Văn Cao qua ống kính Nguyễn Đình Toán

(ĐTTCO) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán không nhớ mình đã chụp biết bao nhiêu cuộn phim về nhạc sĩ Văn Cao, đến nỗi có lần tác giả Tiến quân ca nói vui: “Anh chụp tôi có khi hàng yến, chứ không chỉ hàng cân ảnh nữa đâu nhỉ”.

(ĐTTCO) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán không nhớ mình đã chụp biết bao nhiêu cuộn phim về nhạc sĩ Văn Cao, đến nỗi có lần tác giả Tiến quân ca nói vui: “Anh chụp tôi có khi hàng yến, chứ không chỉ hàng cân ảnh nữa đâu nhỉ”.

Cách đây 21 năm, vào ngày 10-7-1995, nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca duy nhất và cuối cùng trên thế giới còn sống đến thời điểm ấy, đã vĩnh viễn ra đi. Thực hiện tâm nguyện của người quá cố, vợ và 5 người con của ông đã cùng ký tên hiến tặng bản Tiến quân ca cho Nhà nước. Chiều ngày 15-7-2016, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức lễ tiếp nhận bài Tiến quân ca và truy tặng huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao. Tại buổi lễ trang trọng nói trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Tiến quân ca đã trở thành bài ca của cả dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam đều hát ca khúc này và sẽ tiếp tục ca mãi như lời hiệu triệu non sông. Tiến quân ca đã và sẽ mãi mãi là tài sản chung của dân tộc Việt Nam đúng như tâm nguyện lúc sinh thời của cố nhạc sĩ”.  

Nhạc sĩ Văn Cao (bên phải) với nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh ngày 9-3-1989. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhạc sĩ Văn Cao (bên phải) với nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh
ngày 9-3-1989. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ngược dòng thời gian, 71 năm trước, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, hàng chục ngàn người đã hát vang bài Tiến quân ca trong lễ chào cờ tại buổi lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới. Trước đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I vào tháng 3-1945, theo đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và được ghi tại Điều 3 Hiến pháp năm 1946. Từ đó, bài Tiến quân ca đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục ghi nhận “Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.

Hai nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn ngày 24-4-1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Hai nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn
ngày 24-4-1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Không chỉ Tiến quân ca, thiên tài Văn Cao còn để lại cho nền văn hóa nước nhà nhiều tác phẩm âm nhạc như Bến xuân, Suối mơ, Trương Chi, Thiên Thai, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội... cùng thi ca, hội họa. Ngoài Huân chương Hồ Chí Minh vừa được truy tặng, ông còn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996) và nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (1993), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1949…

Đạt nhiều thành công trong sáng tạo văn học nghệ thuật, nhưng cuộc đời nghệ sĩ Văn Cao gặp không ít thăng trầm. Và dù trong hoàn cảnh nào ông cũng được nhiều người yêu mến. Một trong những người hâm mộ và tìm cách ghi lại hình ảnh tác giả Tiến quân ca là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. Vào cuối năm 2013, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 và 18 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, một cuộc triển ảnh về ông do Nguyễn Đình Toán thực hiện đã diễn ra tại nhà Khai Trí Tiến Đức cũ ở Hà Nội, vốn là nơi đặt trụ sở Quốc hội khóa I năm 1946. Chính tại ngôi nhà Khai Trí Tiến Đức, từ năm 1943-1944, Văn Cao từng 2 lần tham gia triển lãm Salon Unique với các bức tranh sơn dầu Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm và Cuộc khiêu vũ những người tự tử - tác phẩm được giới mỹ thuật bấy giờ đánh giá cao và gây xôn xao dư luận.

Nhạc sĩ Văn Cao trong Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam, ngày 9-6-1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhạc sĩ Văn Cao trong Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam,
ngày 9-6-1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Vốn là người phụ trách ảnh báo Văn Nghệ, Nguyễn Đình Toán là một nhà nhiếp ảnh quen thuộc đã lưu giữ nhiều hình ảnh tư liệu quý giá về đời sống văn nghệ. Nhà riêng của Nguyễn Đình Toán cùng phố với nhà Văn Cao, nên hễ rảnh ông lại xách máy qua nhà nhạc sĩ chơi, thấy hứng thì chụp. Ông không nhớ mình đã chụp biết bao nhiêu cuộn phim về Văn Cao. Ảnh hoàn toàn được chụp bằng phim nhựa, chủ yếu là đen trắng, không có dấu vết kỹ thuật photoshop. Cái đẹp thể hiện bằng hình ảnh chân xác, cũ kỹ của đời thường. Mỗi bức ảnh chứa đựng một câu chuyện về số phận của con người đa năng nhưng lắm thăng trầm Văn Cao.

Các tin khác