Gỡ "nút thắt" tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp

(ĐTTCO)-Trong thực tế, tình trạng đất đai manh mún đang là nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Gỡ "nút thắt" tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp

Trong đời sống kinh tế - xã hội, đất đai là nguồn lực đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất nói chung. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đất đai giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của kinh tế nông thôn. Song trong thực tế, tình trạng đất đai manh mún đang là nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực. 

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo "Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai", ngày 27/11, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tổ chức. 

Khó khăn khi định giá đất

Mặc dù Đảng đã có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tập trung đất đai, nhằm tăng quy mô ruộng đất và hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp (Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) nhưng so với yêu cầu hiện tại, hoạt động của thị trường đất nông nghiệp vẫn bộc lộ không ít những yếu kém và bất cập, ảnh hưởng đến tập trung đất đai.

Cụ thể, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn chỉ ra những tồn tại và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận với người nông dân. Như việc định giá đất, hiện nay khung giá đất chưa điều chỉnh phù hợp với thị trường. Thêm vào đó, khung pháp lý cho Nhà nước thuê đất của người dân còn thiếu đồng thời những thủ tục thẩm định dự án cho doanh nghiệp đang rất phức tạp. Một thực trạng khác khá phổ biến là mặc dù ruộng đất manh mún song doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất để đầu tư thì không dễ dàng đạt được sự đồng thuận từ số lượng lớn hộ dân. Và, chỉ cần cần vài hộ không tạo thuận lợi thì dự án của doanh nghiệp cũng dừng.

Thêm vào đó, ông Quang cũng cho hay quy định pháp lý còn đang thiếu các hướng dẫn về thẩm định nhu cầu sử dụng đất (không phải dự án đầu tư) và thu hồi theo diện doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường. Mặt khác, một vấn đề tồn tại lâu nay và nan giải là tình trạng thiếu quỹ đất công cùng chính sách tạo nguồn cung đất nông nghiệp.

Về giải pháp, nhóm nghiên cứu từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn-thuộc chương trình hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ, đề xuất cơ quan chủ quản khi thực hiện khung giá đất phải bám sát với thị trường. Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị nên đơn giản hóa các thủ tục hành chính, như chỉ cần phê duyệt 1 lần dự án đầu tư đồng thời có kế hoạch xây dựng các cơ chế ưu đãi, tạo quỹ đất sạch để cho thuê nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Cần có quy định xử lý đất do Nhà nước giao

Cùng với những vấn đề nêu trên, Báo cáo “Nội dung cơ bản của Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra những vướng mắc, bất cập về tình trạng đất đai trong nông nghiệp cần được tháo gỡ, để bảo đảm tính khả thi của các văn bản luật vào cuộc sống thời gian tới.

Theo Báo cáo này, tình trạng tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn tại nhiều địa phương. Nguyên nhân do việc nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất (nhất là đối với trường hợp trong khu vực dự án có diện tích đất do Nhà nước quản lý) đồng thời chưa có quy định để xử lý đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao.

Ngoài ra, một số nội dung pháp luật về đất đai hiện chưa có quy định điều chỉnh, như việc xử lý đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao, đất cho thuê nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chưa tạo lập tài sản trên đất song sau đó dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư. Hoặc, việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa (do Nhà nước trực tiếp quản lý) cho người sử dụng đất liền kề.

“Tình trạng đất đai sản xuất nông nghiệp còn rất manh mún. Trong khi, thị trường đất đai còn tồn tại nhiều rào cản trong chuyển Quyền sử dụng đất và tích tụ đầu tư đất của doanh nghiệp. Do đó, cơ sở pháp lý sửa đổi cần chú trọng điều chỉnh theo hướng bỏ hạn điền, giới hạn đối tượng giao dịch đất nông nghiệp,” ông Quang nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo ông Quang, trong bối cảnh công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, ngành nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc mà cần sớm xây dựng cũng như số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin hồ sơ đất đai rõ ràng. Đặc biệt, cần có quy định pháp lý với các chế tài xử lý đủ mạnh về vấn đề đất bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả gắn chính sách với thu hút đầu tư doanh nghiệp, tạo việc làm phi nông nghiệp cho hộ nông thôn./.

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình trị giá 6,5 triệu AUD và kéo dài trong thời gian 4 năm (từ năm 2017 đến năm 2021).

Các tin khác