ĐHCĐ NHTM: Nóng chia cổ tức, xử lý nợ xấu

(ĐTTCO) - Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2017 của các ngân hàng thương mại (NHTM) đang trở thành tâm điểm chú ý của thị trường với hàng loạt vấn đề nóng. Bên cạnh các sự kiện về tái cơ cấu, biến động nhân sự cấp cao, cũng như nhiều vấn đề nổi bật khác dự báo được cổ đông chất vấn và yêu cầu có câu trả lời cụ thể từ Hội đồng quản trị (HĐQT) như cổ tức, xử lý nợ tồn đọng…

(ĐTTCO) - Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2017 của các ngân hàng thương mại (NHTM) đang trở thành tâm điểm chú ý của thị trường với hàng loạt vấn đề nóng. Bên cạnh các sự kiện về tái cơ cấu, biến động nhân sự cấp cao, cũng như nhiều vấn đề nổi bật khác dự báo được cổ đông chất vấn và yêu cầu có câu trả lời cụ thể từ Hội đồng quản trị (HĐQT) như cổ tức, xử lý nợ tồn đọng…

“Né” chia cổ tức 

Cổ đông đầu tư vào NH bằng tiền của họ nên quan tâm đến cổ tức được chia như thế nào là việc bình thường. Muốn chia cổ tức NH phải có lợi nhuận, nhưng khả năng sinh lời của các NH vẫn còn thấp, có NH bị lỗ nên chi trả cổ tức trở thành bài toán hóc búa.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Tính tới thời điểm này, một số NH đã tổ chức ĐHCĐ chốt phương án chi trả cổ tức năm 2016. Cụ thể, LienVietPostBank chi trả cổ tức 10%, trong đó 4% chi trả bằng tiền mặt và 6% bằng cổ phiếu; ACB trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu; VPBank trả cổ tức khủng 31,84% nhưng không chia bằng tiền mặt. Nhiều NH khác cũng chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, điều khiến cổ đông bức xúc là việc nhiều NH dự kiến không chia cổ tức.

 Ngày 10-4, TPBank đã công bố tài liệu cho ĐHĐC dự kiến diễn ra trong tháng này. Báo cáo kết quả hoạt động điều hành của HĐQT năm 2016, cho biết tháng 8-2016 ban điều hành có trình HĐQT thông qua việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 xuống còn 630 tỷ đồng do những diễn biến bất lợi của thị trường và những chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng của NHNN.

Nhưng sau đó TPBank vẫn hoàn thành vượt chỉ tiêu đã đăng ký với ĐHCĐ là 707 tỷ đồng (đạt 101,7% kế hoạch). Tuy nhiên cổ đông của TPBank đã không nhận được cổ tức năm 2016.

Theo tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ thường niên năm 2016 vừa được Techcombank công bố, kết thúc năm 2016 tổng tài sản của NH đạt 235.363 tỷ đồng (tăng 22,6% và đạt 106% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 3.997 tỷ đồng (tăng 96,2% và đạt 113% kế hoạch).

Hoạt động tín dụng trong năm 2016 cũng ghi nhận được kết quả tương đối tích cực với tổng huy động đạt 173.449 tỷ đồng (tăng 21,9% và đạt 101% kế hoạch), tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2016 đạt 159.010 tỷ đồng (tăng 24,8% và đạt 100% kế hoạch), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đến cuối năm 2016 đạt 13,12%, cao hơn mức 9% theo yêu cầu của NHNN. 

Thế nhưng, theo tờ trình ĐHCĐ, Techcombank dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn tăng được trong năm 2017 để mở rộng mạng lưới, phần còn lại sẽ tăng nguồn vốn cho hoạt động tín dụng và đầu tư trái phiếu chính phủ (dự kiến 2.467 tỷ đồng). Thế nhưng, kế hoạch này không hề đả động tới việc chi trả cổ tức cho cổ đông, động thái mà NH này không thực hiện kể từ năm 2011 đến nay.

Tương tự, nhiều cổ đông của VietABank cho biết đã nhiều năm không được nhận cổ tức và cũng không kỳ vọng được nhận cổ tức vào năm nay. Liên quan đến vấn đề phân phối lợi nhuận năm 2015, VietABank cho biết sẽ thực hiện phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức sau khi được NHNN chấp thuận với tỷ lệ chia cổ tức 7,5%. Song đến thời điểm này NH vẫn chưa thông báo kết quả thực hiện.

