Còn nhiều khó khăn khi thực hiện dự án nhà ở xã hội

(ĐTTCO)- Chiều 22-11, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển các loại hình nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM”. 
Còn nhiều khó khăn khi thực hiện dự án nhà ở xã hội
Buổi hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý để tham mưu chính sách cho UBND TP về Chương trình nhà ở trong giai đoạn tới. Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2016 đến tháng 10-2019 TP đã xây dựng và đưa vào sử dụng 14 dự án nhà ở xã hội với tổng diện trích đất 15,8ha với hơn 10.000 căn hộ. Từ tháng 11-2019 đến cuối năm 2020 phấn đấu hoàn thành 10 dự án với quy mô 7.689 căn hộ. 
Các dự án nhà ở xã hội hiện nay gặp nhiều khó khăn như công tác giải phóng mặt bằng hiện nay kéo dài do một số diện tích trong dự án không thỏa thuận được với ngườ dân. Đối với các dự án nhà thương mại có quy mô trên 10ha theo quy định phải giành 20% quỹ đất cho xây dựng nhà xã hội, nhưng chủ đầu tư chậm xây dựng mà ưu tiên xây dựng phần nhà thương mại trước việc chậm trễ này không có chế tài gì. 
Quỹ đất phát triển nhà xã hội chưa xác định cụ thể trong một số quy hoạch đô thị. Nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay để thực hiện dự án chưa được bố trí ổn định. Nguồn vốn thu từ điều tiết 20% nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền đối với dự án nhà thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 10ha đến nay chưa được Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý, sử dụng. Thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp… 
Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng, từ lâu nhà ở xã hội được đồng nhất với “nhà thu nhập thấp” nhận thức này đưa đến hệ quả là những chính sách ban hành liên quan đến loại hình này không sát thực tế và bị lợi dụng. Dẫn đến khi dự án làm xong người thu nhập thấp không mua được nhà do giá nhà cao so với thu nhập; chất lượng nhà không cao, thậm chí quá tệ, vị trí không thuận lợi, thiếu tiện ích… Do đó cần phải “định vị” lại quan điểm nhà xã hội để đáp ứng nhu cầu thật của đối tượng cần thụ hưởng. 
Tại hội thảo nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay cũng như cần ban hành những chính sách hợp lý để thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào phân khúc nhà ở này. Bởi so với các dự án thương mại, thủ tục dự án nhà ở xã hội cũng không khác gì bao nhiêu, bên cạnh những ưu đãi thì cũng có nhiều hạn chế do đó chưa thu hút doanh nghiệp tham gia. 
Được biết, nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố trong thời gian tới cần khoảng 134.000 căn. Qua khảo sát sơ bộ một số nhóm đối tượng có nhu cầu cao, như cán bộ công chức 10.000 hộ; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo 39.000 hộ; lao động trong khu công nghiệp 17.000 hộ; đa số trong các nhóm đối tượng đã lựa chọn phương thức mua nhà ở xã hội chiếm tỉ lệ từ 65% đến 94%...

Các tin khác