Làng nhiếp ảnh đầu tiên

Theo đường 32 hướng đi thị xã Sơn Tây, tôi về Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) để thăm miền quê bên dòng sông Nhuệ - nơi được xem là làng nhiếp ảnh đầu tiên và duy nhất ở nước ta. Nghe tôi muốn tìm hiểu về làng nhiếp ảnh này, mọi người bảo rằng nên đến gặp cụ Đặng Văn Tích, Phó Ban công tác làng nghề.

Theo đường 32 hướng đi thị xã Sơn Tây, tôi về Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) để thăm miền quê bên dòng sông Nhuệ - nơi được xem là làng nhiếp ảnh đầu tiên và duy nhất ở nước ta. Nghe tôi muốn tìm hiểu về làng nhiếp ảnh này, mọi người bảo rằng nên đến gặp cụ Đặng Văn Tích, Phó Ban công tác làng nghề.

Vắt qua 3 thế kỷ

Cụ Nguyễn Đình Khánh - ông tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá. 
 Cụ Nguyễn Đình Khánh - ông tổ
nghề nhiếp ảnh Lai Xá.

Ông Tích đã gần 80 tuổi nhưng còn khá tinh anh. Ông kể lưu loát:

- Xưa Lai Xá được gọi là xóm ấp Kẻ Sai, một cái tên nôm Việt cổ, ở vùng châu thổ sông Hồng. Sau đổi thành Lai Xá, thuộc tổng Kim Thìa (Đan Phượng), nay thuộc xã Kim Chung. Gốc gác ra đời nghề nhiếp ảnh tại Lai Xá nói đến cả ngày không hết.

Vào năm 1892, cụ Nguyễn Đình Khánh - người làng Lai Xá, tên thật là Nguyễn Văn Xuân (1874-1946) - đã ra Hà Nội mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da. Do vậy cụ Nguyễn Đình Khánh được tôn là ông tổ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá và năm 1892 được xem là năm khởi nghiệp của làng nghề.

Ngay từ năm 16 tuổi (1890), cụ Khánh đã được ông chú là Nguyễn Văn Tạo cho đi học nghề ảnh tại hiệu ảnh Du Chương của người Hoa trên phố Hàng Bồ. Năm 1911, hiệu ảnh Khánh Ký đã có mặt tận Toulouse, nước Pháp - một thành phố cảng sầm uất, có nhiều người Việt sinh sống và cũng là một trong những cái nôi của nghề nhiếp ảnh thế giới - và một hiệu ảnh trên đại lộ Malesherbe, Paris.

Năm 1921 có thêm hiệu ảnh Phúc Lai mở ở Quảng Châu (Trung Quốc). Từ năm 1924-1935, hàng loạt hiệu ảnh của người làng Lai Xá được mở ở nhiều địa phương: Khánh Ký ở Sài Gòn, Phúc Lai và Thiên Nhiên ở Hải Phòng; An Ký ở Hà Đông; Đỉnh Ký ở Hải Dương; Phượng Lai ở Hòn Gai, Hạ Long; Đan Lai ở Tuyên Quang; Minh Quang ở Lào Cai...

Thập niên 40-50 của thế kỷ trước là giai đoạn phát triển nhất của nghề ảnh Lai Xá, gần 2.000 người mở 150 hiệu ảnh trên khắp mọi miền đất nước, mang nhiều tên hiệu khác nhau. Hà Nội 33 hiệu, Sài Gòn 34 hiệu, Hải Phòng 13 hiệu, rồi Hà Đông, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, An Giang, Bến Tre, Mỹ Tho, Cà Mau, Đà Lạt... cũng có hiệu ảnh của người làng Lai Xá.

Lật dở từng trang sổ đánh máy, ghi chép, ông Tích kể tiếp:

- Trong làng điện ảnh Việt Nam không mấy ai không biết nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng (Nguyễn Văn Toan) - người đã nhiều năm vinh dự được sống và phục vụ bên cạnh Bác Hồ.

Trong những năm 1964-1969 đã có rất nhiều bức ảnh cảm động về Bác Hồ với quân đội do Vũ Đình Hồng ghi lại: “Bác Hồ với đoàn đại biểu các anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang miền Nam”, “Hồ Chủ tịch thăm đơn vị bộ đội pháo cao xạ bảo vệ thủ đô”, “Bác Hồ thăm đơn vị không quân nhân dân Việt Nam”, “Bác Hồ với 3 nữ dân quân Vĩnh Linh (Quảng Bình)”, “Bác Hồ với các cháu thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ”...

Năm 1969, không lâu trước ngày Bác mất, Vũ Đình Hồng đã ghi được bức ảnh quý “Bác Hồ trồng cây đa ở Vật Lại - Hà Tây”. Ông Tích đọc vanh vách những tên người làng Lai Xá đã thành danh trong làng nhiếp ảnh. Gắn với nghiệp này, người Lai Xá đã đi chặng đường dài 118 năm - vắt qua 3 thế kỷ.

Đạt đến đỉnh cao

Các cụ trong làng thường lấy gương khổ luyện của những bậc tiền bối đểø răn dạy lớp trẻ: “Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, để đạt tới đỉnh cao phải bắt đầu từ trong buồng tối”. Ông Tích giảng giải: “Có khổ mới có vinh, âu cũng là lẽ đời. Ấy là nói nghĩa bóng.

Buồng tối hiểu theo nghĩa đen là phần không thể thiếu của người thợ ảnh trước đây. Buồng tối có thể xem là “bàn đạp” để làm nên nghiệp lớn về sau. Sau buồng tối là những kỹ năng, những nét chấm phá của ngón nghề: sửa phim, sửa ảnh, tô màu, phóng ảnh đen trắng... và còn phải chấm ảnh thật mọng, thật mịn không thấy có nốt chấm - đạt tới nghệ thuật đỉnh cao mà các phương tiện hiện đại vẫn khó thay thế được”.

Nghệ nhân làng nghề Lai Xá. 

 Nghệ nhân làng nghề Lai Xá.

Về Lai Xá, tôi thấy người trong làng vẫn trân trọng nhắc đến những người đạt đến độ chín trong các lĩnh vực nhiếp ảnh. Ông Phạm Đăng Hưng, làm thợ chấm - sửa ảnh, được ca ngợi là “Người đem lại linh hồn cho những bức ảnh”. Nhiều bức ảnh làm lịch, bưu ảnh kỷ niệm về Bác Hồ do ông tô màu, sửa nét công phu.

Ông Phạm Thành đã phóng hàng trăm bức ảnh đen trắng để tham dự triển lãm ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hữu Quý được xem là “bàn tay vàng” về sửa ảnh, tô màu.

Đến một xóm nằm bên trục đường 32 gọi là phố Lai, tôi tìm gặp ông Nguyễn Minh Nhật - người đã có trên 50 năm trong nghề nhiếp ảnh, là cháu nội gọi cụ tổ Khánh Ký bằng ông.

Ông Nhật cho biết: “Ngoài hiệu ảnh ở đây, tôi còn mở thêm một số hiệu ảnh ở nơi khác do những người con trông nom. Tôi cũng tham gia dạy cho các cháu theo nghề nhiếp ảnh ở các lớp do địa phương mở hàng năm, đặt tại ngôi đình thờ cụ tổ nghề.

Khoản thu nhập không lớn, cái chính là đóng góp công sức vào việc truyền nghề cho lớp trẻ. Không kể các lớp trước tha hương rồi thành danh, sau đó con cháu nối nghiệp, hiện ở làng này còn gần 50% số hộ theo nghề truyền thống nhiếp ảnh”.

Các tin khác