Vua cút miền Tây

Nhận danh hiệu “Top 500 thương hiệu Việt mạnh hàng đầu Việt Nam 2009” đối với ông Trần Nguyễn Hồ, chủ doanh nghiệp Nguyễn Hồ, là một vinh dự, nhưng đó cũng là một áp lực lớn.

Nhận danh hiệu “Top 500 thương hiệu Việt mạnh hàng đầu Việt Nam 2009” đối với ông Trần Nguyễn Hồ, chủ doanh nghiệp Nguyễn Hồ, là một vinh dự, nhưng đó cũng là một áp lực lớn. 

Nói về lần đầu được nhận danh hiệu Top 500 thương hiệu Việt mạnh hàng đầu Việt Nam, ông Trần Nguyễn Hồ mỉm cười: “Hạnh phúc lắm. Sau bao nhiêu năm với nhiều công sức bỏ ra, tôi biết mình đã đi đúng hướng. Nhưng đó cũng là một áp lực vì khi ai cũng biết đến, mình phải làm sao cho xứng đáng”. Danh hiệu đó cùng với các giải thưởng “Cúp vàng sản phẩm ưu tú hội nhập WTO lần VI năm 2010”, “Cúp vàng Thương hiệu Việt”, “Doanh nhân ưu tú năm 2010”… đã làm nên thương hiệu Nguyễn Hồ ngày nay.

Trắc trở khởi nghiệp

Ông Trần Nguyễn Hồ và những giải thưởng đã được nhận. Ảnh: QUẾ QUYÊN

Ông Trần Nguyễn Hồ và những giải thưởng
đã được nhận. Ảnh: QUẾ QUYÊN

Đến xã Tân An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hỏi ông Trần Nguyễn Hồ nuôi cút, ai cũng biết. Trước ngày niềm Nam được giải phóng, ông làm công nhân điện cao thế, có lúc làm ngành xuất khẩu gạo. Sau đó ông học và tốt nghiệp trung cấp ngành dược, được phân công về làm tại một xí nghiệp ở tỉnh Tiền Giang.

Công tác được một thời gian, ông xin nghỉ, chuyển sang làm nghề nuôi cút. Ông khởi nghiệp với 2.000 con cút giống nuôi thử nghiệm. Đàn cút phát triển tốt và đẻ trứng, nhưng dịch cúm gia cầm năm 2002  bùng phát dữ dội, mọi hoạt động của trang trại buộc phải dừng lại. Ông thua lỗ nặng.

Lên TPHCM tìm việc khác để nuôi sống gia đình, nhiều lúc ông trăn trở: “Chẳng lẽ mình dễ thất bại như vậy và không thể làm giàu trên mảnh đất quê hương?”.

Với quyết tâm làm giàu, vực dậy kinh tế gia đình, sau dịch cúm gia cầm, ông trở về quê quay lại với về nghề nuôi cút. Năm 2004, khi thị trường trứng, thịt cút đã ổn định, ông gom hết tiền dành dụm và vay mượn thêm vốn để xây dựng, mở rộng chuồng trại quy mô lớn.

Ông Hồ cho biết: Nuôi cút rất khó, muốn cút phát triển tốt, phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về giống, trang trại, kỹ thuật nuôi. Nuôi thủ công với chuồng thiết kế theo cách cũ rất cực và không thể phát triển quy mô công nghiệp, ông mạnh dạn nghiên cứu chuồng nuôi cút công nghiệp.

Thoạt nghe nói đến chuồng nuôi cút công nghiệp, nhiều người không khỏi thắc mắc vì nghĩ chắc nuôi cút cũng giống như nuôi gà công nghiệp, đâu có gì khác.

Thế nhưng khi được tận mắt chứng kiến trang trại của ông Hồ, ai cũng thán phục. Để thiết kế thành công chuồng nuôi chim cút, ông đã nghiên cứu học hỏi ở sách báo nước ngoài, tìm thông tin trên mạng và tại các triển lãm công - nông nghiệp. Thấy thiết kế chưa hợp lý, ông bỏ đi, rồi lại kiên trì nghiên cứu cách khác. Cuối cùng ông đã thiết kế thành công. Các ô chuồng được thiết kế trên giá đỡ bằng kim loại ghép thành một hệ thống  rất tiện lợi.

 Quyết tâm và bản lĩnh

Năm 2009 ông Hồ đã làm thủ tục tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đăng ký bảo hộ độc quyền thiết kế chuồng nuôi cút. Đây là dấu mốc đầu tiên khẳng định bản lĩnh, lòng kiên trì và quyết tâm dựng nghiệp của “Vua cút” Trần Nguyễn Hồ. Nghề dạy nghề, rút kinh nghiệm từ lần nuôi trước, ông quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh, xử lý môi trường chuồng trại, sử dụng thức ăn phù hợp để cút hấp thụ tốt.

