Phía sau tiếng cười Mỹ Chi

(ĐTTCO) - Mỹ Chi là nữ nghệ sĩ tấu hài đầu tiên của sân khấu hài nước ta. Từ kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, danh hài Mỹ Chi còn đạo diễn, đào tạo và nâng đỡ nhiều lớp đàn em. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để được bước lên sân khấu cùng khán giả, Mỹ Chi phải trả những cái giá rất đắt, đến bây giờ ngồi nhớ lại những kỷ niệm đau buồn ấy, giọt nước mắt xót xa vẫn lặng lẽ rơi.

(ĐTTCO) - Mỹ Chi là nữ nghệ sĩ tấu hài đầu tiên của sân khấu hài nước ta. Từ kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, danh hài Mỹ Chi còn đạo diễn, đào tạo và nâng đỡ nhiều lớp đàn em. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để được bước lên sân khấu cùng khán giả, Mỹ Chi phải trả những cái giá rất đắt, đến bây giờ ngồi nhớ lại những kỷ niệm đau buồn ấy, giọt nước mắt xót xa vẫn lặng lẽ rơi.

Cô tiểu thư mê cải lương

Danh hài Mỹ Chi.

Danh hài Mỹ Chi.

Hãng xe Tam Hữu nằm trên đường Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) là một thương hiệu lớn của ngành ô tô vận tải Sài Gòn trước năm 1975. Ông chủ hãng xe giàu có này sinh hạ được cô con gái “rượu” Nguyễn Mỹ Chi, với hy vọng sẽ nối nghiệp cha chuyên lo kinh doanh. Thế nhưng, từ nhỏ tiểu thư Mỹ Chi lại say mê ánh đèn nghệ thuật sân khấu cải lương và nuôi ước mơ trở thành những bậc nữ tài danh đi trước Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam… Cứ mỗi lần được cha mẹ đưa đi xem tuồng, nhất là được gặp gỡ, xem 2 ông cậu là nghệ sĩ lừng lẫy Út Trà Ôn và Trường Xuân biểu diễn, ước mơ của tiểu thư Mỹ Chi càng cháy bỏng. Dù không được cha mẹ tán đồng, Mỹ Chi vẫn âm thầm thi vào Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, đậu thủ khoa và nhận được học bổng. Ra trường, cô lấy nghệ danh rút gọn Mỹ Chi, đến xin cậu Trường Xuân - nghệ sĩ đang làm ông bầu Đoàn Cải lương Kim Chưởng, cho mình được hát. Nhưng cô bị cậu Trường Xuân nạt cho, vì chất giọng không có gì đặc biệt. Mỹ Chi bị cú giáng “trời đánh”, về nhà ôm mặt khóc rấm rứt…

Nghe con gái nài nỉ, mẹ Mỹ Chi thử dẫn cô qua cậu Mười Út Trà Ôn - ông bầu Đoàn Cải lương Thống Nhất. Cậu Mười nể tình bảo cô mỗi tối cứ đến với đoàn thấy việc gì làm được thì làm. Tối nào ông chủ hãng xe Tam Hữu cũng lái xe chở con gái Mỹ Chi đến đoàn Thống Nhất, nhưng chỉ ngồi xem diễn tập chứ vẫn không được hát gì cả. Thấy 2 người cậu nghệ sĩ không cho con gái rượu mình hát, ông chủ hãng xe Tam Hữu bực mình chở con thử tìm tới nghệ sĩ Năm Châu - ông bầu Đoàn Cải lương Ánh Chiêu Dương. Nghệ sĩ Năm Châu rộng lượng nhận Mỹ Chi vào đoàn và cho đóng một số vai tuồng, có vai còn được đóng chính chung với kép ngôi sao Việt Hùng. Gia đình mừng như con gái vừa chết sống lại. Để lấy lòng nghệ sĩ Năm Châu, ông chủ hãng xe Tam Hữu còn tự nguyện đêm đêm cho 4 chiếc xe đến các điểm ở Sài Gòn - Chợ Lớn đón khán giả đi miễn phí đến xem đoàn Ánh Chiêu Dương hát. Do hoàn cảnh chiến tranh, Đoàn Cải lương Ánh Chiêu Dương của nghệ sĩ Năm Châu chỉ tập trung biểu diễn ở nội thành Sài Gòn và Chợ Lớn. Mỹ Chi sau khi được hát lại mơ đi diễn xa, mong được nổi tiếng và nhiều người biết đến hơn. Một cô đào nổi tiếng thuộc thế hệ trước đang làm bầu đoàn THL đã đến đánh tiếng: “Con muốn nổi tiếng hãy theo má về đi hát các tỉnh”. Nghe vậy, Mỹ Chi mừng quá, xin nghệ sĩ Năm Châu về đoàn THL, với hy vọng tương lai rạng rỡ đang mở ra trước mắt mình.

Ngay ngày đầu mới về, bà bầu đoàn THL đã đưa ra hợp đồng bảo Mỹ Chi ký vào. Hợp đồng mang tính ràng buộc nếu bỏ đi hát đoàn khác sẽ phải bồi thường 200.000 đồng. Nhớ lại chuyện cũ, nghệ sĩ Mỹ Chi vẫn còn đỏ mặt tức giận: “Ký hợp đồng, tôi không được nhận đồng nào mà còn bắt phải bồi thường nếu bỏ đoàn. 200.000 đồng là số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Không chỉ tôi mà nhiều bạn diễn khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Vì quá mê hát, mê được nổi tiếng tôi cứ chấp nhận bừa. Với lại nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là tờ giấy làm chứng để mình được đi hát mà thôi. Nhưng tôi đâu có ngờ…”.

