"Biệt thự" nhà mồ

Nằm cách trung tâm Thành phố Huế khoảng 50km, thôn An Bằng, xã Vĩnh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, từng là thôn nghèo, một thời người dân ở đây ăn cháo xương rồng thay cơm. thời gian gần đây, hơn 90% hộ dân trong thôn có con em đi nước ngoài đã tích góp tiền gửi về quê để người thân xây cất mồ mả nguy nga. Thế là diễn ra cuộc đua tranh giữa các gia đình trong việc xây những “biệt thự” nhà mồ.

Nằm cách trung tâm Thành phố Huế khoảng 50km, thôn An Bằng, xã Vĩnh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, từng là thôn nghèo, một thời người dân ở đây ăn cháo xương rồng thay cơm. thời gian gần đây, hơn 90% hộ dân trong thôn có con em đi nước ngoài đã tích góp tiền gửi về quê để người thân xây cất mồ mả nguy nga. Thế là diễn ra cuộc đua tranh giữa các gia đình trong việc xây những “biệt thự” nhà mồ.

Tức nhau tiếng gáy

Giữa mênh mông cát trắng, những lăng mộ nguy nga, ngạo nghễ với nhiều kiểu dáng đã biến làng An Bằng thành đại nghĩa trang. Dù chỉ có gần 900 hộ dân, nhưng nghĩa địa của thôn có hơn 1.000 phần mộ bề thế. Với tâm lý "con gà tức nhau tiếng gáy", mộ phần dành cho người đã khuất xây sau thường to, bề thế, hoành tráng hơn những ngôi mộ xây trước.

Ngày qua ngày, nghĩa địa An Bằng trở thành một “đô thị” kiến trúc cổ "thập cẩm" với chiều cao mỗi ngôi mộ từ 10-20m, trang trí các hình tượng tứ linh “long, lân, quy, phụng”, “lưỡng long triều nguyệt”, trụ tròn nhà mồ đắp nổi hình rồng cuộn, gắn câu đối chữ Hán, mái vòm cong vút… Có nơi còn thỉnh cả tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát trên nóc mộ, xung quanh chạm khắc tinh xảo mang hình cỏ cây hoa lá, “ngư, tiều, canh, mục”…

 Một phần mộ tại nghĩa trang An Bằng. Ảnh: D.PHƯỚC

 Một phần mộ tại nghĩa trang An Bằng. Ảnh: D.PHƯỚC

Anh Nguyễn Thanh Hòa, người chuyên thực hiện các công đoạn hoàn thiện mộ phần tại nghĩa trang An Bằng, cho biết từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một số gia đình trong vùng bắt đầu xây mồ mả theo kiểu lăng mộ, trang trí cầu kỳ, rực rỡ. Dần về sau, mộ phần kiểu này đua nhau mọc lên. Có lẽ do thiếu ý tưởng, chưa đủ điều kiện kinh phí… nên những ngôi mộ ban đầu được xây dựng khiêm tốn với giá từ 30-50 triệu đồng.

Nhưng càng về sau, các mộ phần được sửa sang, nới rộng và trang trí, trở thành những ngôi “biệt thự” uy nghi. Có mộ vừa xây xong đã phá bỏ xây lại vì chủ không ưng ý, hoặc do sĩ diện. Không ít trường hợp gia đình này đầu tư xây mộ cả tỷ đồng, gia đình bên cạnh phải cố “đua”, bỏ 2-3 tỷ đồng chỉ vì muốn biến nhà mồ cho người đã khuất thành lăng mộ. “Biệt thự” cho người chết với số tiền đầu tư như vậy cao hơn nhiều so với giá trị của nhiều ngôi nhà cho người sống ở thôn An Bằng.

Đó là chưa nói đến người dân ở đây chưa hiểu được ý nghĩa của lăng mộ. Chôn cất, làm mộ phần cho người chết là phong tục của người Việt. Nhưng từ mộ phần đến lăng mộ là một khoảng cách và có sự khác biệt: Lăng mộ chỉ dành cho giới quý tộc, vua chúa thuở xưa. Cho nên trong đời sống hiện đại, dù cố thế nào cuối cùng cũng  không thể hiện được “đẳng cấp” gì giữa các gia đình, họ tộc trong thôn với nhau. 

 “Xí phần” cho người chết

Theo quyết định về định mức sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành, mộ táng chỉ rộng tối đa 9m2. Vậy nhưng khi chúng tôi đến viếng khu “biệt thự lăng mộ” này, vẫn còn vài lăng mộ đang trong tiến trình xây dựng với diện tích trung bình từ 200-300m2/mộ. Hiện diện tích đất trống trong nghĩa địa ngày càng bị thu hẹp và tâm lý chuẩn bị chỗ ở đàng hoàng khi sang “thế giới bên kia” khiến nhiều gia đình ở đây tính đến chuyện khoanh đất xí phần xây lăng từ rất sớm.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết địa phương đang xây dựng quy hoạch nghĩa trang làng An Bằng. Tiếp đó, họp lấy ý kiến của nhân dân, rồi thông qua HĐND xã để bổ sung, đưa ra quy định thích hợp cho việc quy hoạch xây dựng mồ mả.

Không biết đến bao giờ nghĩa trang làng An Bằng mới có quy hoạch để theo. Còn bây giờ, việc chuẩn bị mộ phần khang trang ngay từ khi còn sống đã thành một cái lệ khó xóa bỏ. Thành phố lăng mộ dành cho người chết hiếm thấy này cứ ngày càng phát triển sầm uất.

Nhìn khu lăng mộ, ngẫm nghĩ về số tiền kếch xù của các hộ dân nơi đây đầu tư có thể nói quá lãng phí, trong khi cả xã và các vùng lân cận vẫn còn rất khó khăn, hầu hết đều sống bằng nghề trồng lúa và đánh bắt nhỏ. Các công trình công ích như trạm xá, bệnh viện, trường học… đều cũ kỹ không có kinh phí sửa chữa. Thế mà bên cạnh nó lại có những công trình đồ sộ tốn hàng tỷ đồng chỉ để dành cho người… âm phủ!

Các tin khác