Trong khi đó, Sacombank năm ngoái không tổ chức ĐHCĐ nên cổ đông cũng không có cổ tức. Năm ngoái, Eximbank không hoàn tất chương trình họp ĐHCĐ, do đó vấn đề cổ tức cũng không được bàn bạc. Bên lề đại hội, nhiều cổ đông sáng lập đã bức xúc về sự lộn xộn diễn ra trong ĐHĐC cùng với việc NH liên tục trong 2 năm không chia cổ tức. Còn tại PGBank, do thương vụ mua bán sáp nhập giữa NH này với VietinBank chưa có kết quả nên 2 năm qua cổ đông cũng phải chịu thiệt về cổ tức.

Loay hoay xử lý nợ tồn đọng 

Lợi nhuận NH tác động trực tiếp đến lợi ích của cổ đông, do đó kế hoạch cải thiện kết quả kinh doanh như thế nào cũng được dự báo là mối quan tâm lớn của các NH trong mùa ĐHCĐ 2017.

Song song với cổ tức, xử lý các vấn đề tồn đọng cũng là một trong những vấn đề mà cổ đông muốn các NH phải làm rõ. Tại ĐHCĐ của VPBank, cổ đông đã chất vấn NH về việc xử lý khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Lãnh đạo VPBank lần đầu tiên trả lời chi tiết, xác nhận HAG vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng nợ vay tại NH nhưng hiện doanh nghiệp này đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank, cho HAG vay là hoạt động bình thường vụ phục phát triển kinh tế, do khủng hoảng giá dầu, giá cao su khiến HAG mất cân đối về cơ cấu vốn, còn việc cân đối nợ và tài sản, HAG làm tốt nên khó khăn không đáng ngại.

NH đã làm việc với cơ quan chức năng và chương trình tái cấu trúc với HAG đã được NHNN ủng hộ. Hiện NH đã tái cấu trúc xong nợ của HAG dưới dạng kéo giãn khoản nợ cả lãi và vốn hoặc bán các khoản nợ. Khoản cho vay của HAG đang xếp vào nợ nhóm 1, một phần xếp vào nhóm 2 được giãn nợ từ 2-5 năm. Dự kiến trong năm nay HAG sẽ trả nợ một phần.

 Còn tại ĐHCĐ của ACB, trả lời thắc mắc của cổ đông về vấn đề xử lý nợ tại nhóm 6 công ty, ban lãnh đạo NH cho biết đang tích cực xử lý. Hiện dư nợ liên quan đến nhóm 6 công ty chưa được trích lập dự phòng còn 3.900 tỷ đồng, NH sẽ tích cực thu hồi các khoản nợ chưa trích lập. Đối với các khoản nợ đã được trích lập dự phòng, ACB sẽ xử lý tài sản đảm bảo.

Trong tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ sắp tới, Eximbank cũng gây chú ý khi công bố tờ trình phương án khắc phục chỉnh sửa liên quan đến hồ sơ Eximland. Theo Eximbank, từ năm 2010-2013, thông qua việc bán các bất động sản cho Eximland, Eximbank đã ghi nhận thu nhập (không phải từ hoạt động kinh doanh) trên 1.116 tỷ đồng.

Năm 2014, Eximbank đã khắc phục được 284 tỷ đồng, còn 831 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa. Khoản thu nhập này được sử dụng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 207,92 tỷ đồng, trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự phòng tài chính theo luật định 91,55 tỷ đồng, trích quỹ khen thưởng và phúc lợi 45,54 tỷ đồng, chia cổ tức cho cổ đông 486,82 tỷ đồng, các khoản chi phí liên quan để thực hiện giao dịch này (thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ…) 116, 74 tỷ đồng. Tổng cộng các khoản liên quan đến vấn đề này 948,57 tỷ đồng.

Theo yêu cầu Thanh tra NHNN tại kết luận thanh tra số 34/2015, Eximbank bán các bất động sản và đưa khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và giá bán vào thu nhập là chưa đúng quy định. Thanh tra yêu cầu HĐQT phải xin ý kiến ĐHCĐ để thông qua phương án khắc phục. Tại ĐHCĐ bất thường 2015, phương án do HĐQT Eximbank nhiệm kỳ trước đưa ra chưa được thông qua.

Dù hoàn thành vượt chỉ tiêu nhưng cổ đông của TPBank vẫn không nhận được cổ tức năm 2016.

Dù hoàn thành vượt chỉ tiêu nhưng cổ đông của TPBank vẫn không
nhận được cổ tức năm 2016.

