Nghịch lý nhà tái định cư ở TP HCM

(ĐTTCO)- Nhiều gia đình phải sống nhếch nhác, tạm bợ do không được suất ở tái định cư hoặc được suất nhưng lại không chấp thuận đến ở.
Bên trong căn hộ tại khu TĐC Vĩnh Lộc B bụi bẩn vì không có người ở.
Bên trong căn hộ tại khu TĐC Vĩnh Lộc B bụi bẩn vì không có người ở.

Từ nhiều năm qua, TP HCM đã thu hồi hàng vạn ha đất ở nông thôn và đô thị để qui hoạch, xây dựng và mở rộng thành phố. Kéo theo đó là hàng vạn người dân phải rời nhà cửa, ruộng vườn để tìm nơi tái định cư.

Nhu cầu nhà tái định cư rất lớn, TP HCM cũng đã xây dựng rất nhiều khu nhà tái định cư. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều gia đình phải sống nhếch nhác, tạm bợ do không được suất ở tái định cư hoặc được suất nhưng không chấp thuận.

Khu tái định cư Bình Khánh thuộc Quận 2, TP HCM nằm giữa trung tâm bán đảo Thủ Thiêm. Với diện tích đất rộng 38,4 ha và hàng chục khối nhà đồ sộ; khu tái định cư lớn nhất TP HCM có tới 12.500 căn hộ và được xây dựng hoàn thành từ năm 2015. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều khối nhà vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng. 

Là một trong số rất ít gia đình dọn về đây sinh sống sau khi TP HCM thu hồi đất để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Đặng Hữu Cường, ở khu tái định cư Bình Khánh cho biết, tuy nằm ngay trục đường lớn Mai Chí Thọ rất đắc địa, nhưng vì giá bán nhà tái định cư ở đây khá đắt, nhiều người không đủ tiền mua, nên cuối cùng họ đành phải rao bán lại suất nhà của mình cho người khác.

“Khu tái định cư này xây dựng cho 2.200 hộ nhưng đến nay chưa đủ ½ số hộ đến ở. Phần lớn người đến chỉ 1 dãy mặt ngoài đường Mai Chí Thọ, phía trong trống rỗng hầu như không có ai ở”, ông Cường cho hay.

Khu tái định cư Bình Khánh khi mới xây dựng được TP HCM đặt ra yêu cầu phải trở thành dự án kiểu mẫu, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về một nơi ở mới khang trang, hiện đại cho người dân, để từ đó nhân rộng cho các dự án tái định cư tiếp theo. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, nhiều block chung cư cao hàng chục tầng ở đây vẫn không một bóng người.

Bà Nguyễn Mai Linh, một trong số ít người đã chuyển về đây ở được 2 năm cho biết, gọi là tái định cư cho dân nhưng giá từng căn hộ không hề rẻ, đã thế người dân đến ở lại rất khó tìm kế sinh nhai nên nhiều hộ gia đình đã dọn đến lại tìm cách đi nơi khác.

“Nếu so sánh nơi ở cũ thì nơi đây sống thoải mái hơn về giao thông cũng như an ninh. Ngặt nỗi người dân tái định cư khi ở đây đều không tính được kế sinh nhai, bởi hạ tầng không phù cho người dân làm ăn, buôn bán. Hơn nữa, người dân trước đã quen nếp sinh hoạt cũ, chưa quen với lối sống ở chung cư”, bà Linh ngán ngẩm.

Không riêng gì khu tái định cư Bình Khánh ở Quận 2, tại huyện Bình Chánh cũng đang có khu tái định cư Vĩnh Lộc B nằm phơi mưa nắng. Với nguồn vốn đầu tư hơn 10 năm trước tới 1.000 tỉ đồng, năm 2011 khu nhà ở này đã đưa vào hoạt động.

Trên 529 nền đất và 45 block chung cư gồm 1.939 căn hộ, khu tái định cư Vĩnh Lộc B được xây dựng đồng bộ bằng nhiều công trình phụ trợ như siêu thị, khu thể thao, trường học…Nhưng hầu hết các hộ gia đình được phân về đây thuộc diện tái định cư ở đường Bùi Viện, kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang nội đô…đều không muốn về vì cho rằng cách quá xa trung tâm thành phố.

Bà Dương Thu Trang sống tại đây hơn 1 năm nhận xét, hạ tầng giao thông tại đây không đảm bảo; nhà ở và các công trình phụ trợ đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, dù đã xây xong gần chục năm, nhưng cả khu chỉ có vài trăm hộ đến ở, số còn lại vẫn nằm chờ.

“Ngay cái block phía trên có diện tích nhỏ, trong khi người dân lại từ Quận 1 và mấy quận khác nữa đến ở vốn quen nơi có công việc làm ăn nên họ không chịu về. Hiện block này đã đóng để bán cho chủ đầu tư”, bà Trang cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, trên địa bàn thành phố hiện đang có hàng chục vạn dân cư thiếu nhà ở; trong đó có hàng trăm, hàng ngàn hộ dân phải di dời nhà ở theo diện tái định cư nhưng vẫn chưa được phân bổ.

Cho nên, với hàng ngàn căn hộ xây xong mà không có người đến ở đang là một lãng phí rất lớn. Đối với khu tái định cư Bình Khánh ở Quận 2, hiện dân không đến ở thì cần phải có giải pháp tháo gỡ. Trước mắt là nên xúc tiến các thủ tục để chuyển đổi mục tiêu thành khu nhà ở thương mại.

“Bộ Tài chính nói rằng, khi chuyển đổi mục tiêu của dự án từ nhà tái định cư do Novaland làm chủ đầu tư sang dự án nhà ở thương mại, Bộ Tài chính cho rằng phải thu hồi đất và đấu giá nhưng yêu cầu TP HCM phải làm đúng theo yêu cầu của pháp luật”, ông Châu lý giải.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, hiện nay trên toàn địa bàn thành phố có đến 7.000 căn hộ tái định cư đã xây dựng nhưng chưa được sử dụng, trong khi nhu cầu về tái định cư cho người dân rất lớn. Chính quyền TP HCM nếu còn loay hoay tìm giải pháp thì lãng phí rất lớn liên quan nhà tái định cư đang là nhãn tiền.

Các tin khác