Khai đất mặt tiền thành đất hẻm để trốn thuế

(ĐTTCO)-Từ đất mặt tiền kê khai thành đất hẻm, chủ đất đã trốn thuế hơn 6 tỷ đồng, nếu không có đơn tố giác, hành vi gian lận này vẫn chưa được phát hiện.
Khu đất trên đường Tô Ngọc Vân, quận 12 trong bài viết. Ảnh: THÀNH TRÍ
Khu đất trên đường Tô Ngọc Vân, quận 12 trong bài viết. Ảnh: THÀNH TRÍ

Biến đất mặt tiền thành hẻm để trốn thuế

Vào cuối năm 2013-2014, ông Bùi Mạnh Hải chuyển đổi 4 thửa đất (4.000m2) có vị trí mặt tiền đường Tô Ngọc Vân, nhưng làm giả hồ sơ là đất hẻm, bằng cách thêm chữ “ra” trước chữ “đường Tô Ngọc Vân”; thậm chí làm giả giấy xác nhận của phường ghi “hẻm cấp còn lại” (hẻm nhựa). Việc này đã giúp ông Hải trốn thuế hơn 6 tỷ đồng (số thuế lẽ ra phải nộp gần 8,7 tỷ đồng, nhưng khai đất hẻm nên chỉ nộp hơn 2,1 tỷ đồng).

Sau khi nhận đơn tố giác về hành vi gian lận, trốn thuế này, Công an quận 12 đã vào cuộc. Tại Công văn 42/CV-CAQ ngày 3-1-2019 ghi rõ, ông Hải khai giao hồ sơ cho ông Đặng Bá Cường thực hiện, nhưng ông Cường lại khai đã giao toàn bộ hồ sơ cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Nguyên (Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh nhà Bảo Nguyên) thực hiện. Bà Nguyên cũng không thừa nhận đã thực hiện các hồ sơ trên. Tuy nhiên, trong các biên nhận (nộp và nhận hồ sơ) đều mang tên ông Hải.

Sau khi Công an quận 12 trưng cầu giám định hồ sơ thì xác định chữ ký, con dấu trong các giấy xác nhận của xã đều là giả, được làm bằng kỹ thuật in phun màu. Trong các tờ biên nhận nộp hồ sơ thuế mang tên ông Bùi Mạnh Hải, nhưng không phải chữ ký của ông Hải!

Tuy nhiên, Công an quận 12 cho rằng, có 1 tờ xác nhận của phường (sau này xác định là giả) không ghi ngày; 1 tờ xác nhận của phường ghi thêm chữ “hẻm nhựa” bằng nét chữ khác; thiếu xác nhận đoạn đường nào vì đường Tô Ngọc Vân có 2 đoạn với giá khác nhau), nên cho rằng cán bộ thuế sai khi hồ sơ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn xử lý.

Thế nhưng, qua làm rõ hồ sơ với lãnh đạo thuế thì được trả lời, việc ghi thêm chữ “hẻm nhựa” sau chữ “hẻm cấp còn lại” không làm giảm tiền thuế, vì trong các loại hẻm thì hẻm nhựa được tính thuế ở mức cao nhất. Còn 1 giấy xác nhận không ghi ngày - cũng không làm ảnh hưởng đến nội dung, vì giấy xác nhận này không có thời hạn hiệu lực, và vị trí đất thì luôn ổn định, không thay đổi.

Việc xác định đoạn đường, tuy không được ghi trong phiếu chuyển (đó là lỗi của Văn phòng đất đai) nhưng trong bản vẽ thực nghiệm được Phòng TN-MT quận 12 xác nhận, có thể hiện rõ vị trí đoạn đường và đến giờ việc áp dụng vị trí đó là không sai. Công an quận 12 đã khởi tố vụ án với 3 tội danh: trốn thuế, làm giả giấy tờ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Và điều kỳ lạ là đến nay chỉ bắt giam cán bộ thuế, còn người làm hồ sơ giả, kẻ được lợi về thuế thì vẫn nhởn nhơ, khiến dư luận bất bình.

Cục thuế xác định: cán bộ thuế không sai!

