Người khai sinh lúa gạo đỏ

Tại vùng đất Tây Nam bộ, có một lão nông dân Khmer đã hồi sinh thành công giống lúa mang tên Hồng Ngọc Óc Eo. Đó là ông Danh Văn Dưỡng (60 tuổi, ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Phải qua 9 vụ lúa, ông Dưỡng mới lai tạo được giống lúa có một không hai này.

Tại vùng đất Tây Nam bộ, có một lão nông dân Khmer đã hồi sinh thành công giống lúa mang tên Hồng Ngọc Óc Eo. Đó là ông Danh Văn Dưỡng (60 tuổi, ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Phải qua 9 vụ lúa, ông Dưỡng mới lai tạo được giống lúa có một không hai này.

Giống lúa “độc”

Thấy chúng tôi thắc mắc về giống lúa lạ này, ông Dưỡng dắt ra sau bếp, nơi vợ ông đang nấu gạo Hồng Ngọc Óc Eo (HNOE) để tận mắt chứng kiến. Mùi thơm từ nồi cơm bốc lên nghi ngút, hạt gạo có màu đỏ đẹp mắt.

Vợ ông Dưỡng kể: “Tôi cho họ hàng ở xa một vài lít gạo HNOE, họ bảo phải cho thêm trái dừa nữa vì gạo này nấu chín có vị ngọt, cơm dẻo, xốp rất giống xôi nếp”. Hành trình tìm được giống lúa mới - như ông Dưỡng nói - là một thử thách của lòng kiên nhẫn khi phải mất đến 3 năm nghiên cứu lai tạo.

Năm 1988, từ một giáo viên ở vùng quê nghèo, ông Dưỡng bỏ nghề chuyển sang làm nông. Những tháng năm lăn lộn với ruộng đồng, khi trúng mùa, lúc thất bát giúp ông hiểu thế nào là cực nhọc của nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Nhưng điều đó không làm ông Dưỡng nản chí, mà trái lại còn quyết tâm “nạp” thêm nhiều kiến thức khoa học về nông nghiệp nhằm cải thiện nghề nông. Từ đó, ông tham gia nhiều lớp kỹ năng lai tạo giống do huyện, tỉnh tổ chức. Năm 2006, khi đi tập huấn tại Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, ông Dưỡng được bạn cho một bông lúa lạ, chính người này lai không thành công. Bố, mẹ của bông lúa này là giống lúa Tàu Binh từng “vang bóng một thời” và giống lúa siêu hạng Jasmine 85.

Ông kể: “Bông lúa này có hạt đỏ, hạt trắng xen nhau. Năm 2007, tôi lựa trong số đó được vài chục hạt màu đỏ đem gieo trong chậu cho ra 3 loại cây với 2 loại gạo trắng, đỏ càng làm tôi đau đầu”. Không hài lòng với dòng con lai đầu, ông Dưỡng kiên quyết lai ra giống lúa có đặc điểm: thân lùn, bông nhiều hạt, cứng cây, kháng sâu bệnh, có mùi thơm, thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày…

Ông giãi bày: “Làm nông dân đã cực, làm khoa học đối với nông dân còn cực hơn nhiều. Nếu lai tạo giống lúa mới thành công thì nông dân được nhờ, còn thất bại phải gánh một mình”.

Ông Danh Văn Dưỡng bên dòng lúa HNOE 3, 4, 5, 6 đang trồng thử nghiệm. 

Ông Danh Văn Dưỡng bên dòng lúa HNOE 3, 4, 5, 6 đang trồng thử nghiệm. 

Ông Dưỡng đem kiến thức học được áp dụng vào việc lai tạo bằng cách đem giống từ dòng lai đầu cho lai tạo với giống OM-4926, rồi tiếp tục cho lai các tổ hợp với nhau. Cuối cùng, dòng con lai này đã thuần đúng với yêu cầu đặt ra. Trong vụ đông xuân 2010, khi gieo sạ dòng này, năng suất lúa đạt khoảng 9 tấn/ha, gạo có màu đỏ, mùi thơm đặc trưng.

“Không chỉ gạo mới có mùi thơm mà khi cây lúa lên xanh đến lúc chín, mùi thơm từ lá lúa cũng làm người đi thăm đồng gần đó thấy lạ. Do vậy, suốt ngày tôi chỉ ở ngoài đồng để “ngửi” chúng” - ông Dưỡng phấn khởi.

