Kẻ trộm chó & người bạn bốn chân

1.  Tin “Trộm chó không được, bắn chết người” đăng trên báo khiến tôi bất giác giật mình. Nạn nhân là anh Dương Văn Thanh ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Vì thấy kẻ gian định bắt trộm chó nên anh đã truy hô, không ngờ lại bị hung thủ dùng súng xung điện bắn vào ngực dẫn đến tử vong. Sự việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại gợi ra bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang xen lẫn xót xa.

1.  Tin “Trộm chó không được, bắn chết người” đăng trên báo khiến tôi bất giác giật mình. Nạn nhân là anh Dương Văn Thanh ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Vì thấy kẻ gian định bắt trộm chó nên anh đã truy hô, không ngờ lại bị hung thủ dùng súng xung điện bắn vào ngực dẫn đến tử vong. Sự việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại gợi ra bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang xen lẫn xót xa.

Tôi không biết con chó ấy thuộc loại gì và kẻ bắt trộm với mục đích bán cho quán cầy tơ hay tiêu thụ ở chợ chó kiểng. Chỉ thấy rằng hành động ấy thật đáng lên án và đáng hổ thẹn. Người chủ vì muốn bảo vệ cho con chó của mình mà phải mất mạng oan ức.

Chó là thú cưng, luôn trung thành với chủ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chó là thú cưng, luôn trung thành với chủ.
Ảnh minh họa
. Nguồn: Internet

Thông tin này sở dĩ được dư luận chú ý vì một sinh mạng con người đã bị cướp đi. Còn bao nhiêu trường hợp khác thì sao? Thật bẽ bàng và thật đau đớn. Những con chó vẫn được xem như vật nuôi trong nhà, chứ không phải tài sản, do đó chẳng mấy ai báo cáo cơ quan công quyền khi bị trộm chó. Nghĩa là, những con chó canh giữ cửa nẻo cho chúng ta, còn chúng ta không có biện pháp an toàn nào để bảo vệ cho những con chó.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần một hiệp hội bảo vệ thú nuôi, để có những kiến nghị và những giải pháp thích ứng đối với các vụ trộm chó vẫn diễn ra công khai và thách thức những ai muốn nâng niu con chó như một người bạn bốn chân.

Theo tài liệu tôi có được, tại Paris có một nghĩa trang dành riêng cho chó rất sang trọng và đẹp đẽ. Ở Việt Nam chưa cần như vậy, chỉ cần chấm dứt nạn bắt trộm chó thì những điều tử tế chúng ta muốn nói với nhau đã mạch lạc hơn, đàng hoàng hơn.

2. Thịt chó từ lâu trở thành một món khoái khẩu của dân nhậu, do đó trộm chó cũng dần dần giống như một cái nghề dành cho những kẻ du thủ du thực. Giá một con chó tại lò mổ khoảng 200.000-300.000 đồng và “cầu” luôn vượt “cung”, đẩy những gia đình nuôi chó vào tình trạng phải cảnh giác cao độ với bọn săn lùng phi đạo đức.

Một ông chủ quán cầy tơ cung cấp thông tin: tính riêng quận Gò Vấp (TPHCM) đã có hơn 20 chục lò mổ chó. Thử đến “mục sở thị” một lò mổ chó ở khu vực ngoại ô Sài Gòn, tôi tỉ mẩn đếm được trong vòng một giờ đã có khoảng mười tay bắt chó mang “thành quả” đến bán với trên hai mươi “nạn nhân” đủ màu sắc, trọng lượng.

Thật khó hiểu là những tay bắt chó không hề có cảm giác phạm tội, cứ ngã giá và đếm tiền như một người vừa đi câu cá hoặc vừa đi hái quả để có được khoản thu nhập lương thiện. Các con chó bị đem bán vào lò mổ dường như cũng linh cảm được số phận, con nào con nấy ứa đầy sự sợ hãi, van lơn và sự căm phẫn trong đôi mắt.

Tôi có dịp dừng chân nhiều địa phương khắp ba miền, hầu như tỉnh nào cũng xảy ra hiện tượng trộm chó. Chủ nhà cứ nơm nớp canh chừng, vì chỉ lơ đễnh một chút để chó chạy ra đường coi như “nhất khứ bất phục hoàn”.

Có lần, trên đường công tác, tôi ngồi uống cà phê buổi sáng bên vỉa hè một thị xã ven biển miền Trung và chứng kiến tận mắt cảnh trộm chó ghê rợn. Hai vợ chồng già mở cửa tập thể dục sớm mai, con chó lẽo đẽo chạy theo. Bỗng nghe tiếng xe máy ầm ào từ xa vụt đến, một cái thòng lọng ném ra, con chó vừa kịp kêu ẳng ẳng đã bị lôi xềnh xệch trên đường và mất hút. Người chồng sau chốc lát bần thần, chạy theo vài bước rồi bất lực lắc đầu ngao ngán. Còn người vợ như ngẩn ngơ mấy giây rồi ngồi gục xuống khóc nức nở. Tôi chẳng giúp được gì cho họ, đành thở dài tự hỏi, tại sao những kẻ trộm lại đối xử với con chó và với hai vợ chồng già tội nghiệp kia như vậy?

