Du lịch chữa bệnh: Chưa khai thác xứng tầm

Có tiềm năng và được hình thành từ vài năm trước, song cho đến nay sự phát triển của mô hình du lịch chữa bệnh ở Việt Nam vẫn còn hết sức manh mún.

Có tiềm năng và được hình thành từ vài năm trước, song cho đến nay sự phát triển của mô hình du lịch chữa bệnh ở Việt Nam vẫn còn hết sức manh mún.

Tiềm năng cao

Câu chuyện GS. Nguyễn Tài Thu, một chuyên gia trong lĩnh vực châm cứu, phối hợp với Tập đoàn Y học Quốc tế Du lịch (NTT Acupuncture Medical Tourism International Group - Thụy Điển) vài năm trước đưa du khách quốc tế đến Việt Nam vừa du lịch vừa kết hợp chữa bệnh bằng châm cứu và khí công, đã được dư luận quan tâm. Thực ra, Việt Nam vẫn được biết đến nhiều với phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đặc biệt châm cứu.

Du khách nước ngoài tắm bùn tại Nha Trang.

Du khách nước ngoài tắm bùn tại Nha Trang.

Cho đến nay, Việt Nam có khá nhiều bệnh viện và trung tâm châm cứu lớn như Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Viện Y học dân tộc TPHCM… với đội ngũ y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm.

Trong đó, Bệnh viện Châm cứu Trung ương được không ít bệnh nhân nước ngoài biết đến. Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về hiệu quả trị bệnh của châm cứu gần đây càng khiến du khách quốc tế quan tâm đến hình thức châm cứu chữa bệnh ở Việt Nam.

Ngoài ra, ngành du lịch chữa bệnh Việt Nam còn được thiên nhiên ưu đãi với suối khoáng nóng Tháp Bà - Nha Trang. Ở đây có những loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe đa dạng như ngâm bùn khoáng nóng, hồ bơi khoáng ấm, ôn tuyền thủy liệu pháp… tạo thành một quần thể du lịch kết hợp nghỉ ngơi thư giãn, phục hồi sức khỏe cho du khách.

Ông Nguyễn Thanh Trung, đại diện Công ty du lịch Thế hệ mới, cho hay: “Du khách nếu đã đến suối khoáng nóng Tháp Bà đều có phản hồi rất tốt và hẹn sẽ quay lại nếu có dịp”. Không chỉ Nha Trang, Quảng Ninh đang tích cực triển khai các bước để hình thành "vườn thuốc" Yên Tử.

Du khách đến đây không chỉ để thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp, mà còn được chữa bệnh từ những thảo dược quý của vùng đất thiêng. Năm 2011, Quảng Ninh đã đón trên 6 triệu lượt khách, trong đó 2,5 triệu khách quốc tế, đem lại nguồn thu trên 3.400 tỷ đồng.

Chưa được đầu tư đúng mức

Tiềm năng cao nhưng đến nay loại hình du lịch chữa bệnh vẫn chưa thể mang về cho Việt Nam một nguồn ngoại tệ lớn như ở Thái Lan, Singapore. Lý giải cho thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, chia sẻ: “Muốn thu hút khách du lịch tham gia các tour chữa bệnh phải tạo cho họ niềm tin. Mà niềm tin chỉ được hình thành khi du khách được trực tiếp mắt thấy một đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng sạch sẽ…”.

Trên thực tế, đội ngũ bác sĩ châm cứu giỏi của Việt Nam thường có tuổi đời khá cao, khả năng ngoại ngữ hạn chế, không thể trực tiếp trò truyện với bệnh nhân. Ngoài ra, việc đầu tư vào một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cũng là một bài toán khó với các bệnh viện, trung tâm châm cứu của Việt Nam. Thêm vào đó, loại hình châm cứu của Việt Nam còn chưa được quảng bá mạnh mẽ.

Thí dụ, Bệnh viện Bumrungrad ở Bangkok, Thái Lan luôn tự quảng bá mình đến với nhiều du khách tại nhiều quốc gia. Hiện Bumrungrad có hơn 30 văn phòng đại diện tại 30 quốc gia (Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Bồ Đào Nha...).

Thậm chí, Bumrungrad còn đặt một văn phòng ở ngay sân bay Thái Lan để đón và hướng dẫn du khách đến tham gia nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh. Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Mỹ, việc quảng bá như thành lập văn phòng đại diện là hết sức quan trọng, vì trước khi đến với Việt Nam du khách có thể tìm hiểu thông tin trên chính đất nước của họ.

Các hãng lữ hành có thể kết hợp cùng các bệnh viện để làm việc này nhưng cho đến nay việc kết hợp gần như quá lỏng lẻo, chưa được các hãng lữ hành quan tâm đúng mức.

Chính điều này khiến Việt Nam không những kém hấp dẫn trong việc thu hút người nước ngoài đến du lịch chữa bệnh, mà ước tính có hàng triệu người Việt Nam đi du lịch chữa bệnh ở nước ngoài với chi phí có khi lên tới cả tỷ USD.

Tất nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận để phát triển mô hình này không thể trong ngày một, ngày hai và rất cần có sự chung tay của những nhà đầu tư, những người có vốn, có “cái đầu” kinh doanh.

Các tin khác