Áp lực cung ứng điện mùa khô

(ĐTTCO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II, với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 12% so với cùng kỳ. Trong trường hợp cần thiết sẽ sẵn sàng huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giảm nỗi lo về điện mỗi khi mùa hè đến phải giải quyết được gốc của vấn đề giá điện và huy động vốn của ngành điện.

(ĐTTCO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II, với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 12% so với cùng kỳ. Trong trường hợp cần thiết sẽ sẵn sàng huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giảm nỗi lo về điện mỗi khi mùa hè đến phải giải quyết được gốc của vấn đề giá điện và huy động vốn của ngành điện.

Chuẩn bị phương án cao điểm tháng 5, 6

Việc đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho Nhân dân trong mùa nắng nóng luôn là một thách thức đối với các đơn vị phân phối điện. Trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra, công tác này càng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, hiện tượng El Nino dự báo còn kéo dài đến mùa khô năm nay, nên liên tục gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và các nhà máy thủy điện vốn chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu điện quốc gia hiện nay.

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVN

Theo EVN, trong quý I, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống lũy kế đạt 44 tỷ kWh, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó sản lượng ngày lớn nhất đạt 571,8 triệu kWh (tăng 12,3% so với cùng kỳ 2016) và công suất lớn nhất toàn hệ thống là 27.066MW (tăng 10,6% so với cùng kỳ 2016). Sản lượng truyền tải vào miền Nam 2,97 tỷ kWh, tương đương 14% nhu cầu điện khu vực.

Còn sản lượng điện thương phẩm lũy kế 3 tháng ước đạt 38,13 tỷ kWh, tăng 8,27% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 8,39%. Như vậy sản lượng điện vẫn còn thừa để đáp ứng cao điểm quý II.

Quý II hàng năm được coi là cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về cung cấp điện. Theo đó, nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II-2017 dự kiến tăng 12%, đặc biệt trong tháng 5 và 6 dự báo phụ tải của hệ thống có thể đạt bình quân 600 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất toàn hệ thống có thể lên tới 31.800MW.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao này, EVN cho biết các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí sẽ tiếp tục được khai thác cao; đồng thời khai thác các hồ chứa thủy điện theo biểu đồ điều tiết, đảm bảo cung cấp nước cho hạ du và vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện than, đặc biệt là các nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, 3. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu.

Theo dự báo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), công suất cực đại năm 2017 của khu vực này đạt 9.000-9.500MW (tăng 250-750MW so với năm 2016). Để đảm bảo việc cung cấp điện cho mùa khô, EVN yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia tăng cường công tác quản lý vận hành, đảm bảo hành lang an toàn cho đường dây, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải, phục vụ truyền tải cao liên tục trong mùa khô, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500kV Bắc-Nam; các Tổng công ty Điện lực duy trì liên tục công tác tuyên truyền tiết kiệm điện khi nắng nóng bắt đầu diễn ra ở cả 3 miền, nhất là trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, miền Nam, tập trung thực hiện các biện pháp nâng cấp, cải tạo lưới điện để không xảy ra mất điện do quá tải cục bộ trong mùa nắng nóng, nhất là ở các khu vực thành phố lớn, đông dân cư…

Huy động tối đa các nguồn điện cho miền Nam

Cái gì thuộc về thị trường nên trả cho thị trường. Nếu cứ kìm hãm mãi không tăng giá điện, các doanh nghiệp không có động lực để phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch. Cứ mãi duy trì bán điện giá rẻ sẽ không có nguồn đầu tư để các doanh nghiệp điện phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), năm 2017 về mặt tổng thể hệ thống điện quốc gia có đủ khả năng và có dự phòng đáp ứng nhu cầu phụ tải quốc gia.

Tuy nhiên, các nguồn phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở miền Bắc, do đó hệ thống điện miền Nam thường xuyên phải nhận công suất truyền tải từ miền Bắc và miền Trung. Để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho miền Trung và miền Nam, cũng như đảm bảo các đường dây truyền tải 500kV vận hành an toàn, EVN/A0 sẽ huy động tiết kiệm nhất các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và miền Nam, tức chỉ vận hành theo nhu cầu nước hạ du ở các địa phương nhằm kéo dài thời gian vận hành của các nhà máy thủy điện ở những khu vực này.

Bên cạnh đó, EVN cũng cho biết  sẽ tận dụng khả năng tải đường dây 500kV trong mọi thời điểm, đặc biệt cung đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Vũng Áng - Đà Nẵng để truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.

Các nhà máy thuộc EVN được chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, khí, dầu để vận hành, sẵn sàng huy động các nguồn điện chạy dầu khi hệ thống cần thiết để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao. Các công ty truyền tải điện thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời các bất thường, khiếm khuyết lưới điện truyền tải, nhất là các đoạn đường dây 500kV, truyền tải công suất từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.

