Ký ức mưa

Ở vùng đất chỉ có hai mùa mưa nắng, còn đất trời thì “chợt mưa, chợt nắng” chứ không có phong vị, hương sắc từng mùa rõ rệt, những cơn mưa thật sự đã giải hạn cho cư dân đô thị, gột rửa phố phường làm cây lá thêm xanh, nông dân thì hả hê nhìn ruộng đồng no nước, hứa hẹn mùa bội thu… Vậy  mà hình như trong cuộc bươn chải mưu sinh bây giờ hầu như người ta ít hoặc không chú ý đến mưa, xem mưa là điều kỳ diệu của tạo hóa giúp hồi sinh vạn vật.

 Ở vùng đất chỉ có hai mùa mưa nắng, còn đất trời thì “chợt mưa, chợt nắng” chứ không có phong vị, hương sắc từng mùa rõ rệt, những cơn mưa thật sự đã giải hạn cho cư dân đô thị, gột rửa phố phường làm cây lá thêm xanh, nông dân thì hả hê nhìn ruộng đồng no nước, hứa hẹn mùa bội thu… Vậy  mà hình như trong cuộc bươn chải mưu sinh bây giờ hầu như người ta ít hoặc không chú ý đến mưa, xem mưa là điều kỳ diệu của tạo hóa giúp hồi sinh vạn vật.

Năm nay mưa đến sớm. Ngày 5-3, báo chí đưa tin với hàng tít khá kêu: “Nam bộ - mưa bất thường giữa mùa khô”, kể: Tại TPHCM, khoảng 17 giờ chiều qua, dù cơn mưa kéo dài hơn một giờ và không kèm theo gió lốc nhưng cũng gây ra sự cố nghiêm  trọng. Một nhánh cây trên đường Nguyễn Đình Chiểu quận 1 bị gãy, sau đó đè lên đường dây trung thế gây chập điện kéo dài nhiều giờ trên tuyến đường thuộc khu vực phường  Đa Kao và Bến Nghé. Mãi đến 22 giờ nhân viên điện lực vẫn chưa thể đóng điện trở lại.

Ngày 28-3, báo đài lại tiếp tục đưa tin: “Đồng bằng sông Cửu Long - mưa trái mùa gây thiệt hại nặng”, viết: Từ ngày 18-3 đến nay, ở Bạc Liêu liên tục xảy ra mưa lớn trái mùa, mưa kéo dài nhiều giờ. Hơn 2.800ha muối của diêm dân vùng ven biển bị thiệt hại nặng nề. Có 23.000 tấn muối sắp thu hoạch bị mất trắng, ước thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… mưa lớn còn làm làm hàng chục ngàn hecta nuôi tôm sú bị ảnh hưởng. Tôm mắc bệnh chết hàng loạt; hàng chục ngàn hecta lúa đông xuân đang chín tới chưa kịp thu hoạch bị ngã đổ; nhiều diện tích lúa bị ngập nước, không kịp thu hoạch có nguy cơ mất trắng vì  lúa lên mộng…

Hai trận mưa này chiếu theo ngày âm lịch mới chỉ vào 30 tháng Giêng và 23 tháng 2, quá sớm so với thời tiết Nam bộ theo lệ thường: “Tháng 6 trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”. Đầu mùa khô mà mưa đã “hung dữ” hành dân thế này. Sao thế mưa ơi!?

Sáng 20-4, mới thức dậy nhiều người đã phát hoảng vì báo chí đồng loạt thông tin trận mưa ngày hôm trước: “Mưa đầu mùa đã khổ vì ngập”; “Mưa từ tối, ngập tới trưa”; “Dân phải ngủ trên xe máy, trường học đóng cửa”; “Sau mưa, hàng loạt “hố tử thần” lộ diện”… Chỉ đọc hàng tít bài báo, nhiều người đã choáng, chưa kể các chi tiết đăng cả trang báo và hình ảnh đăng ở trang bìa: Thành phố ngập lớn nhất trong 14 năm, độ ngập sâu hơn một mét; tại nhiều khu dân cư nhiều người dân đã thức trắng đêm để canh chừng đồ đạc, nhà cửa; kẹt xe kéo dài hơn 3km từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn và lan đến vòng xoay Hàng Xanh khiến hàng nghìn ô tô, xe máy chen chúc nhích đi từng chút; 3.000 học sinh Trường THPT Trần Phú phải nghỉ học vì nước ngập quá sâu; nước ngập vào 7 phòng vi tính (mỗi phòng 30 máy) làm hư hỏng toàn bộ CPU của Trường Cao đẳng dạy nghề Giao thông và nhiều thiết bị dạy học điện tử của trường này, gây thiệt hại 1 tỷ đồng, khiến 1.000 sinh viên phải nghỉ học buổi sáng…

Có phải bây giờ báo chí và người ta không còn… thiện cảm với mưa, hay mưa thật sự gây hại cho người. Các báo cũng có chỉ ra nguyên nhân gây ngập, ùn tắc giao thông, hố tử thần… là do con người, như: “công trình chống ngập gây… ngập; việc thi công tắc trách làm tắc nghẽn dòng chảy thoát nước, gây ngập 64 điểm và ngày càng có xu hướng tăng; việc gia cố, tái lập mặt đường sau khi thi công không đảm bảo nên đã làm sụt lún, mặt đường xuất hiện hố tử thần…”. Tuy nhiên liều lượng phân tích yếu tố “nhân tai” này còn yếu lắm.

