Đề nghị QH giám sát tối cao quản lý đất đai tại đặc khu

(ĐTTCO)-Bên cạnh 4 chuyên đề của Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 đưa ra, nhiều ĐBQH đề nghị Quốc hội giám sát thêm vấn đề bạo hành và xâm hại trẻ em, giám sát tối cao về quản lý đất đai tại các khu vực dự kiến làm đặc khu...
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Sáng 7-6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Theo đó, về nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát 2019, căn cứ kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế, trong năm 2019, UBTVQH đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm trên cơ sở 4 chuyên đề đề xuất.

Đó là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, đa số đại biểu đều nhất trí với nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát 2019. Một số ĐB đề nghị lựa chọn các vấn đề khác.

ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nhìn nhận, 4 nội dung đề nghị đều là vấn đề lớn, tác động lớn đến xã hội. Tuy nhiên, theo ĐB, bạo hành và xâm hại trẻ em nổi lên như một vấn đề rất nhức nhối, mà trong những phiên chất vấn vừa qua nhiều ĐBQH đã phân tích.

Nhắc đến những số liệu về trẻ em bị bạo hành, lạm dụng… và số liệu điều tra tại các trại giáo dưỡng, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo lo lắng rằng, không chỉ dừng lại ở tuổi thơ không may mắn mà những nạn nhân bị xâm hại, bạo hành có nguy cơ cao bị phát triển lệch lạc trong tương lai.

“Những giải pháp đề ra hiện nay đều chưa thực sự hiệu quả, bằng chứng là tình trạng vẫn diễn ra nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”. ĐB đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này.

Có mối quan tâm tương tự, ĐB Dương Minh Tuấn ( Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội xem xét thêm 2 chuyên đề là tình trạng bạo hành đối với học sinh mầm non và an toàn giao thông.

Đáng lưu ý, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị trong chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai”, Quốc hội nên tập trung vào các khu vực dự kiến xây dựng đặc khu.

“Sau khi có kết quả giám sát mới thông qua dự án Luật đặc khu”, ông Thái Trường Giang đề nghị cụ thể. Theo ĐB, hình thức báo cáo giám sát cần trực quan sinh động hơn để ĐBQH dễ theo dõi và cho ý kiến hơn…

Các tin khác