Trong chăn nuôi, thường có rủi ro rất cao nếu con giống không đảm bảo chất lượng, do vậy ông Hồ đặc biệt quan tâm việc hoàn thiện con giống, mạnh dạn cung cấp kinh phí đặt hàng với các trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Đại học Tiền Giang, Cao đẳng Công nghiệp TPHCM để hoàn thiện con giống.

Sau khi thành công với việc nuôi cút, ông lại tung ra sản phẩm mới: trứng cút lộn. Hồi mới đưa sản phẩm trứng cút ra thị trường, do nuôi quy mô lớn nên trứng cút tiêu thụ không hết, ông phát hiện trứng cút lộn cũng là một sản phẩm đầy tiềm năng. Chẳng bao lâu, sản phẩm trứng cút lộn của Doanh nghiệp Nguyễn Hồ đã được thị trường ưa chuộng.

Hiện giờ, giá bán trứng cút lạt là 350 đồng/trứng, còn trứng cút lộn 550 đồng/trứng, doanh thu từ trứng cút mỗi tháng đạt 1-1,2 tỷ đồng. Thịt cút thương phẩm mang thương hiệu Nguyễn Hồ được thị trường TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ tín nhiệm.

Một sản phẩm mới của trang trại Nguyễn Hồ là trứng cút đóng lon. Các đối tác Nhật Bản biết  đến trang trại của ông qua địa chỉ trang web www.trangtrainguyenho.thv.vn, đã tìm đến tham quan. Nhận thấy trang trại đảm bảo các điều kiện chăn nuôi và an toàn thực phẩm, họ đã ký kết hợp đồng đặt hàng trứng cút hộp. Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, ông đã xây dựng mô hình nuôi khép kín, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo hợp đồng giữa Doanh nghiệp Nguyễn Hồ với CTCP Rau quả Tiền Giang, mỗi ngày Doanh nghiệp Nguyễn Hồ giao trứng cút thương phẩm cho nhà máy để chế biến và đóng gói thành phẩm. Sau đó Doanh nghiệp Nguyễn Hồ xuất khẩu trực tiếp cho đối tác Nhật Bản với số lượng 1.000 hộp trứng cút thành phẩm, mỗi hộp 25 trứng với giá 2USD. Hiện nay Doanh nghiệp Nguyễn Hồ đạt doanh thu bình quân 12-15 tỷ đồng/năm.

Hỗ trợ nông dân

Trang trại nuôi cút khép kín của Doanh nghiệp Nguyễn Hồ. Ảnh: QUẾ QUYÊN

Trang trại nuôi cút khép kín của Doanh nghiệp
Nguyễn Hồ. Ảnh: QUẾ QUYÊN

Với những thành công trong nghề nuôi cút, doanh nhân Trần Nguyễn Hồ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những người chăn nuôi ở các nơi tìm đến học hỏi để phát triển nghề nuôi cút.

Với khách ở xa, ông còn ân cần mời ở lại và chỉ dẫn nhiệt tình, không giấu bí quyết gì, thậm chí với nông dân ở địa phương muốn nuôi cút, ông còn đến tận nơi hướng dẫn cách làm chuồng.

“Tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của những người hàng xóm cho vay vốn hồi mới khởi nghiệp. Bà con nông dân còn nghèo, nên việc hỗ trợ nhau làm ăn rất cần thiết. Góp chút kinh nghiệm để bà con mình khá hơn, vươn lên làm giàu, cũng là trách nhiệm của doanh nhân” - ông Hồ tâm sự.

Do vậy, nhiều người biết đến ông Hồ không chỉ là một doanh nhân thành đạt, mà còn là người nhân ái, tận tình giúp đỡ nông dân.

Điều đáng quý là ông tích cực làm công tác từ thiện ở địa phương. Mỗi năm, ông chi hàng chục triệu đồng để giúp đỡ những sinh viên - học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn, xây nhà tình nghĩa, giúp vốn và hướng dẫn cho bà con chăn nuôi.

Hiện nay, trang trại Nguyễn Hồ là trung tâm tư vấn kỹ thuật nuôi cút, cũng là nơi tiêu thụ cút và trứng cút cho toàn vùng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho nhiều người lao động như trông coi trang trại, dập kẽm và sắt để làm chuồng nuôi cút theo đơn đặt hàng của  nông dân. Nhờ sự giúp đỡ của ông, nhiều hộ nông dân từng bước làm giàu.

Các tin khác