Xuất phát từ ý nghĩ chất phác của người nông dân rằng gạo là "hạt ngọc trời ban", gạo này có màu đỏ hồng, và muốn quê hương mình nổi danh, ông Dưỡng đặt tên giống lúa mới là HNOE 1. Sự quý trọng hạt ngọc nhà trời của người nông dân này thể hiện qua nhiều bông lúa giống được ông đựng kỹ trong bọc và treo cẩn thận trước nhà.

Nâng niu bông lúa trên tay, ông Dưỡng khoe: “Mỗi bông lúa HNOE có từ 400-500 hạt nên tới mùa lúa chín, bông oằn xuống nhìn rất “đã” mắt. Nhiều người khi đi ngang ruộng thấy bông lúa của tôi quá “say” nên xin vài bông đem về xem thử”.

Thương hiệu lan rộng

Không dừng lại khi thành công với HNOE 1, ông Dưỡng tiếp tục lai tạo giống HNOE 2, giới thiệu cho Hội Nông dân huyện Thoại Sơn và được nhiều người tin tưởng mua về sản xuất đại trà. Trong vụ hè thu năm 2010 toàn tỉnh An Giang trồng giống HNOE trên 20ha và được Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân tỉnh An Giang ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sang vụ thu đông, diện tích được nhân rộng ra 50ha, tập trung tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên...

Trước tiếng tăm của giống lúa mới, nông dân nhiều nơi ở ĐBSCL tìm đến ông Dưỡng. Vụ đông xuân 2011, diện tích trồng HNOE đã mở rộng trên 300ha, được trồng ở các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Ông Dưỡng hồ hởi: “Trong vụ thu đông vừa qua, lúa HNOE có giá ngất ngưởng, từ 10.000-11.000 đồng/kg, trong khi lúa thường chỉ ở mức 6.000 đồng/kg. Thương lái tìm đến mua nhưng khắp vùng Thoại Sơn đều hết lúa, cung không đủ cầu”. Nhờ giống lúa mới, lạ, cho năng suất cao nên ông Dưỡng thu về khoảng 300 triệu đồng/năm khi bán giống HNOE.

Ông Huỳnh Hiệp Thành, nông dân tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, khẳng định: “Tôi đã trồng thử giống HNOE, năng suất và giá bán cao, chi phí sản xuất thấp, đặc biệt tỷ lệ hạt chắc hơn 150 hạt/bông. Hiện nhiều nông dân tại đây xem giống lúa mới này như “cứu tinh” khi giá lúa thường bấp bênh”. Với giống lúa HNOE, ông Dưỡng đã đóng góp vào bộ giống đặc sản cho vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, điều làm ông Dưỡng lo lắng là năm nay, giá lúa HNOE sụt còn 7.000 đồng/kg do loại lúa gạo Huyết Rồng từ Campuchia tràn sang. Gạo Huyết Rồng cũng có màu nâu đỏ gần giống với gạo HNOE nên làm người tiêu dùng lầm tưởng.

“Nhiều nhà khoa học nhận định gạo HNOE rất tốt cho người già vì giàu chất sắt. Khi xong mùa lúa, trong nhà luôn dự trữ gạo đỏ vì vợ chồng tôi đều thích” - ông Dưỡng cho biết. Hiện “cha đẻ” của HNOE đang hoàn tất thủ tục để đăng ký bản quyền bộ giống lúa này.

“Đúng ra giống lúa này cho năng suất tối đa khoảng 13 tấn/ha. Tôi đang trồng thử nghiệm dòng HNOE 3, 4, 5, 6 hy vọng sẽ đạt kết quả như mong muốn”- ông Dưỡng nói. Qua khảo nghiệm trồng thử nhiều nơi ở ĐBSCL như: đất phù sa, đất phèn, đất ven biển… nông dân đều nhận thấy giống lúa HNOE thích nghi với nhiều loại đất, chống chịu tốt và kháng sâu bệnh cao. Đây có thể là giống lúa phù hợp với sự biến đổi khí hậu.

Ông Dưỡng trăn trở: “Giống HNOE thực chất khó trồng. Vùng trồng lúa gạo trắng, nếu sạ HNOE lâu dần giống sẽ thoái hóa. Do đó, địa phương cần quy hoạch làm chuyên canh, nhiều vụ thì chất lượng và năng suất giống HNOE mới cao. Đồng thời, phải có công ty bao tiêu sản phẩm để nông dân có đầu ra ổn định”.

Các tin khác