Buông lỏng quản lý, người dân khiếu kiện kéo dài

(ĐTTCO) - Thoạt nhìn, việc tranh chấp, khiếu kiện tưởng chừng không liên quan gì đến công tác quản lý của chính quyền, nhưng tìm hiểu sâu xa thì đây chính là nguyên nhân gốc rễ. Nhiều trường hợp, người dân bị đẩy vào con đường tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.
Dân khởi kiện
Mới đây, một hộ dân đã khởi kiện ra TAND TPHCM, yêu cầu tòa án hủy bỏ 2 văn bản mà UBND quận Thủ Đức đã ban hành về việc giải quyết khiếu nại của gia đình ông Nguyễn Ngọc Đồng. Trong đơn khởi kiện, ông Đồng (ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức) trình bày, năm 1993, ông được chia một phần đất của gia tộc có diện tích 312m2 thuộc một phần thửa 67, tờ bản đồ số 1, tại khu phố 2, phường Linh Trung. Do công tác xa nên thỉnh thoảng ông mới đến thăm chừng mảnh đất và có nhờ anh ruột là Nguyễn Ngọc Danh ở kế bên quản lý. Năm 1999, ông Đồng có kê khai nhà đất.
Theo trình bày của ông Đồng, khu đất này trước đây là chùa Bửu Lâm, là chùa gia đình có lối đi chính là con đường hiện nay mà nhà ông và bà Trần Thị P. sử dụng, dài hơn 42m, bề ngang 4m. Năm 2000, ông Danh phát hiện bà P. rào kẽm gai bít lối đi chung và yêu cầu tháo bỏ nhưng không được, nên đã làm đơn khiếu nại đến UBND phường Linh Trung, đòi lại quyền sử dụng chung con đường vì gia đình bà P. lấn ra lối đi chung, bày biện vật dụng buôn bán phế liệu để chiếm con hẻm. 
Buông lỏng quản lý, người dân khiếu kiện kéo dài ảnh 1 Lối đi mà ông Nguyễn Ngọc Đồng khiếu nại nhiều năm để được khôi phục lại hiện trạng ban đầu
 Ảnh: K.C
UBND phường Linh Trung mời các bên liên quan làm việc từ tháng 9-2003 và bà P. đồng ý trả lại đường đi công cộng. Nhưng sự việc kéo dài và thỏa thuận giữa các bên không được thực hiện. Sau đó, nhiều lần ông Đồng có đơn khiếu nại gửi UBND phường Linh Trung nhưng không được giải quyết. Tháng 5-2009, theo ông Đông, bà P. còn xây dựng nhà trọ lấn ra phần đất này. Trước đó, vào năm 2008, bà thậm chí được cấp giấy chứng nhận nhà đất, trong đó bao gồm cả phần đất kể trên. Giấy chứng nhận này tuy sau đó đã bị hủy, nhưng dãy trọ của bà P. vẫn còn nguyên trạng. 
Ông Đồng làm đơn đề nghị đến UBND quận Thủ Đức kiểm tra xử lý, buộc bà P. tháo dỡ dãy nhà trọ xây dựng trái phép trên phần đất công cộng, trả lại lối đi chung theo hiện trạng ban đầu. 
Quận đã làm hết trách nhiệm?
Thay vì giải quyết theo quy định của pháp luật, lập lại trật tự xây dựng, UBND quận Thủ Đức lại lấy ý kiến của nhiều hộ dân về lối đi chung tại các thửa đất xung quanh; từ đó ban hành văn bản số 2337 ngày 21-6-2016, kết luận việc thu hồi lối đi theo kiến nghị của ông Đồng không thực hiện được (do các hộ xung quanh không đồng ý). Ông Đồng tiếp tục khiếu nại, nhưng đến ngày 29-11-2017, UBND quận Thủ Đức ban hành Quyết định số 7641 đình chỉ giải quyết khiếu nại.
Theo ông Đồng, quyết định của UBND quận Thủ Đức không căn cứ vào quy định pháp luật mà căn cứ vào ý kiến chủ quan của các cá nhân thông qua cuộc họp lấy ý kiến là không khách quan, bởi các hộ dân sau này đều là người mới mua đất đến ở, không nắm được lịch sử khu đất. Sự việc tranh chấp khiếu nại kéo dài, mới đây ông Đồng khởi kiện yêu cầu hủy bỏ các văn bản, quyết định UBND quận Thủ Đức đã ký để giải quyết khiếu nại của ông.
Có mặt tại phiên tòa xét xử ngày 15-11, đại diện UBND quận Thủ Đức cho biết, đến nay vẫn chưa xử lý công trình của bà P. mà chờ quyết định của tòa. Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND TPHCM cho rằng, UBND quận Thủ Đức không vận dụng quy định của pháp luật để giải quyết việc lấn chiếm lối đi là chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Quận dựa vào ý kiến của các hộ dân xung quanh không đồng ý khôi phục lại lối đi để giải quyết là không hợp lý. 
Như vậy, nếu như ngay từ đầu UBND quận Thủ Đức làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, hoặc phản ánh của người dân được xử lý triệt để, thì sẽ không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài suốt 19 năm qua của gia đình ông Đồng. “Nhiều người khuyên gia đình tôi nên rút đơn, nhưng chúng tôi đã mất nhiều thời gian công sức mà ban đầu xuất phát từ cách xử lý không phù hợp của phường và quận. Vì vậy, tôi mong muốn qua phiên tòa phân định đúng sai”, ông Nguyễn Ngọc Đồng nói. 
Hiện nay vụ việc vẫn đang trong thời gian nghị án. Theo kế hoạch ban đầu, tòa sẽ tuyên án vào sáng 22-11, nhưng vì lý do sức khỏe của một hội thẩm nhân dân nên tới nay việc tuyên án vẫn chưa thực hiện.
 Liên quan đến vụ việc dự án Luxcity ở quận 7 xây tường rào lấn vào lộ giới hẻm 20 Nguyễn Thị Thập, Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết đã có kế hoạch kiểm tra và làm việc với chủ đầu tư công trình này. Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 28-11, đại diện một số hộ dân trong hẻm đã bức xúc vì hơn 2 năm qua liên tục phản ánh, khiếu nại về sai phạm của chủ đầu tư nhưng công trình vẫn được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Người dân đã đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng và UBND quận 7 khi công trình quy mô, lấn lộ giới rất nhiều nhưng không được xử lý triệt để. “Người dân mong muốn quy hoạch được thực hiện nghiêm để hẻm rộng thoáng, đảm bảo an toàn, giao thông và phòng cháy chữa cháy”, đại diện các hộ dân trong hẻm trình bày. Các hộ dân còn bày tỏ sự việc được giải quyết triệt để theo đúng quy định pháp luật, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP; tránh việc người dân phải dành nhiều thời gian công sức đi khiếu nại, trong khi đó là quyền lợi chính đáng của dân.

Các tin khác