Lễ hội rước ông lợn ở La Phù

(ĐTTCO) - Từ bao đời nay, lễ hội Rước Ông lợn đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Lễ hội diễn ra vào đêm 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, vô cùng náo nhiệt và đặc sắc, thu hút người dân trong vùng và khách thập phương tới thưởng ngoạn. 

Nghi thức rước lợn
Theo các cụ cao niên ở La Phù, lễ hội hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng là Tĩnh Quốc Tam Lang. Ngài là Lạc tướng dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6, với chiến công đánh thắng giặc giữ yên đất nước. Tục truyền mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Vị Lạc tướng tài ba “hóa” vào giờ Tý đêm 13, rạng sáng 14 tháng Giêng âm lịch. Hàng năm, cứ đến thời khắc đó, nhân dân La Phù lại tổ chức tế lễ Thành hoàng, lễ vật không thể thiếu được là các “Ông lợn”.
Nét đặc sắc nhất ở lễ hội La Phù là nghi thức “Rước Ông lợn” từ các xóm về đình vào tối 13 tháng Giêng. Từ xâm xẩm tối, khi những chiếc đèn lồng, đèn nháy trang trí khắp đường làng, ngõ xóm đồng loạt sáng là lúc các xóm nhộn nhịp rước kiệu lợn ra đình. Xã La Phù có 17 xóm, nên lễ hội có 17 đoàn rước, xóm gần rước trước, xa rước sau. Mỗi đội rước được sắp xếp tuần tự: đi đầu là hai lá cờ đại, sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Tiếp theo là bàn với đủ đồ thờ như cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút. Kiệu thứ hai là mâm xôi. Cuối cùng, kiệu Ông lợn được khiêng bởi những thanh niên tráng kiện tuyển chọn trong làng. 
Lễ hội rước ông lợn ở La Phù ảnh 1  
Ông lợn trên kiệu được trang trí khéo léo và đẹp mắt, được đặt trên một giá đỡ cao, quanh giá đỡ trang trí nhiều họa tiết hoa văn. Ông lợn được dán giấy màu mô phỏng rất cầu kỳ. Ngoài những lễ vật phải chuẩn bị theo quy ước, từng xóm làng thể hiện những phong cách rước riêng, có xóm hát quan họ, có xóm rước cùng điệu múa sinh tiền. Các xóm đều có đội văn nghệ riêng của mình để biểu diễn. 
Lễ rước của từng xóm kéo dài suốt nhiều giờ  qua các đường dong, ngõ hẻm, đến khoảng 21 giờ tối tập kết trước cổng đình. Các Ông lợn lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức và các bậc cao niên. Chờ đến 24 giờ đêm, các cụ cao tuổi mới bắt đầu làm lễ tế kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau. Sáng 14, trước sự đông đủ của bà con ở sân đình, các cụ sẽ công bố điểm thi và Ông lợn nào đạt giải nhất. Sau đó, từng xóm sẽ rước Ông lợn trở lại nhà và chia lợn phát lộc cho các hộ gia đình.

Công phu nuôi và trang trí Ông lợn
Lễ hội La Phù không chỉ đặc sắc ở nghi thức rước lợn, mà còn ở sự kỳ công của người dân từng xóm trong việc chăm nuôi Ông lợn. Theo đó, quá trình nuôi lợn lễ phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, cho ăn uống sạch sẽ, vệ sinh, không được cho lợn ăn thức ăn thừa, ôi thiu. Thức ăn gồm cám, khoai, rau với bã đậu.
Lễ hội rước ông lợn ở La Phù ảnh 2  
Cám phải là cám gạo trộn với ngô xay hoặc gạo nếp rảnh được nấu chín, không được sử dụng thức ăn công nghiệp. Mùa hè và thu, đi ra đồng hái rau khoai nước và rau muống về cho lợn ăn. Đến thời điểm này, trời rét, rau khoai nước, rau muống hiếm rồi thì ra chợ mua lá cải bắp, lá su hào, bí đỏ cho lợn. Đặc biệt trong tháng cuối cùng cận kề ngày lễ hội, không được cho lợn ăn cám, phải nấu cháo hoa cho lợn ăn. Vì vậy, lợn nuôi những tháng cuối chỉ để cho chắc thịt không lớn nữa.
Tiêu chuẩn lợn rước phải có vóc dáng cân đối, tướng mã đẹp, lưng to phẳng như cái phản, màu da trắng tinh, không được có màu vết đen hay màu loang lổ. Các Ông đều là lợn đực đã thiến, và quan trọng nhất phải có đuôi. Xưa kia, chủ yếu nuôi giống lợn nội, các Ông lợn tế chỉ dưới 50kg. Ngày nay, các Ông lợn tế càng to càng tốt, tối thiểu phải 250kg trở lên. Lợn to để sau khi tế lễ xong còn chia phần “thụ lộc”. Lợn tế khi lên kiệu dáng đẹp, da đẹp dân làng tin rằng trong năm sẽ gặp những điều thuận lợi khi làm ăn. Ngược lại, lợn tế không được chăm sóc cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến xóm làng bởi không được Thành hoàng phù hộ cho làm ăn khấm khá. 
Đến ngày lễ hội, sáng sớm ngày 13 tháng Giêng, cai đám của từng xóm sẽ đón lợn về nhà. Sau đó làm mấy mâm cỗ để mời các cụ trong xóm cùng những người đến thịt lợn. Công việc mổ lợn, trang trí Ông lợn rước phải thật công phu khéo léo, vì còn để sau khi tế lễ xong, các cụ sẽ chấm giải. Người mổ lợn không được dùng roi quất hoặc dùng dây trói buộc Ông lợn, mà phải dùng tay để giữ. Nếu vật mổ không khéo thịt sẽ đỏ. Pha nước trụng lông làm sao độ nóng vừa đủ, cạo lông trắng đẹp. Nếu nước nóng già quá, khi cạo sẽ có vết xây sát trên da lợn. 
Sau khi mổ thịt, Ông lợn được đặt lên một chiếc khung tuýp nước bằng sắt đã được uốn cong để tạo dáng chống mình lợn lên cao. Tiếp đó, Ông lợn được đặt lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2m tạo dáng như lúc còn sống. Chiều rộng, dài của chõng tùy trọng lượng của lợn. Khi Ông lợn đã yên vị trên kiệu, người ta bắt đầu trang trí bằng những bông hoa từ giấy màu, tết hoa tươi thành vòng. Muốn có giải cao, lợn tế đẹp phải hết sức quan tâm đến “áo khoác” của Ông lợn là miếng mỡ lấy ra từ bên trong khi mổ lợn. 
 Trong những ngày Xuân, ai đến với lễ hội rước lợn ở La Phù chắc rằng sẽ mãn nhãn với những Ông lợn được trang trí rất bắt mắt, được trải nghiệm với những trò chơi dân gian và đặc biệt là không gian văn hóa lễ hội độc đáo của một vùng quê ngoại thành Hà Nội. 

Các tin khác