Chấn chỉnh huy động vốn chưa đủ điều kiện tại dự án hình thành trong tương lai

(ĐTTCO) - Vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tìm giải pháp chấn chỉnh tình trạng huy động vốn khi chưa đủ điều kiện tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai.
Chấn chỉnh huy động vốn chưa đủ điều kiện tại dự án hình thành trong tương lai
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, pháp luật hiện hành có quy định về điều kiện giao dịch, kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh bất động sản trước khi giao dịch.
Tuy nhiên lâu nay các doanh nghiệp địa ốc đã giao kết với khách hàng dưới các hình thức “hợp đồng góp vốn đầu tư”, “hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng BĐS”, “hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng BĐS”, “hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng”, “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng giữ chỗ”.
Nhiều dự án tính pháp lý chưa rõ ràng, chưa đủ điều kiện giao dịch, kinh doanh nhưng chủ đầu tư vẫn đưa ra giao dịch, mua bán với các hình thức nêu trên dẫn đến có nhiều trường hợp sau khi nhận tiền góp vốn của khách hàng không triển khai thực hiện được, khách hàng tranh chấp, khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn TP.
Bất cập ở chỗ, Luật Dân sự, luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở quy định nhiều hình thức, loại hợp đồng khác nhau dẫn đến khó khăn cho người mua BĐS và trong công tác quản lý nhà nước.
Trước tình hình đó, TP đã kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định đối với giao dịch BĐS hình thành trong tương lai của chủ đầu tư với tổ chức tín dụng, cá nhân theo hướng phải công chứng để đảm bảo tính chặt chẽ (cập nhật, theo dõi, tra cứu cơ sở dữ liệu công chứng), bảo vệ quyền lợi của khách hàng và phòng ngừa vi phạm của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực BĐS (nếu có).
Quy định cụ thể về hoạt động giao dịch BĐS thông qua hình thức “hợp đồng góp vốn đầu tư”, “hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng BĐS”, “hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng BĐS”, “hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng”, “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng giữ chỗ” và các loại hợp đồng tương tự đối với nhà ở hình thành trong tương lai tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Trao đổi với ĐTTC, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TPHCM thừa nhận, đang chịu rất nhiều áp lực từ phía khách hàng về yêu cầu thanh toán lãi phạt, thanh lý hợp đồng, lý do hơn 1 năm qua dự án không thể khởi công (vướng thủ tục điều chỉnh công năng từ condotel, offictel sang căn hộ ở).
Theo vị lãnh đạo này, trong bối cảnh hiện nay, hiếm có doanh nghiệp nào thực hiện đúng quy định pháp luật về kinh doanh, đó là hoàn tất hồ sơ pháp lý, nghiệm thu móng, hạ tầng… trước khi ký hợp đồng mua bán. Thay vào đó, chỉ cần dự án được phê duyệt 1/500, các doanh nghiệp đã chạy đua nhận giữ chỗ, đặt cọc, huy động vốn từ 30-40% giá trị hợp đồng.

Các tin khác