Và tôi cũng tự hỏi, tại sao chúng ta chưa có biện pháp nào để ngăn chặn nạn trộm chó đang mỗi ngày diễn biến phức tạp hơn và manh động hơn? Hiện tại vẫn chưa có một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc về thói quen ăn thịt chó, nhưng tôi tin rằng các quán cầy tơ ít đi thì cũng bớt đi các tay chuyên bắt chó.

3. Con chó đầu tiên tôi nuôi là do bà nội tôi xin được từ một người láng giềng tốt bụng. Thời bao cấp, hễ đúng giờ thì người lớn đều đi làm, trong xóm còn người già, trẻ em và lũ chó mà thôi. Những ngày oi ả, tôi ôm con chó nhỏ cùng với bà nội ra đầu ngõ hóng gió. Bà nội tôi thường bảo, chó là con vật trung thành nhất, thủy chung nhất.

Và để minh họa cho lời nói ấy, bà nội kể một câu chuyện làm tôi ám ảnh mãi. Câu chuyện rằng, thuở nảo thuở nao, có một gia đình gồm hai vợ chồng trẻ, một bà mẹ già và một con chó sống với nhau rất đầm ấm. Phận nam nhi phải có công danh, người chồng trẻ quyết tâm lai kinh ứng thí mong đỗ đạt áo mũ xênh xang vinh quy bái tổ. Anh ta thi trượt lần thứ nhất, cả nhà hơi buồn. Anh ta thi trượt lần thứ hai, cả nhà rất buồn. Anh ta thi trượt lần thứ ba, khi về nhà báo tin, người mẹ già đang nấu cơm liền đứng dậy để mặc lửa tàn, người vợ trẻ đang dệt vải liền ngừng tay không ngó ngàng khung cửi nữa, chỉ có con chó vẫn chạy ra vẫy đuôi mừng chủ nhân.

Lúc nghe bà nội kể, tôi ngờ ngợ thực hư. Tôi vụng dại nghĩ, chắc bà nội tưởng tượng ra sự trớ trêu kia để khuyên tôi đừng hắt hủi con chó nhỏ mà tôi thỉnh thoảng hào phóng moi ruột cái bánh mì điểm tâm của mình đút cho nó ăn. Tuy nhiên, càng lớn lên tôi càng tin câu chuyện của bà nội, dẫu năm tháng đã xa lắc xa lơ.

Ngày xưa đi học có bài tập đọc “Sao không về Vàng ơi” của Trần Đăng Khoa, miêu tả lại hoàn cảnh bị mất con chó tên Vàng:

            “Mày bỏ chạy đi đâu,

            Tao chờ mày đã lâu,

            Cơm phần mày để cửa,

            Sao không về hả chó,

            Vàng ơi là Vàng ơi”.

Một người bạn của tôi có viết bài thơ về con chó quẩn quanh xó bếp với những ý niệm mạnh mẽ:

            “Loài chó nồng nhiệt hơn hẳn chúng ta,

            Trời phú đức tính trung thành,

            Ta xúc động và nhiều khi tự ái…

            Lớn tiếng rủa đồ chó má, ta thầm ganh tỵ lòng thủy chung”.

Còn một người bạn khác của tôi lại viết bài thơ về con chó lẽo đẽo tiễn đưa chủ nhân của nó là thiên tài âm nhạc về nơi an nghỉ cuối cùng trong sự lạnh lẽo:

            “Tuyết trút xuống cả mùa đông nước Áo,

            Phủ lấp chiếc xe ngựa chở Mozart đến nghĩa địa dân nghèo,

            Run rẩy bước sau quan tài chỉ có mình con chó,

            Chiếc lá phong cuối cùng vàng lửa bay theo”.

Trên thế giới đã có không ít áng văn nổi tiếng viết về con chó như một người bạn bốn chân tận tụy, nhưng kỳ lạ và khó quên phải kể đến bài bào chữa hùng hồn của luật sư Georges Graham Vest (1830-1904), khi thay mặt thân chủ khiếu kiện kẻ thủ ác đã sát hại con chó của mình.

Bài bào chữa thay vì đưa ra lập luận tố tụng tên giết chó, lại dành nhiều ngôn từ để biểu dương con chó mà vẫn thuyết phục được mọi người: “Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù”.

Khi viết những dòng tản mạn này, tôi bỗng dưng muốn nuôi một con chó. Một con chó bình thường thôi, không phải con chó giống Phú Quốc hay con chó giống béc-giê gì cả. Một con chó bình thường để lâu lâu nghe tiếng sủa “gâu gâu” mà biết rằng cuộc sống vẫn bình yên.

Sài Gòn, tháng 9-2011

Các tin khác