 Thiệt hại lớn nhưng sau đó chẳng ai, cơ quan nào “bị sao cả”, cũng không ai có lời xin lỗi theo thông lệ đã để xảy ra sự cố nên đồ chừng chỉ có... mưa là bị điều tiếng. Ai bảo mưa sớm, mưa lâu, mưa to? Đầu mùa đã vậy, vào mùa cao điểm mưa sẽ ra sao? Mười năm trở lại đây, nước ta có nhiều cụm từ mới: ở đồng bằng sông Cửu Long có câu “sống chung với lũ”, ở miền Trung thì “sống chung với lụt bão”, chẳng lẽ Hà Nội và Sài Gòn có cụm từ mới “sống chung với mưa”, đề ra giải pháp để hạn chế vấn nạn mưa? Mà nếu không mưa thì đời sống đô thị sẽ ra sao, còn có mưa thì chạy đi đâu khi đường sá ách tắc. Mưa ơi là mưa!

Ký ức mưa ảnh 1
 Ảnh minh họa

Tôi vào đời mang nhiều hoài niệm, ký ức về những cơn mưa. Mà có lẽ không chỉ riêng tôi. Có ai mà không ray rứt, nhắc nhớ kỷ niệm của riêng mình khi nghe những ca khúc cảm tác từ mưa: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ / Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”; “Mưa rừng ơi mưa rừng / Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên / Phải chăng mưa buồn vì tình đời, mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không nguôi”. Mưa làm phong phú tâm hồn, chắp cánh cho hoài bão xa xôi hoặc ước mơ lãng mạn. Có gì đẹp hơn hình ảnh cô cậu học trò thời phổ thông cùng trú dưới mái hiên trong một chiều mưa lạc lối. Có gì đẹp hơn ký ức thời sinh viên nghèo đôi tình nhân cùng trùm chung chiếc áo mưa poncho rộng thùng thình thong thả đạp xe về chiều tan lớp.

Cô bạn gái áp sát vào vai bạn để bạn thấy cuộc đời thêm ấm áp và ý nghĩa, đáng sống. Mưa đã làm sản sinh những bài thơ, bản nhạc tuyệt tác nhưng bây giờ cảm tác từ mưa cứ nhạt nhòa dần. Báo chí thì cứ kể tội về mưa hoặc phản ánh thực dụng: “Hiện nay Nam bộ vẫn đang mùa khô, nắng nóng, nhiệt độ thường xuyên lên tới 33-34 độ C. Cơn mưa đã giải khát cho diện tích lớn cây đặc sản đang chịu hạn, đẩy lùi xâm nhập mặn mấy tháng qua tại đồng bằng sông Cửu Long, tưới hàng ngàn hecta lúa, tiết kiệm chi phí bơm tưới cho nông dân”; “Cơn mưa chiều qua ở các tỉnh Tây nguyên đáng bạc tỷ, giúp tưới cây trồng, hoa màu trên diện rộng; cải thiện tình hình thiếu hụt nước nghiêm trọng tại các hồ thủy điện, thủy lợi…”.

Với cách nhìn như vậy bây giờ người ta xem mưa là hiện tượng nước từ trên trời rơi xuống qua lăng kính lợi và hại, cần thiết và không cần thiết, chứ không còn thấy vẻ đẹp của mưa. Trong cuộc sống bộn bề thời đại, bạn có bao giờ dành thời gian ngắm mưa, chiêm ngưỡng cơn mưa? Hãy thử! Mưa vẫn đẹp lắm, hào phóng và gây nhiều cảm xúc lắm. Chiều mưa bạn hãy nhìn ra hàng dầu cổ thụ, rặng me ven đường. Mưa đan lưới bao trùm vạn vật với niềm kiêu hãnh và sức mạnh tiềm ẩn. Mưa xen với gió tạo nên những cơn sóng trong không gian rất khó diễn đạt. Nó gợi mở, làm tâm hồn bạn rộng rãi hơn.

Trong tiếng gầm gào của mưa bạn sẽ thấy ta không lạnh lẽo mà ấm áp, đầu óc phóng khoáng, bay bổng. Tôi có diễm phúc được sống khoảng thời gian dài ở cả 3 miền đất nước. Mỗi nơi mưa đều có nhịp điệu, bản sắc riêng. Mưa miền Bắc rét buốt, u ám; mưa miền Trung mãnh liệt, dai dẳng; mưa miền Nam ầm ào, chợt đến chợt đi. Những đêm mưa thường làm người ta thao thức, nghĩ suy về cuộc đời, mơ một ngày mai tươi sáng… Mỗi khi có mưa lũ miền Trung, bạn tôi thường bảo: “Ông về quê xem sao, vô cảm quá vậy. Tôi nghe thiệt hại nặng lắm”. Tôi gọi điện về quê, mẹ nói: “Cũng như xưa thôi con ơi. Miền Trung mà, năm nào cũng vậy, phải chịu lụt mấy lần. Chỉ có bây giờ báo chí, nhà đài nói dữ quá chứ mẹ thấy có sao đâu!”.

Lịch sử con người là kết quả của sự tiến hóa vĩ đại đồng thời cũng làm thoái hóa môi trường sống. Con người từ chỗ sống hài hòa với thiên nhiên, nuôi mình bằng thu hái sản vật trời cho. Sau đó tiến hành canh tác nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa trên diện rộng bằng cách bóc lột tài nguyên, thiên nhiên. Có phải vì vậy mà mang quả báo, làm thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai ngày càng dồn dập và dữ dội. Mưa - món quà của tạo hóa cũng không còn hiền hòa mà trở nên khắc nghiệt. Mưa ơi, bao giờ mưa lại như xưa!

Mưa đầu mùa, năm Tân Mão

Các tin khác