Do vậy, HĐQT mới thực hiện hạch toán hồi tố đúng theo nguyên tắc kế toán. Theo đó, ngoài số tiền đã được khắc phục đến cuối năm 2014, Eximbank đã hạch toán điều chỉnh hồi tố giảm lợi nhuận tại ngày 31-12-2014 là 948,57 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này được Công ty Kiểm toán độc lập KPMG xác nhận hợp lý.

Trong ĐHCĐ năm 2015, cổ đông đã yêu cầu HĐQT giải thích về giao dịch giữa Eximbank và Eximland và việc giảm lãi cho Eximland. HĐQT hứa sẽ trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, hiện Eximbank đang gặp khó khăn trong việc xây dựng các chiến lược kinh doanh dài hạn, do xung đột của các nhóm cổ đông lớn và danh mục cho vay giảm dần theo thời gian trong vài năm qua. Dự báo kỳ ĐHCĐ của Eximbank tới đây sẽ rất nóng.

 Nỗi buồn nợ xấu cao, lợi nhuận thấp

Theo báo cáo tài chính quý IV-2016 của 10 NH niêm yết, tổng nợ xấu của các NH này trong năm 2016 tăng hơn 14.876 tỷ đồng, tương đương tăng 43% so với năm 2015. Đứng đầu là Sacombank với tỷ lệ nợ xấu bằng 5,35% tổng dư nợ, tăng mạnh so với mức 1,86% hồi đầu năm.

Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 6,6 lần lên gần 1.525 tỷ đồng so với mức 231 tỷ đồng cuối năm 2015; nợ nhóm 4 tăng 13,9 lần, lên mức 2.046 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng gấp 2,3 lần lên hơn 7.071 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank cũng tăng mạnh từ mức 1,86% cuối năm 2015 lên 2,95%; trong đó nợ nhóm 3 tăng vọt gấp 5,8 lần cùng kỳ, nợ nhóm 5 cũng tăng 41,1%, lên hơn 1.132 tỷ đồng. Nợ xấu VIB cao thứ 3 trong nhóm 10 NH với gần 1.550 tỷ đồng, tương đương 2,58% tổng dư nợ so với cuối năm 2015 chỉ ở mức 2,07%.

Tỷ lệ nợ xấu cao dẫn đến lợi nhuận của nhiều NH cũng teo tóp. Như Sacombank đã dành tới 700 tỷ đồng trong 1.232 tỷ đồng lợi nhuận để trích lập dự phòng, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 531 tỷ đồng. Kết thúc năm 2016, Eximbank ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro 1.479 tỷ đồng, nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 1.089 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 390 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Eximbank, NH cần phải trích lập dự phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn hoạt động, do đó chưa thể kỳ vọng lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trong các kỳ đại hội trước cổ đông của Eximbank đã bày tỏ bức xúc cho rằng HĐQT làm việc không hiệu quả dẫn đến kết quả kinh doanh kém, không thể chia cổ tức cho cổ đông, trong khi HĐQT vẫn được nhận thù lao cao, thậm chí vượt mức được duyệt. Dự báo vấn đề này sẽ tiếp tục khuấy động ĐHCĐ của Eximbank cho đến khi NH xử lý được nợ xấu, phục hồi lợi nhuận.

Năm 2016, NCB đạt lợi nhuận trước dự phòng rủi ro 211 tỷ đồng, nhưng trích lập dự phòng 82 tỷ đồng và sử dụng 112 tỷ đồng cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc NH, nên lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 16,5 tỷ đồng.

Trong khi đó lợi nhuận sau thuế của KienLongBank năm 2016 chỉ đạt 121 tỷ đồng, giảm 27% so với 2015. Đây là năm thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của KienLongBank sụt giảm. Nguyên nhân do tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng thu nhập lãi chỉ tăng nhẹ từ 2.110 tỷ đồng lên 2.294 tỷ đồng, chi phí lãi lại tăng mạnh từ 1.287 tỷ đồng lên 1.508 tỷ đồng, kéo thu nhập lãi thuần trong kỳ giảm 4,5% xuống còn 786 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lợi nhuận còn sụt giảm do chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh. Ngoài ra, NH này còn sử dụng 1.501 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định và tài sản dài hạn khác trong 3 năm qua, đẩy số dư tài sản cố định lên 1.315 tỷ đồng cuối năm 2016, hơn gấp 2 lần so với đầu năm 2014. 

Các tin khác