Doanh nghiệp bất động sản TPHCM tiếp tục chờ tháo gỡ

(ĐTTCO) - Dự án chậm trễ, tắc nguồn cung, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn là những phản ánh chung tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UND TP Lê Hòa Bình với các doanh nghiệp bất động sản vào sáng nay (27-2). Cá biệt có doanh nghiệp phản ánh, dù dự án đã được các sở hỗ trợ rất nhiều nhưng vẫn… rất chậm. 
Doanh nghiệp bất động sản TPHCM tiếp tục chờ tháo gỡ
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành  đề xuất, để khơi thông sự bế tắc của thị trường bất động sản, chỉ cần làm nhanh thủ tục pháp lý cho dự án, thúc đẩy nguồn cung; cân đối lệch pha cung cầu như hiện nay.  
Ông Nghĩa dẫn chứng, cách đây 1 năm cũng tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp bất động sản, ông có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch  cục bộ cho dự án Lê Thành Tân Kiên, sau đó được Sở Xây dựng, Sở QH-KT hỗ trợ rất nhiều nhưng đến nay TP vẫn chưa ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch. Đến nay đã dự án triển khai 3 năm nhưng vẫn chưa xong thủ tục. 
Do đó, mốc thời gian giải quyết hồ sơ 1 dự án nhà ở từ trên 3 năm kéo xuống còn 215 ngày như Sở Xây dựng đề nghị UBND TP xem xét liệu có khả thi. 
“Vấn đề là liên thông giữa các sở, ngành, giữa các phòng chuyên môn với UBND quận huyện… Mỗi văn bản trao đổi, kết luật mất vài ba tháng” - ông Nghĩa bức xúc. 
Báo cáo về tình hình bất động sản, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, nhìn chung nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm 30,4% về tổng số căn nhà. Thị trường bất động sản có tốc độ giao dịch chậm hơn, không có dự án nào được UBND TP cho phép chuyển nhượng. 
Đối với dự án đã hoàn thiện pháp lý, đa số doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp và trung cấp. Điều này dẫn đến cơ cấu sản phẩm mất cân đối, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1%, chiếm tỷ lệ thấp nhất, phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 23,8% lên 56,9%, và phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao nhất từ 25,2% lên 42,1%. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình. 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng xử lý hồ sơ còn chậm của một số cơ quan quản lý nhà nước. 
Do đó UBND TP cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhằm tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản để làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Tổng hợp ý kiến kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nêu hàng loạt khó khăn cần tháo gỡ để khơi thông thị trường. Trong đó, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, phân khúc căn hộ bình dân đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận khách hàng có thu nhập thấp và trung bình phải được tập trung đầu tư và phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội. 
Ngoài ra, Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời các thủ tục về đầu tư xây dựng, đất đai và nhà ở, đặc biệt là các sở, ngành phải triển khai thực hiện ngay các quy định pháp luật mới về đầu tư xây dựng, đất đai, đề xuất UBND TP thực hiện chuyển tiếp đảm bảo không ách tắc hồ sơ và thực hiện tốt yêu cầu cải cách hành chính trong thời gian tới. 
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, thời gian qua  các dự án bất động sản triển khai rất chậm. Việc chậm trễ này doanh nghiệp cùng chia sẻ với TP, bởi thực tế vừa qua do công tác thanh kiểm tra, kiểm toán TP phải làm việc rất nhiều, riêng Thanh tra Chính phủ thanh tra 164 dự án, khi thanh tra dự án phải dừng lại. Việc dừng lại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. 
“Thời gian qua có một số dự án liên quan đến nhà công, đất công TP cũng phải dừng lại. Chúng tôi hiểu hiện nay doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, một ngày chậm trễ là tốn bao nhiêu chi phí, lãnh đạo TP và các sở ngành cũng hiểu và chia sẻ điều này. TPHCM hiện nay có 13 triệu dân, 5 năm tăng thêm 1 triệu  nên áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng rất lớn nhưng cũng là tiềm năng lớn cho doanh nghiệp bất động sản. Ngành bất động sản có vị trí rất lớn, quan hệ mật thiết với nhiều ngành, nhiều thị trường khác, như vốn, lao động, vật liệu xây  dựng” -  Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.
Từ năm 2000 bất động sản được xem là 1 trong 9 nhóm ngành dịch vụ quan trọng của TP. Hiện toàn TP có 10.200 doanh nghiệp có vốn từ 100 tỷ đồng trở lên. 9 nhóm ngành dịch vụ quan trong đóng góp 56,5% GRDP của TP trong đó bất động sản chiếm 4,2%, đóng góp 8,2% ngân sách thu nội địa. Do đó tháo gỡ cho bất động sản chính là tháo gỡ cho TP.  
“Trên cơ sở 7 kiến nghị của các doanh nghiệp, tôi giao Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình xếp lịch làm việc với các sở ngành  giải quyết từng vấn đề, kết luận từng vấn đề. 61 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục đầu tư giao Giám đốc Sở KH-ĐT nghiên cứu hồ sơ báo cáo tổ công tác đầu tư của TP  các nội dung trên chậm nhất đến ngày 15-4 phải xong. Những vấn đề nào xong triển khai ngay cho doanh nghiệp, như vụ 110 căn biệt thự của Công ty Hưng Lộc Phát đã có kết luận thanh tra, đã rõ ràng phải cho phép doanh nghiệp triển khai trở lại không để chậm nữa” - ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Các tin khác