Gian nan nghề cứu nạn, cứu hộ

Thoát hiểm trong gang tấc

(ĐTTCO) - Mỗi lần tham gia cứu nạn, cứu hộ là đối mặt với hiểm nguy bởi sự cố xảy ra là đã trong tình trạng nguy hiểm, mà họ lại lao vào để cứu người, để xử lý tình huống nguy hiểm đó. Tuy nhiên, đến nay nghề này vẫn chưa được coi là nghề nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại để có chế độ bồi dưỡng, bảo hiểm và phụ cấp tương ứng.

Thoát hiểm trong gang tấc

Hầu hết cán bộ - chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ của Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM đều tự nguyện đến với nghề, tự nguyện đi cứu nạn người sống hoặc tìm kiếm thi thể người bị nạn, góp phần sẻ chia mất mát của các gia đình. Để lao vào nguy hiểm cứu người khác, họ đã tự nhận về mình phần hiểm nguy chực chờ.

Năm 2011, Trung úy Võ Thành Công, Đội Cứu nạn cứu hộ dưới nước, lặn tìm một người mất tích trong vụ chìm tàu trên sông Nhà Bè. Do dòng nước chảy xiết, bất ngờ một con tàu đang neo đậu gần khu vực đang cứu nạn, cứu hộ bị đứt dây neo. Con tàu mấy chục ngàn tấn trôi tự do phăm phăm về hướng chiếc tàu chìm, bên dưới có tổ lặn gồm anh Công và 2 đồng đội đang làm nhiệm vụ. “Hai con tàu bên trên và bên dưới mặt nước mà đụng nhau, thì người ở giữa sẽ bị ép… như con kiến”, anh Công kể. Nhận được lệnh của chỉ huy kêu lên gấp, hai đồng đội của anh Công trồi lên và được đồng đội kéo ngay vào bờ. Hai người vừa vào bờ thì chiếc tàu mất neo đâm sầm vào chiếc tàu bị nạn. Còn anh Công phải nán lại 10 giây, lặn ẩn mình dưới làn nước sâu mới thoát được vụ va chạm trên đầu.

Đại úy Huỳnh Văn Tuấn cùng Đại úy Nguyễn Chí Thành lặn tìm một em bé 3 tuổi trong vụ chìm tàu ở sông Sài Gòn vào năm 2014. Hai người phải lặn xuống độ sâu 21m, chui vào khoang hầm máy. Bất ngờ ống thở của anh Thành bị sự cố. Hai anh Tuấn và Thành phải cùng sẻ chia một ống thở, thay nhau thở và bơi ra khỏi con tàu đang sụp đổ dưới nước bởi tác động của dòng nước ngầm xoáy. “Nếu mất bình tĩnh, anh Thành mà phóng thẳng lên mặt nước thì sẽ đụng khoang tàu, hoặc trồi nhanh đều cũng sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Hai anh em đều xử lý tốt tình huống đó nên thoát nạn được”, anh Tuấn nhớ lại.

Người làm công tác cứu nạn, cứu hộ thường xuyên xử lý tình huống khẩn cấp, làm việc bất kể lúc nào và chịu áp lực cao.

Người làm công tác cứu nạn, cứu hộ thường xuyên xử lý tình huống khẩn cấp,
làm việc bất kể lúc nào và chịu áp lực cao.

“Quá nhanh, quá nguy hiểm”

Anh Tuấn cho biết, vụ việc có thể giống nhưng tính chất, mức độ, hiện trường cứu nạn, cứu hộ thì không vụ nào giống vụ nào. Trong các công trình sập đổ, cán bộ - chiến sĩ thực hiện cứu nạn, cứu hộ luôn tiềm ẩn nguy cơ bị công trình sập đổ tiếp, đè lên chính người làm nhiệm vụ. Còn dưới nước thì ai nấy như… người mù, bởi lòng sông như đêm tối. “Lòng sông đậm đặc phù sa nên “người nhái” có soi đèn pin cũng không nhìn thấy gì. Trên bờ nhìn mặt nước phẳng lặng nhưng dưới nước thì hoàn toàn khác, có vực thẳm, hố sâu, dòng nước xoáy, cọc…, đủ thứ cạm bẫy”, anh Công chia sẻ. Không những thế, hầu hết các con kênh ở thành phố đều ô nhiễm. Như lần lội mò tìm một khẩu súng trong vụ bắn nhau vào năm 2009 ở đại lộ Đông - Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt), trong làn nước đen kịt và hôi thối, anh em lội chừng vài mét là nước mắt nước mũi trào ra, choáng váng cả người.

Bất cứ sự cố nào xảy ra, cũng đòi hỏi người cứu nạn, cứu hộ phải làm khẩn cấp, nhanh chóng có kết quả. Xung quanh hiện trường, ngoài khu vực phong tỏa, luôn có rất đông người nhà nạn nhân, người dân chứng kiến, bình phẩm. Năm 2011, khi tiếp cận hiện trường vụ tàu Dìn Ký bị chìm trên sông Sài Gòn, các cán bộ - chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ trồi lên lặn xuống suốt 7 giờ liền trong cơn mưa và màn đêm. Trên bờ, tiếng gào thét xé lòng, ai oán của thân nhân nạn nhân. Sự mệt mỏi và áp lực mỗi lúc một trĩu nặng thêm trên đôi vai các cán bộ - chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ.

Tổn thất lớn nhất, đau thương nhất trong 40 năm qua của những người lính cứu nạn cứu hộ TPHCM là năm 1979, hai chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà đã hy sinh bởi đụng phải lựu đạn trong khi lặn sông Sài Gòn mò tìm khẩu súng tang vật vụ cướp bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Sau này, mọi người đều được bồi dưỡng kiến thức về bom mìn. Rất nhiều lần lặn tìm không ra hung khí mà lại đụng lựu đạn, đụng mìn. Những lúc đó, cán bộ - chiến sĩ không được hốt hoảng quăng đi mà phải mang lên mặt nước xử lý an toàn.

Nguy hiểm chực chờ trong mỗi lần cứu nạn cứu hộ là vậy, nhưng đến nay cán bộ - chiến sĩ vẫn chưa được hưởng chế độ phụ cấp độc hại. Hiện nay, TPHCM có 2 lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp trên địa bàn và hỗ trợ các tỉnh bạn là Đội Cứu nạn, cứu hộ trung tâm và Đội Cứu nạn, cứu hộ dưới nước, đều thuộc Phòng Cứu nạn cứu hộ. Từ năm 2010 đến nay, các cán bộ - chiến sĩ đã cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp 591 vụ, tìm kiếm và cứu được 303 người, lặn tìm được 275 thi thể nạn nhân bị tai nạn sông nước và các sự cố do cháy, nổ, rơi máy bay, sập đổ công trình xây dựng… Ngoài ra, còn lặn tìm vật chứng 11 vụ án để hỗ trợ cơ quan điều tra phá án.

Các tin khác