Nước mía Sài Gòn

Nước mía là thứ nước nguyên chất được ép ra từ thân cây mía. Thời trước, do thiếu điện, nhiều xe nước mía phải quay tay hay dùng máy nổ. Hiện giờ hầu hết xe nước mía đều gắn động cơ điện. Vài năm gần đây xuất hiện loại xe “nước mía siêu sạch”, với phần dụng cụ ép được bao kín và cây mía ép qua một lần thành bã, không thể ép lần hai, lần ba như xe nước mía bình thường. “Nước mía siêu sạch” được để vào ly nhựa có nắp, ống hút, khiến cho ly nước mía bình dân thêm phần sang trọng, mà giá cũng chỉ 3.000-4.000 đồng.

Nước mía là thứ nước nguyên chất được ép ra từ thân cây mía. Thời trước, do thiếu điện, nhiều xe nước mía phải quay tay hay dùng máy nổ. Hiện giờ hầu hết xe nước mía đều gắn động cơ điện. Vài năm gần đây xuất hiện loại xe “nước mía siêu sạch”, với phần dụng cụ ép được bao kín và cây mía ép qua một lần thành bã, không thể ép lần hai, lần ba như xe nước mía bình thường. “Nước mía siêu sạch” được để vào ly nhựa có nắp, ống hút, khiến cho ly nước mía bình dân thêm phần sang trọng, mà giá cũng chỉ 3.000-4.000 đồng.

Nước mía Sài Gòn ảnh 1

Nước mía là thức uống bình dân phổ biến ở  Sài Gòn.

Trong khi ép nước mía, các chủ quán thường thêm vào đó vài trái tắc cho thơm, có khi cho thêm vài lát trái thơm hay trái dâu Đà Lạt. Nước mía ép đậm đà sóng sánh được rót vào một ly đá đập sẵn, phần dưới ly có màu vàng ươm đặc trưng của nước mía, phía trên là lớp bọt trắng (giống như bọt bia). Cắm sâu ống hút vào ly nước mía sau khi đã nêm vô ly một muỗng nhỏ chanh muối, hút sâu một hơi, cạn hơn nửa ly, thật đã! Tưởng chừng như cả cái khát khô cổ đã lùi lại thật xa...

Nước mía là một thứ thức uống bình dân, do đó tuổi học trò dù con nhà giàu hay nghèo đều biết tới mùi vị. Xoay quanh xe nước mía chắc hẳn không thiếu những câu chuyện tình của thời áo trắng mộng mơ. Có một chị, bây giờ đã khá lớn tuổi, khi kể chuyện tình của mình, hay nói mãi về mối tình với một người bạn thời niên thiếu rất “kẹo.” “Kẹo” ở đây theo chị, anh không rủ chị đi đâu, toàn rủ chị đi uống nước mía. Nghe hỏi người ta kẹo vậy, sao chị nhớ mà nhắc hoài, chị cười buồn, ánh mắt nhìn xa xăm. Hương vị nước mía đối với mấy bà, mấy cô quả là khó quên. Một cô bạn theo chồng định cư tại Bỉ, xa quê chừng 5 năm thôi, vậy mà về lại Sài Gòn, cô kể: "Em uống một hơi 4 ly nước mía liền, đã kêu tới ly thứ 5 rồi, ngó lại thấy mọi người dòm quá, em đành kêu tính tiền rồi về". Dĩ nhiên ly thứ 5 vô bịch xách về… uống tiếp. Uống một lúc 5 ly nước mía kể cũng hơi lạ. Nhưng cô còn hồn nhiên nói: Sao Việt Nam mình không vô hộp nước mía rồi xuất sang xứ người? Có lẽ không được, vì chất phụ gia để giữ cho nước mía không hư sẽ làm hỏng hết hương vị. Và có lẽ do hương vị “trời cho” mà nước mía vẫn tồn tại, bất chấp sự tấn công ồ ạt của Coca Cola và Pepsi.

Giờ đây sữa đậu nành đã trở thành thức uống công nghiệp bằng cách đóng hộp giấy, vô chai có thể lưu trữ đến vài tháng, rồi còn được nhà sản xuất quảng cáo với đủ chiêu thức để hấp dẫn người tiêu dùng. Vậy là chỉ còn nước mía và nước dừa, hai thứ nước uống thiên nhiên và dân dã. Coi vậy chứ nước mía cũng có khi “lai căng” và tùy theo khẩu vị, người thích, người không. Có thời gian xuất hiện nhiều xe nước mía, bán với giá khá cao, từ 6.000-8.000 đồng một ly. họ ghi trong bảng treo trước quán, nào là: Nước mía - táo Mỹ; nước mía - nho Tây; nước mía - dâu Tây... Nhiều khách tò mò tới uống thử một ly, thấy... chua loét. Khi sử dụng các hương vị kia, vị đặc trưng của nước mía kết hợp với mùi tắc, mùi chanh muối đặc trưng cho nước mía sẽ biến mất.

Nhưng cũng có những kiểu cách kết hợp khá hy hữu, đó là nước mía pha hương vị sầu riêng Lái Thiêu. Vị ngọt của ly nước mía trở lên rất đậm đà, cộng theo chút beo béo ngây ngất của sầu riêng, tạo thành một hương vị đặc biệt rất quyến rũ. Uống năm nay mà hương vị còn tê mê nơi đầu lưỡi kéo dài tới tận mùa sầu riêng năm sau. Có lẽ chỉ có một thứ sánh ngang với nước mía sầu riêng đó là… rượu đế - đậm đà hương vị “nước mắt quê hương”. Khi uống nước mía sầu riêng ở khu vực chợ Bình Tây, lại chạnh nhớ tới những buổi chiều mưa ngồi trong quán lá miền quê, bên những người bạn hiền, cùng nhau nâng ly rượu đế trong vắt bên đĩa khô cá sặc bổi nướng thơm lừng và cái lẩu mắm đang bốc khói nghi ngút.

Quán nước mía ở Việt Nam còn là một “địa chỉ cộng đồng,” nơi những trưa nóng nực người bình dân trong xóm có thể kéo tới tụ tập tán dóc một cách êm xuôi, vì không có men cay nên cũng ít ai “sửng cồ” nhau khi tranh luận. Sự tụ họp nhau trong quán nước mía dưới những tán cây râm mát tạo thành một nét văn hóa khá đẹp trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt - nơi hình thành tình làng nghĩa xóm.

Mấy ông chủ quán, khi rảnh ngồi đọc báo, thấy ai quen tới liền“vồ” lấy để... tán dóc, chứ không phải để nài ép bán cho được ly nước mía. tán dóc, rồi khát cũng phải... uống.

Các tin khác