Nhộn nhịp làng đúc ông Táo

(ĐTTCO) - “Làm tượng ông Công, ông Táo, người thợ thủ công trải qua ít nhất 6 công đoạn từ tiện đất, luyện đất, lên khuôn, phơi khô, nung và sơn hoặc vẽ, tất cả được thực hiện một cách hết sức tỉ mỉ và mất khá nhiều thời gian”- lão nghề Võ Văn Đức, người đúc tượng ông Táo lâu năm ở làng Địa Linh chia sẻ. 

Và cứ đến tháng Chạp hàng năm, làng nghề này lại nhộn nhịp, bởi theo truyền thống ngày 23 tháng Chạp là lễ đưa ông Táo về trời.  

Nặn đất thành… thần
Kề bên phố cổ Bao Vinh, làng Địa Linh cũng thuộc địa phận xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, nổi tiếng với nghề đúc tượng ông Công, ông Táo những ngày này lại tấp nập kẻ mua người bán. Trong tiếng gõ lọc cọc phát ra từ những chiếc khuôn đúc, cùng mùi khen khét của đất sét nung, bà Lê Thị Vân, người thợ đúc tượng Táo quân lâu năm tại làng Địa Linh chia sẻ: Nói đến Địa Linh là nhắc đến nghề nung đất, trong số này có nghề sản xuất gạch và nghề đúc tượng ông Công, ông Táo. Trước đây, ở  cố đô Huế có làng Địa Linh và làng Sình làm nghề đúc tượng ông Công, ông Táo. Nhưng giờ, làng Sình chuyển sang làm áo ông Táo, chỉ còn Địa Linh là nơi lưu truyền, giữ được nghề độc đáo này đến bây giờ. “Tên làng Địa Linh do vua thấy ở đây đất tốt mà ban cho. Thời nhà Nguyễn đặt tại đây “Nê ngõa tượng cục”- có nghĩa chuyên làm gạch, ngói phục vụ việc xây dựng kinh thành, lăng tẩm, công thự triều Nguyễn... Nhưng cứ đến tháng Chạp trong làng lại rộn ràng làm ông Táo đất”- bà Vân cho biết thêm.
Nhộn nhịp làng đúc ông Táo ảnh 1 Thành phẩm ông Táo, ông Công. 
Bà Vân cho biết, đất sét dùng đúc tượng ông Táo phải là đất sét vàng, có ít tạp chất được chọn từ cánh đồng màu mỡ ngay phía sau làng. Tiếp đó, lọc sạch đất rồi nhào mịn nhuyễn mới cho vào khuôn đúc làm bằng gỗ lim. Khi đúc, người thợ khéo léo để tượng không bị méo mó. Do vậy, để có những bức tượng đúng chuẩn, người làng Địa Linh thường chọn khuôn từ gỗ lim.
Trước đây, dân làng chỉ làm 3 ông Táo to, vừa cúng vừa thờ ở gian bếp, nay khuôn được đục lõm chạm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau. Cứ hai năm, khuôn lại được người thợ thay một lần. Khi cho đất vào khuôn đúc phải ép thật chặt để tượng không bị méo. Lấy tượng khỏi khuôn cũng đòi hỏi phải thật khéo. Sau khi tượng rút bớt nước thì đem phơi khoảng một buổi mới cho vào lò nung. Công đoạn nung kết thúc, những bức tượng ông Táo được người dân vẽ bằng màu rồi rắc bột kim tuyến để trông bắt mắt hơn...
Nhộn nhịp làng đúc ông Táo ảnh 2 Khâu vẽ trang trí quyết định tính thẩm mỹ của bức tượng. 
Ông Võ Văn Đức, một trong những người làm ông Táo lâu năm ở làng Địa Linh cho biết, làm nghề này công đoạn nào cũng kỳ công hết. Như công đoạn xếp tượng vào lò nung nhìn rất đơn giản, nhưng đó là lúc thể hiện sự khéo léo, kinh nghiệm bàn tay người thợ. “Tượng sắp xếp thẳng theo thứ tự hàng lối, giữa các lối cần có khoảng cách để lửa có thể cháy đều. Nếu bị lệch phải chêm thêm đất sét ở phía dưới chân để tượng đứng thẳng, vững vàng. Nếu làm khâu ni không tốt, sắp xếp không cẩn thận và bài bản, khi nung ở nhiệt độ cao tượng rất dễ vỡ, bị mo là không bán được.
Ông Đức cho biết thêm, một mẻ tượng trước khi thành phẩm thường nung 2 ngày và làm nguội trong 2 ngày. Lò nung thường có nhiều cửa, được bố trí bốn phía giúp thông hơi và đảm bảo nhiệt độ trong lò. Khi thành phẩm tượng có màu vàng nhạt đặc trưng của đất. Do nhu cầu thị hiếu, ngày nay các ông Táo được tô màu, rắc bột kim tuyến óng ánh rất sinh động và bắt mắt. Công đoạn vẽ trang trí, quyết định khâu thẩm mỹ của bức tượng là hết sức tỉ mỉ và mất khá nhiều thời gian, nhưng cũng phải đợi đến gần ngày 23 tháng Chạp mới bắt đầu thực hiện để tượng luôn được mới.

