TĐC hoặc nhận tiền đền bù.
Trao đổi với ĐTTC về thực trạng nhà TĐC, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết đến thời điểm này, tổng số nhà đất phục vụ TĐC đã đầu tư xây dựng và mua lại trên địa bàn là 40.052 căn hộ và nền đất (25.369 căn hộ và 14.683 nền đất); trong đó đã bố trí 26.122 căn hộ và nền đất (15.064 căn hộ và 11.058 nền đất); số nền đất, căn hộ chưa bố trí sử dụng còn 13.930 (10.305 căn hộ và 3.625 nền đất).
Theo kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở phục vụ TĐC từ nay  đến năm 2020, dự kiến tiếp tục sử dụng để bố trí 8.524 căn hộ và nền đất (5.085 căn và 3.439 nền đất). Việc cấp chủ quyền nhà cho người dân tại các dự án TĐC hiện nay được tiến hành rất chậm, dù nhiều dự án đã được bàn giao khá lâu. Nguyên nhân chủ yếu do người nhận nhà TĐC chuyển nhượng qua người khác, thậm chí căn hộ được chuyển nhượng nhiều lần, trong khi chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Liên quan đến việc Công ty Thuận Việt rao bán căn hộ tại khu TĐC Thủ Thiêm với tên thương mại New City với mức giá từ 40-65 triệu đồng/m2, ông Tuấn cho biết dự án này TP “đặt hàng” doanh nghiệp xây dựng để phục vụ TĐC. Tuy nhiên hiện nay TP không có nhu cầu nữa nên để doanh nghiệp bán theo hình thức dự án thương mại. Nhưng đến thời điểm này các cơ quan chức năng xác định tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vẫn chưa xong. Sở Xây dựng cũng chưa có văn bản thông báo chủ đầu tư dự án này đủ điều kiện bán hàng.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra những nội dung báo chí nêu để chấn chỉnh việc làm chưa đúng của chủ đầu tư, đảm bảo quyền lợi cho người mua, tránh rủi ro có thể phát sinh” - ông Tuấn khẳng định.
(còn tiếp)

Các tin khác