Bài toán nhà xây không phép?

(ĐTTCO)-Cuộc kiểm tra tình trạng nhà xây dựng không phép tại Bình Chánh của lãnh đạo TPHCM vừa qua không phải là lần đầu. Cách đây hơn 5 năm, hàng trăm căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh từng được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và cưỡng chế phá bỏ. Thực tế nhiều căn nhà đã bị tháo dỡ, nhưng tình trạng nhà không phép vẫn diễn ra cho đến nay.
Hình ảnh cưỡng chế nhà không phép tại Bình Chánh hơn 5 năm về trước.
Hình ảnh cưỡng chế nhà không phép tại Bình Chánh hơn 5 năm về trước.
Vào thế do nhu cầu ở quá bức bách
Thời điểm năm 2013 một chiến dịch kiểm tra và cưỡng chế hàng trăm căn nhà không phép tại huyện Bình Chánh, đặc biệt là tại 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B diễn ra hàng tháng trời.
Theo chân các đoàn cưỡng chế thời điểm đó, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp đáng thương. Đó là những lao động có thu nhập rất khiêm tốn, dành dụm được vài trăm triệu đồng mua miếng đất vài chục m2, hầu hết là đất nông nghiệp chưa có quy hoạch để cất nhà. Tất nhiên để cất được nhà họ phải chi tiền cho một số cán bộ ấp, xã…
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người cho biết mua đất bằng giấy tờ tay rồi xây nhà “lụi” là bất hợp pháp và rủi ro cao. Nhưng phần lớn đều chấp nhận, bởi lẽ với số tiền giành dụm quá ít ỏi họ khó mua được căn nhà hợp pháp.
Hoặc muốn mua trả góp, với công việc lao động phổ thông không ổn định và chẳng có gì để chứng minh thu nhập, nên hầu hết doanh nghiệp đều từ chối, ngân hàng cũng nói không. Sau cuộc kiểm tra và cưỡng chế rầm rộ năm ấy, tưởng chừng bà con sẽ ngán mua đất không giấy, xây nhà lụi, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. 
Mới đây, trở lại Vĩnh Lộc A sau đợt kiểm tra của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, chúng tôi gặp gỡ một số người dân đang ở trong những căn nhà “bất hợp pháp”, phải tháo dỡ. Căn nhà của ông P.T.B ở ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A bên trong là tường gạch, bên ngoài bao tôn để “ngụy trang”.
Ông B cho biết, trước kia thuê nhà mỗi tháng hơn 3 triệu nhưng quá chật trong khi con cái ngày càng lớn, vợ lại hay bệnh. Vợ chồng bàn nhau gom góp được 700 triệu đồng mua miếng đất bằng giấy tay và được “bao xây”. “Khi mua hồi hộp lắm, nhưng thấy nhiều nhà vẫn tồn tại nhiều năm nên cứ mua. Nhà không giấy nhưng được cái rộng rãi, vợ nhận đồ về nhà làm kiếm đồng ra đồng vô, chứ ở phòng trọ không làm gì được” - ông bộc bạch.
Cạnh nhà ông B là nhà bà M, ông H, ông X... đều nghèo. Giá nhà, đất hợp pháp quá cao nên họ không còn lựa chọn nào khác trước những lời rao “có cánh” của đầu nậu. Có người bán tín bán nghi nhưng cũng "nhắm mắt đưa chân" mong gia đình có chỗ ở ổn định.

Nhà giá rẻ diện tích nhỏ?
Từ ngày 1-7-2020, Thông tư 21 của Bộ Xây dựng sẽ có hiệu lực. Đây được xem là “chìa khóa” mở ra cho người nghèo có thể có căn nhà hợp pháp để ở. Theo Thông tư 21, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2 (đối với dự án nhà ở thương mại - NoTM) phải bảo đảm tỷ lệ không vượt quá 45% tổng số căn hộ chung cư của dự án. Với NoTM siêu nhỏ như vậy nhiều người kỳ vọng tổng giá trị căn hộ sẽ thấp là điều kiện để người nghèo có nhà.
Trước khi Thông tư 21 được ban hành, một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại TP đã đề xuất việc xây căn hộ có diện tích tối đa 25m2, tuy nhiên đề xuất này không được TP đồng ý. 
Giải thích lý do nói "không” với căn hộ diện tích 25m2, Sở Xây dựng TPHCM cho rằng lượng người nhập cư, tạm cư vào TP vẫn tăng lên nhanh chóng, với tỷ lệ tăng cơ học vượt tỷ lệ tăng tự nhiên lên tới 200.000 người/năm. Dân số hiện tại của TP đã vào khoảng 13 triệu người.
Trong khi đó, tại đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dân số của TP 10 triệu người. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với sự gia tăng quy mô dân số, các phương tiện giao thông cá nhân, khiến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện có trở nên quá tải và chịu áp lực lớn. 
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo doanh nghiệp BĐS nói trên, khẳng định nhu cầu sở hữu nhà ở tại TP đang rất lớn. Số lượng nhà ở xã hội (NoXH), nhà ở cho người thu nhập thấp chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Việc cho phép các dự án NoTM được xây dựng một tỷ lệ nhất định (25%) nhà ở có diện tích 25m2 trở lên là cơ hội tốt để người có thu nhập thấp, trung bình sở hữu nhà ở.
Và để tránh nỗi lo hình thành các “ổ chuột” trên cao, trong quy hoạch, căn hộ dù nhỏ diện tích nhưng vẫn bảo đảm các chức năng phục vụ chất lượng cuộc sống của người dân. Khi diện tích căn hộ giảm, phần sở hữu riêng giảm, nhưng các chỉ tiêu kỹ thuật đã phê duyệt vẫn phải tuân thủ. Do đó, việc giảm diện tích căn hộ có ảnh hưởng đến người sử dụng, nhưng không ảnh hưởng đến hạ tầng chung của xã hội. 
NoTM diện tích nhỏ là hướng đi khả thi nhất, bởi trước nay các dự án NoXH phát triển rất chậm. Theo danh sách các dự án NoXH được Sở Xây dựng báo cáo sẽ hoàn thành trong năm 2020, đến nay hầu hết vẫn còn trên giấy vì vướng thủ tục.
Hiện nay cứ 5 năm TP có thêm 1 triệu dân khiến cho nhu cầu chỗ ở càng trở nên bức bách. Sở Xây dựng cũng đặt mục tiêu 20.000 căn hộ NoXH đến năm 2020... Nhưng thực tế người thu nhập thấp vẫn khó được chen chân. 

Các tin khác