Gìn giữ Tết Việt 
23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công, ông Táo về trời bằng cá chép để tâu việc "thiện, ác" của nhân gian. Không ai biết chính xác nét đẹp văn hóa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam nhiều thế hệ. Lễ cúng tiễn ông Táo quân mỗi nơi mỗi kiểu, nhưng với người dân miền Trung, ngoài xôi, chè, đường bát, vàng mã... mâm lễ không thể thiếu tượng Táo quân mới. Đặc biệt, mâm cỗ cúng ông Táo của người Huế thường có một dĩa xôi trắng, miếng thịt nọng heo luộc, ít hoa quả, nếu nhà nào có trẻ con thì cúng thêm con gà trống luộc nữa. 
Người Huế không bao giờ cúng cá chép vì “kiêng” (đa số đi chùa không ăn thịt cá chép), và những người thờ cúng tổ tiên lại tin sự tích cá chép hóa rồng, mà rồng là con vật linh thiêng, không được đụng đến. Bên cạnh đó, quan niệm thần Táo quân bao gồm ba vị (hai Táo ông và một Táo bà) có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, quyết định phước đức cho mỗi gia đình. Sau một năm đem lại sự may mắn, người dân tổ chức lễ tiễn đưa ông Táo cũ về trời, thay vào đó là ông Táo mới với bao niềm tin, hy vọng sự “phù trợ” năm mới đời sống sung túc. Người dân thường chọn cho gia đình một bộ ông Táo thật đẹp, ưng ý để thờ cúng trước khi diễn ra nghi lễ này.
Đáp ứng nhu cầu thị trường, mỗi ngày các gia đình tại làng Địa Linh cho ra lò khoảng 1.000 tượng ông Táo. Các tượng ông Táo không chỉ cung ứng cho thị trường Thừa Thiên - Huế, mà còn vào cả các tỉnh trong phía Nam... Tượng Táo quân thành phẩm sẽ được xếp vào những hộp mì tôm để đem bán. Mỗi hộp có khoảng 120 tượng ông Táo và được bán buôn với giá 40.000- 50.000 đồng/hộp. Nếu mỗi bức tượng ông Táo được thương lái bán cho người dân với giá 4.000- 5.000 đồng, có khi lên tới 7.000 đồng, thì những người làm nghề đúc tượng cũng chỉ thu được 500- 2.000 đồng/bức. Làm chăm chỉ cả ngày tiền công cũng chỉ ở mức 100.000 -150.000 đồng.
 Huế mùa này mưa nhiều, không có nắng nên những gia đình làm tượng Táo quân phải dùng quạt để làm khô. Việc hoàn chỉnh tượng Táo tốn nhiều thời gian hơn so với khi nắng ráo, một mẻ tượng phải mất đến 4- 5 ngày. Dù khó khăn, cực nhọc với công việc, nhưng ông Đức vẫn miệt mài với những bức tượng đất... “Làm nghề này khổ lắm, chỉ đủ ăn thôi, chứ có dư dả chi mô. 3 giờ sáng đã làm rồi, cứ làm liên tục cho đến khi hết đất thì thôi. Vất vả nhưng công cán chẳng được là bao nên con cái trong nhà không ai theo nghề này cả, hết đời tôi thì nghề này gia đình cũng bỏ luôn...” - ông Đức âu lo. 
Cuộc sống hiện đại, những nét văn hóa truyền thống xưa cũ đang dần mất đi.  Nhưng đâu đó vẫn còn những con người hàng ngày đem niềm say mê, tâm huyết của mình cống hiến cho đời, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người Việt. Và những người thợ làm tượng Táo quân của làng gốm Địa Linh tiếp tục cải thiện chất lượng, sáng tạo ra mẫu mã mới để phục vụ người mua, cũng như mong muốn có người mai sau nối nghiệp, để Tết đến những bức tượng ông Công, ông Táo vẫn còn hiện diện trong gian bếp gia đình Việt Nam.

Các tin khác