Mỹ Chi không ngờ đây là khúc rẽ bi hài đớn đau đối với một tiểu thư con nhà giàu hết lòng vì nghệ thuật. Lấy khăn lau nước mắt, Mỹ Chi kể tiếp: “Không phải chuyện bồi thường tiền bạc hợp đồng, vì tôi có được hát đâu mà bồi thường. Lúc ấy đoàn THL đóng ở Biên Hòa. Tôi lên được bà bầu phân công… đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, phục vụ cho mười mấy người trong đoàn hát, cả vợ chồng bà. Trong khi tôi vốn là con gái nhà giàu, từ nhỏ đến lớn đâu biết nấu ăn, nội trợ là gì”. Vì quá mê hát, hy vọng sẽ được hát, nên Mỹ Chi lần ra chợ hỏi thăm cách nấu ăn. Một nam nghệ sĩ lớn tuổi trong đoàn thấy Mỹ Chi luýnh quýnh không biết cách nấu cơm nên đã chỉ dẫn tận tình. Dần dần cũng biết nấu ăn và hầu hạ chu đáo bà bầu để hy vọng được hát. Nhưng mấy tháng trời chờ hoài vẫn không thấy đả động gì, ngày lo phục vụ đoàn, tối khoanh tròn ngủ dưới đất, chỉ được ăn 2 bữa cơm, không có được một đồng tiền thù lao.

Một hôm đoàn cải lương THL từ Biên Hòa xuống Vũng Tàu biểu diễn. Đang trên đường đi công việc, ông bà chủ hãng xe Tam Hữu thấy đoàn THL trương bảng hiệu quảng cáo, ông bà mới vào xem thử. Bất ngờ, cha mẹ Mỹ Chi thấy con gái rượu đang nằm co ro ngủ bên cạnh nhà vệ sinh, phía dưới chân vợ chồng bà bầu. Nghe kể thật mọi sự tình, người cha quá đỗi tức giận quyết định bắt con gái về nhà, dù có tự tử cũng không cho đi theo đoàn hát nữa.

Hai danh hài Tùng Lâm và Mỹ Chi.

Hai danh hài Tùng Lâm và Mỹ Chi.

Biết ơn ông Sáu Dân

Theo cha mẹ về lại Sài Gòn, Mỹ Chi buồn ngơ ngác như kẻ thất tình, bỏ ăn bỏ uống. Xót cho con gái, ông chủ hãng xe Tam Hữu một lần nữa cắn răng nhờ người quen giới thiệu vào Đoàn kịch Tân Dân Nam của ông bầu Anh Lân - chồng nghệ sĩ Túy Hoa. Đây là 1 trong 4 ban kịch nổi tiếng chuyên biểu diễn trên Đài Truyền hình Sài Gòn trước năm 1975. Tình yêu và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc đã giúp Mỹ Chi tự phát hiện khả năng diễn kịch của mình. Chẳng những nhanh chóng gặt hái thành công, được khán giả yêu mến, nữ nghệ sĩ trẻ còn được tin tưởng đứng ra thành lập Ban kịch trẻ Mỹ Chi, diễn chương trình riêng, sát cánh cùng 4 ban kịch đàn anh khác toàn những ngôi sao thành danh.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, một lần nghệ sĩ hài Phi Thoàn gặp Mỹ Chi gợi ý, lâu nay diễn hài chỉ có nam chứ không có nữ và đề nghị chị thử cùng lên sân khấu tấu hài. Đến lúc ấy, những người diễn hài chỉ được gọi là hề. Mỹ Chi sợ khán giả kêu con hề, nên từ chối. Do thấy được khả năng hài hước và tài diễn xuất của Mỹ Chi, nên Phi Thoàn kiên trì thuyết phục, động viên thử tập luyện. Thật bất ngờ, khi lên sân khấu Mỹ Chi diễn hài rất thành công. Nếu như nghệ sĩ Phi Thoàn là cha đẻ của tấu hài, người có công lớn đối với sân khấu hài, Mỹ Chi là nữ nghệ sĩ diễn hài đầu tiên của Sài Gòn và Việt Nam. Sau khi nổi tiếng nhờ tấu hài cặp với Phi Thoàn, Mỹ Chi tiếp tục diễn cặp với Bảo Quốc trong "Ông Táo bà Bánh" vào 30 Tết, mở đầu cho chương trình kịch Táo quân dịp Tết Nguyên đán hàng năm trên Đài Truyền hình TPHCM. Từ năm 1990, chị thành lập Đoàn kịch Mỹ Chi gồm gần 40 nghệ sĩ, giữ nhiều vai trò, từ quản lý đến dựng kịch bản, đạo diễn và diễn xuất, đưa đoàn đi biểu diễn.

Chương trình Tiếng cười sân khấu do ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) khi ấy còn là Bí thư Thành ủy TPHCM khởi xướng, đã trở thành nơi hội tụ và phát hiện nhiều nghệ sĩ hài tài năng. Cũng từ đó, từ “danh hài” ra đời thay cho từ hề không hay lắm. Mỹ Chi đã đoạt 2 giải thưởng cuộc thi Danh hài TPHCM năm 1996, 1997. Chị tâm sự: “Giới nghệ sĩ hài đều biết ơn bác Sáu Dân. Nhờ ông chúng tôi có vị trí xứng đáng trên sân khấu, góp tiếng cười có ích cho đời sống. Trước đây khi đi hát ít ai muốn làm hề. Ai cũng sợ mình bị gọi là thằng hề, con hề. Nhưng hiện nay, danh hài bị lạm dụng nhiều quá. Cứ ai lên sân khấu tấu hài, nhiều khi lại diễn rất thô, cũng được xưng tụng danh hài. Sân khấu hài hiện đang bị xuống cấp, rơi vào tình trạng lộn xộn, bát nháo đáng buồn”.

Các tin khác