Sở dĩ trước đây Cục Thuế TPHCM chưa có ý kiến vì chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra, nay sau khi kiểm tra các hồ sơ xong, Cục Thuế TP đã cấp tốc gửi Công văn khẩn số 13759/CT-KTNB ký ngày 16-11-2019 đến Quận ủy - UBND quận 12 nêu rõ toàn bộ nội dung vụ việc. Theo đó, Cục Thuế cho rằng, tại thời điểm năm 2013-2014, việc xử lý hồ sơ này dựa trên Thông tư Liên tịch 30/2005/TTLT-BTC-BTNMT, Công văn số 7575/HD-LS ngày 7-8-2008, Công văn 6265/CV-THNVDT và “Chi cục Thuế quận 12 đã nhận hồ sơ đầy đủ, đúng thành phần theo Điểm 3 Mục II Công văn 6265 của Cục Thuế”.

Đối với 2 tài liệu xác nhận hiện trạng vị trí đất (công an cho rằng thiếu), Cục Thuế TP cho biết có thể hiện rõ trong bản đồ vị trí đã được Trung tâm Kiểm định bản đồ và Tư vấn - TNMT ký xác nhận. Về thời gian, Chi cục Thuế quận 12 đã thực hiện đúng thời hạn quy định.

Trong văn bản, Cục Thuế TPHCM cũng đánh giá nguyên nhân tạo điều kiện phát sinh trục lợi thuế trong 4 hồ sơ của Bùi Mạnh Hải là do Văn phòng ĐKQSDĐ không giao hồ sơ trực tiếp sang cơ quan thuế theo quy định, mà trả hồ sơ cho người dân tự đi nộp nên tạo điều kiện cho hồ sơ có tên Bùi Mạnh Hải lợi dụng kẽ hở của quy trình để làm giả hồ sơ, trục lợi. Cũng theo cơ quan thuế, 4 hồ sơ trên “Cơ quan nhà nuớc có thẩm quyền phải giám định bằng khoa học kỹ thuật hình sự chuyên biệt mới biết là giấy tờ, chữ ký giả, vì hồ sơ này được làm giả rất tinh vi, cán bộ thuế không thể phát hiện bằng mắt thường”.

Việc thêm chữ “ra” trong các tờ bản đồ vị trí đất (do các công ty đo đạc đóng xung quanh UBND quận thực hiện, có xác nhận của Phòng TN-MT) được in cùng co chữ, kiểu chữ như cùng một máy in in ra. Do vậy, Cục Thuế TP đề nghị quận 12 chỉ đạo giải quyết các vấn đề sau: Ai là chủ mưu, đồng phạm tiếp tay, lợi ích của họ khi làm giả giấy tờ… thì mới ngăn chặn được tội phạm, chống thất thu ngân sách.

Cục Thuế TP cũng viện dẫn Điều 17 Luật Quản lý thuế quy định về trách nhiệm người nộp thuế thì “Ông Hải là người nộp thuế, phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tính trung thực, chính xác và hợp pháp đối với các tờ khai lệ phí trước bạ và các tài liệu liên quan đã cung cấp cho cơ quan thuế. Do vậy, ông Hải phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”. Trong khi nhân viên tính thuế bị bắt ngày 22-8-2019 đến nay đã 3 tháng, “Nếu xét thấy không gây thiệt hại cho xã hội, không cản trở việc điều tra của công an, Cục Thuế đề nghị cơ quan chức năng xem xét cho nhân viên này được tại ngoại”, văn bản nêu.

Tình trạng gian lận trốn thuế, giả hồ sơ mua bán đất trên địa bàn quận 12 diễn biến rất phức tạp. Riêng ông Bùi Mạnh Hải và bà Nguyễn Thị Quỳnh Nguyên cũng có 2 vụ tranh chấp hợp đồng mua bán 3 thửa đất lẫn nhau với giá gần 50 tỷ đồng tại TAND quận 12, trong đó cũng có nhiều giấy tờ giả nhưng đến nay bà Quỳnh Nguyên vẫn chưa cung cấp bản chính để giám định nên vụ án chưa xét xử được.

Các tin khác