Văn chương nối lòng đổ nát

Cao hơn khát vọng hòa bình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca từ như một ước nguyện lớn lao: “Ta đã thấy gì trong đêm nay, bàn tay muôn vạn bàn tay. Những ngón tay thơm nối tật nguyền, nối cuộc tình, nối lòng đổ nát. Bàn tay đi nối anh em”. Còn nữ sĩ Wislava Szymborka tâm niệm:

Cao hơn khát vọng hòa bình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca từ như một ước nguyện lớn lao: “Ta đã thấy gì trong đêm nay, bàn tay muôn vạn bàn tay. Những ngón tay thơm nối tật nguyền, nối cuộc tình, nối lòng đổ nát. Bàn tay đi nối anh em”. Còn nữ sĩ Wislava Szymborka tâm niệm:

Sau mỗi cuộc chiến tranh

Phải có người đi dọn dẹp

Các mảnh vỡ

Chúng không tự mình đứng lên được.

Vì vậy, khi đất nước Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập quốc tế, những người cầm bút phải tự nguyện nhận lấy trách nhiệm dùng thẩm mỹ nghệ thuật và rung cảm trái tim để góp phần lau khô những giọt nước mắt của mất mát, của cách ngăn và chia lìa.

Không phải một khẩu hiệu, thực sự công chúng luôn mong mỏi tìm thấy ở văn chương những cái nhìn nhân bản, hướng tới tương lai. Bằng thái độ nhẹ nhàng và khéo léo, nhà thơ Lê Quang Trang có cách hòa giải dân tộc trên xứ sở đã gánh chịu triền miên khói lửa giằng co. Bài thơ “Với cô bảo mẫu” dạt dào độ lượng trước những đứa con lai - những đứa trẻ còn lại của xung đột gay gắt - và gắng gượng vượt qua thù hận:

Chị đừng băn khoăn sao tóc cháu vàng hoe

Sao mắt cháu lại xanh, chị nhé!

Chị hãy vui nhận cháu vào nhà trẻ

Để cháu được hát ca với bạn bè…

Họp phụ huynh ư? Sẽ chẳng sao đâu

Tôi sẽ đến thay cha mẹ cháu!.

Ở một góc độ khác, nhà thơ Bằng Việt có bài thơ “Rượu của Nguyễn Cao Kỳ” như một câu chuyện kể nhiều trắc ẩn và lắm ngậm ngùi. Đây là tác phẩm không thể trích dẫn, mà mỗi người cần đọc thật chậm, vừa đọc vừa nghĩ cho mình và cho non sông:

Vị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn:

"Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng"

Mọi người đang vui, gật gù bảo uống

Nhưng một người bảo "Không!"

Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!

Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì,

Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ

Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!

Nhưng vẫn có một người không chịu uống!

Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư?

Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ!

Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử,

Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!

Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?

Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa,

Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ,

Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...

Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống

Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì,

Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót

Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!

Bài thơ nhói lên trong người đọc chút xao xác, vì chúng ta hiểu rằng con đường đến với nhau ngỡ gần gũi mà nghìn trùng đấy. Chỉ có sự thông cảm và tha thứ mới có thể san bằng những hố sâu rạn nứt từng xảy ra. Sự thật giản dị ấy, những nhà thơ đang sinh sống ở hải ngoại cũng thấu hiểu. Và tất cả cùng hành động vì cội nguồn chan hòa và đầm ấm.

Sức cảm hóa bền bỉ của văn chương không chỉ thể hiện ở những sáng tác được công bố rộng rãi, mà có khi ngay từ trang bản thảo đã giục giã con người đi đến lẽ sống nhân ái. Năm 1971, nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh ở Duy Xuyên, Quảng Nam và những trang viết của ông đã được một cựu sĩ quan chế độ cũ tên là Hoàng Đình Hiếu gìn giữ cẩn thận. Chính phẩm giá toát ra từ trang viết của Chu Cẩm Phong và sự trân trọng của Hoàng Đình Hiếu mà hôm nay độc giả được nâng niu “Nhật ký chiến tranh” trên tay để thêm yêu dòng sông mảnh ruộng quanh mình.

Các tin khác