Họa sĩ của người lính

Họa sĩ Phan Oánh. Bây giờ họa sĩ Phan Oánh đã là một đại tá về hưu. Ở tuổi 60, nhưng ông vẫn không ngừng làm việc. Với ông, về hưu là được xếp bỏ những công việc sự vụ để tập trung vào những việc làm đáng lẽ phải là sự nghiệp cả đời.
Họa sĩ Phan Oánh.

Họa sĩ Phan Oánh.

Bây giờ họa sĩ Phan Oánh đã là một đại tá về hưu. Ở tuổi 60, nhưng ông vẫn không ngừng làm việc. Với ông, về hưu là được xếp bỏ những công việc sự vụ để tập trung vào những việc làm đáng lẽ phải là sự nghiệp cả đời.

Với Phan Oánh, bây giờ là lúc rời bỏ hệ lụy phiền toái của các chức vụ, để dồn tinh lực vào hội họa. Đối với một họa sĩ thời bình, đề tài rộng khắp, vấn đề là có đủ tài năng thể hiện hay không. Phan Oánh vẽ đủ loại, kể cả những đề tài thời thượng, trước hết là để tồn tại và kế đó tạo điều kiện nuôi dưỡng dòng mạch ông đã ấp ủ, nguyện theo đuổi đến tận cuối đời, đó là đề tài chiến tranh cách mạng. Phan Oánh luôn nghĩ rằng vẽ là một cách nhìn nhận lại cuộc chiến ông và đồng đội đã tham gia bằng tất cả tâm tình và nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Bằng hội họa, ông đã cố gắng lý giải, tái hiện và nhận chân một giai đoạn lịch sử hào hùng, nhưng cũng lắm thương đau của dân tộc.

Phan Oánh thuộc thế hệ những người lính xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đã chiến đấu dữ dội trong những trận đánh vùng ngoại ô Sài Gòn xuân Mậu Thân 1968. Sau đó, vượt những trận bom B52 khốc liệt để tham gia lớp đào tạo họa sĩ trong chiến khu. Trong 42 năm quân ngũ, có 40 năm ông theo đuổi hội họa. Đã nhiều lần Phan Oánh trở lại chiến trường xưa Đông Nam bộ, vùng đất từng tan hoang trơ trụi bởi chất độc hóa học, bị cày xới bởi đạn bom, nay đã hồi sinh, để ngẩn ngơ trước màu vàng rực của những thảm cúc đồng, màu hồng phấn kín đáo của bông súng tĩnh lặng trong chiếc ao vốn là hố bom rỗ mặt. Thời gian đã chậm rãi xóa nhòa dấu vết của cuộc chiến tranh tàn khốc. Thế hệ trẻ bây giờ ít ai biết được rằng ngày ấy, ở chốt chặn đường 13 này, trên đỉnh dốc Tàu Ô, đã có hàng ngàn người lính quyết tử ngã xuống cho ngày chiến thắng. Những ngày ấy, Phan Oánh hối hả vẽ những bức tranh cổ động, nhân bản và in vội trong đêm để kịp động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Giờ đây nhiều người lính đã từng xem tranh Phan Oánh dưới chiến hào ở mảng rừng Đông Nam bộ ngày ấy vẫn còn nhớ mãi niềm tin tất thắng mà những bức tranh mỏng mảnh ấy đã thắp dậy trong lòng mình.

Tranh Phan Oánh tràn đầy tình cảm với những đồng đội ông từng gặp gỡ, quen biết, nghe nói, trên các nẻo đường chiến dịch. Mỗi bức tranh là một lát cắt về ký ức đồng đội, là một khoảnh khắc dồn nén sự kiện, luôn là một câu chuyện rất dài, nhưng được thể hiện và nhấn mạnh ở lúc cao trào. Có thể nói tranh của Phan Oánh vừa ghi chép vừa cất giữ những gì sáng trong và tốt đẹp nhất trong cuộc đời người lính. Các tác phẩm tiêu biểu “Ký ức Trường Sơn”, “Những người đi chiến đấu”, “Đường vào Sài Gòn năm 75” và nhất là “Bản xô-nát Mậu Thân 1968” thể hiện rõ rệt điều này. Sự khao khát hòa bình của người lính cầm cọ này được minh định bằng trải nghiệm, với sự nhận thức tỉnh táo và nhạy cảm sâu lắng.

Tranh "Bản xô - nát Mậu Thân".

Tranh "Bản xô - nát Mậu Thân".

Tranh "Ảo ảnh rừng sác".
Tranh "Ảo ảnh rừng sác".
Ký họa "Trường Sa - dưới gốc cây bàng vuông".
Ký họa "Trường Sa - dưới gốc cây bàng vuông".

Các tin khác