Cuối tháng 3 vừa qua, với việc bàn giao và đưa vào vận hành thương mại Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 cho Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tiếp nhận và quản lý vận hành thương mại, hệ thống điện phía Nam sẽ được bổ sung thêm 622,5MW cho mùa khô năm 2017 với sản lượng trung bình 13 triệu kWh/ngày.

Theo ông Nguyễn Hữu Phiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, việc Tổ máy số 1 Nhiệt điện Duyên Hải 3 được đưa vào vận hành thương mại đúng thời điểm khi nhu cầu điện miền Nam đang cấp bách. Với việc huy động tối đa, trung bình 13 triệu kWh/ngày, dự kiến từ nay đến hết mùa khô, sản lượng điện huy động của riêng tổ máy 1 khoảng 1,3 tỷ kWh.

Việc đưa tổ máy 1 vào vận hành thương mại góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong giai đoạn mùa khô năm 2017, hạn chế tối đa tình trạng truyền tải cao trên đường dây 500kV Bắc-Nam.

Tại buổi làm việc với các bộ, ngành, các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng các công trình nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) và Sông Hậu 1 (Hậu Giang) tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nguy cơ thiếu điện tại miền Nam vào những năm 2018-2019 sẽ rất cao. Nếu không có giải pháp cụ thể để khắc phục, tình trạng thiếu điện sẽ rất nghiêm trọng. 2 dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1 có ý nghĩa quyết định đến việc đáp ứng đủ điện cho miền Nam hiện đang bị chậm tiến độ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Các bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư phối hợp đẩy nhanh tiến độ xem xét xử lý bảo lãnh chính phủ đối với các dự án điện cần phải vay vốn, những dự án điện BOT do đối tác nước ngoài đầu tư.

Để đảm bảo cung cấp điện trong mùa khô 2017, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có giải pháp đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí cho phát điện cũng như đảm bảo vận hành an toàn nhà máy điện thuộc các tập đoàn này.

Nhà máy Thủy điện Sơn La phải mở hết công suất mới đáp ứng nhu cầu điện cho mùa khô.

Nhà máy Thủy điện Sơn La phải mở hết công suất
mới đáp ứng nhu cầu điện cho mùa khô.

Giải quyết bài toán giá điện

Theo các chuyên gia năng lượng, câu chuyện về căng thẳng nguồn cung điện mỗi khi mùa nóng đến là vấn đề của giá điện và thu xếp vốn. Theo EVN, những ngày cuối tháng 3, giá thị trường điện tiếp tục ở mức cao do tiếp tục tăng huy động nguồn cung từ các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí chu trình hỗn hợp. Hiện giá mua điện bình quân của các nhà máy điện tính tại điểm mua bán điện 1.266 đồng/kWh (chưa bao gồm tổn thất trên hệ thống điện); giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 104 đồng/kWh; giá thành khâu phân phối bán lẻ điện theo điện thương phẩm 292,11 đồng/kWh; giá thành khâu phụ trợ quản lý ngành theo điện thương phẩm là 7,32 đồng/kWh.

Hiện giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc, thấp nhất 1.484 đồng/kWh và cao nhất 2.587 đồng/kWh. Vì thế, nếu EVN không bảo đảm được hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường và có lãi để chứng minh khả năng trả được nợ, về lâu dài sẽ khó có tổ chức tài chính nào dám cho EVN vay tiền để đầu tư vào điện.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, theo nhiều chuyên gia, không thể tiếp tục kìm hãm giá điện như đã làm suốt 2 năm qua, điều này có lợi về ngắn, trung hạn, nhưng sẽ bất lợi trong dài hạn.

Đó là không tạo ra động lực để doanh nghiệp tập trung chuyển đổi công nghệ cho năng lượng mới vì họ sẽ tiếp tục khai thác các nguồn năng lượng giá rẻ từ nhiệt điện than, thủy điện, trong khi các nguồn này đang cạn kiệt và có ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, đã đến lúc không thể không tăng giá điện bởi dồn tăng giá điện vào năm sau sẽ làm lạm phát tăng cao hơn.

Liên quan đến vấn đề giá điện, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết các cơ quan liên quan đang tiến hành hiệp thương giá bán than giữa TKV và EVN. Giá bán than do doanh nghiệp khai thác quyết định, nhưng do việc sản xuất than cấp cho ngành điện có tính độc quyền. Vì thế, để đảm bảo lợi ích doanh nghiệp khai thác và hộ tiêu thụ lớn cần phải tổ chức hiệp thương để tìm giá hợp lý, thị trường, trên cơ sở các bên rà soát giá thành khai thác.

Sau khi hiệp thương, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 3 vừa qua và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo.

“Khi giá hiệp thương xong và EVN có phương án mới tính toán được tác động cụ thể của việc tăng giá điện đến nền kinh tế. Tuy nhiên, do giá bán than với điện sẽ không biến động lớn, cơ bản ổn định nên sẽ không có tác động lớn” - ông Truyền nói. 

Các tin khác