Hoa Kỳ đang thay đổi (B3): Đảo lộn nề nếp trong ấm, ngoài yên

(ĐTTCO) - Người dân Hoa Kỳ đã quyết định chọn doanh nhân - tài tử Donald Trump làm Tổng thống với kỳ vọng “làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” như slogan tranh cử của ông này. Hiệu quả “nói và làm” của vị Tổng thống theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cần có thời gian minh xét, nhưng đã đẩy Hoa Kỳ rẽ sang bước ngoặt khác đầy biến động chỉ sau 40 ngày cầm quyền. Cục diện thế giới đang phát sinh nhiều bất trắc: sự trỗi dậy chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, khủng bố ở Trung Đông, tranh chấp nóng bỏng ở Đông Á và Bắc Á... Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, giới chính khách và tinh hoa lại bày tỏ sự nghi ngờ vị tỷ phú non nớt kinh nghiệm chính trường có thể lãnh đạo một siêu cường thế giới.

(ĐTTCO) - Người dân Hoa Kỳ đã quyết định chọn doanh nhân - tài tử Donald Trump làm Tổng thống với kỳ vọng “làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” như slogan tranh cử của ông này. Hiệu quả “nói và làm” của vị Tổng thống theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cần có thời gian minh xét, nhưng đã đẩy Hoa Kỳ rẽ sang bước ngoặt khác đầy biến động chỉ sau 40 ngày cầm quyền. Cục diện thế giới đang phát sinh nhiều bất trắc: sự trỗi dậy chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, khủng bố ở Trung Đông, tranh chấp nóng bỏng ở Đông Á và Bắc Á... Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, giới chính khách và tinh hoa lại bày tỏ sự nghi ngờ vị tỷ phú non nớt kinh nghiệm chính trường có thể lãnh đạo một siêu cường thế giới.

Hoa Kỳ đang thay đổi (B2): Đồng minh, đối tác hay đối đầu
Hoa Kỳ đang thay đổi (B1): Sự khởi đầu đầy khó khăn
Diễn biến đa chiều, rối rắm

Theo Văn phòng các tòa án Hoa Kỳ, chỉ sau 2 tuần nhậm chức, Tổng thống D. Trump đã hiện diện trong 52 vụ kiện ở 17 bang, tăng hàng chục lần so với các tổng thống tiền nhiệm, như Barack Obama (vướng 3 vụ kiện), George Bush và Bill Clinton (4 vụ kiện).

Ngoài các vụ kiện liên quan tới sắc lệnh hạn chế nhập cảnh, xây tường ngăn biên giới, ngừng cấp ngân sách các thành phố bảo vệ dân nhập cư..., Tổ chức Công dân vì trách nhiệm và đạo đức ở Washington, gồm các công chức Nhà Trắng trước đây, các nhà ngoại giao, chuyên gia pháp luật và cộng đồng cũng đệ đơn kiện tổng thống lên tòa án New York. Họ cáo buộc những lợi ích trong kinh doanh của Trump đang tạo ra vô số xung đột lợi ích, gây ảnh hưởng làm thiên lệch chính sách, dẫn với vi phạm hiến pháp.

Ngoài các bất ổn nêu ra trong các bài trước, chủ trương bảo hộ mậu dịch, hạn chế nghĩa vụ đóng góp cho NATO, Liên hiệp quốc, các nước EU phải tự lực về an ninh - quốc phòng... đã làm nhiều nước bất an. 21 lãnh đạo quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC (Peru) họp vào cuối năm 2016 sau khi D. Trump thắng cử, đã thay đổi nghị trình, đi vào vấn đề nóng: Phân tích chính sách bảo hộ mậu dịch làm thay đổi nền kinh tế thế giới; đường lối mới của Hoa Kỳ tác động cục diện chung ra sao... Dù vậy, APEC ra thông điệp như lời nhắc gửi đến Trump: Quyết tâm chống bảo hộ mậu dịch.

Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, phát biểu rõ: “Các biện pháp bảo hộ đang làm suy yếu trao đổi mậu dịch, kìm hãm tiến bộ và là một mối lo ngại đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Tại châu Âu, trước hiện trạng Brexit và phong trào dân túy đang nổi dậy đầy phức tạp, Tổng thống Trump cũng khiến nhiều nước lo ngại. Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trump còn tuyên bố sẽ từ bỏ các nỗ lực nhằm ký kết Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với EU. Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với các nước, Tổng thống Pháp Hollande nhận định: “Chính quyền của ông Trump đang đặt ra các thách thức cho châu Âu”.

Trước những rối ren nội tại và tác động ngoại lai bất thường, Hội nghị Thượng đỉnh Mùa xuân của EU năm nay, diễn ra tại Bỉ, đã tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng về kinh tế thương mại, an ninh quốc phòng, tình trạng nhập cư - các vấn đề cốt lõi đang đặt ra trong nội khối.

Lãnh đạo nhiều nước tỏ ra quan ngại về những bất trắc có thể xảy ra do “sự thiếu hiểu biết của Tổng thống Trump về châu Âu” và buộc châu Âu phải chứng tỏ sự “đoàn kết chính trị, tầm trọng lượng kinh tế và khả năng tự lực về quốc phòng!”.

Cục diện thế giới cũng không hẳn là đen tối, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel mới đây nhận định: “Nếu Tổng thống D. Trump khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với châu Á và Nam Mỹ, cơ hội sẽ mở ra cho chúng ta. Điều đơn giản bởi lẽ kinh tế Hoa Kỳ kém cạnh tranh so với kinh tế Đức”.

Sắc lệnh cấm nhập cư của Trump làm khó một số quốc gia nhưng cũng tạo cơ hội các nước khác. Làn sóng vượt biên trái phép từ Hoa Kỳ sang Canada đang diễn ra sôi động với số lượng lớn. Thủ tướng Canada Trudeau tuyên bố mở cửa đón những người nhập cư bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Và cho rằng đây là cơ hội thu hút lao động tay nghề cao, tài năng nước ngoài có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tốt tại Canada.

Dân nhập cư lao động trên đồng ruộng tại bang Washington. Ảnh: LÊ DUYÊN

Dân nhập cư lao động trên đồng ruộng tại bang Washington. Ảnh: LÊ DUYÊN

Đối lập và phân rã

Lãnh đạo một nước lớn, đầu tàu kinh tế số 1 thế giới, Trump đã góp phần làm xáo động bàn cờ chính trị - kinh tế quốc tế, nhưng bản thân vị tổng thống này có “sướng”? Trả lời các cuộc phỏng vấn của Politico, nhiều người làm việc trong bộ máy hành pháp cho biết Trump liên tục bất ngờ và tức giận với những trở ngại trong công việc điều hành nhà nước: Quốc hội chậm, trì hoãn phê chuẩn các quyết định bổ nhiệm của ông; các cuộc đấu pháp lý, kiện tụng ngáng chân chính sách sách mới; nội bộ đấu đá, rò rỉ thông tin ra bên ngoài.

Hàng loạt vị trí mới bổ nhiệm phải từ nhiệm hoặc thay thế; số đông viên chức cốt cán Bộ Ngoại giao xin nghỉ hoặc từ bỏ nhiệm sở... Quan điểm tổng thống về đối nội, đối ngoại chưa rõ ràng; bộ khung điều hành chính phủ chưa hoàn thiện nên chính sách đối với các đồng minh trụ cột Hoa Kỳ và Nam Mỹ, EU, châu Á - Đông Nam Á, châu Phi - Trung Đông... cũng chưa định hình, có phần mơ hồ và không chắc chắn.

Giới phân tích nhận định những ngày khởi đầu sóng gió của chính quyền mới là một bước thụt lùi đối với Hoa Kỳ và bản thân ông Trump - người tự quảng bá mình “là người duy nhất có năng lực chấn chỉnh những vấn đề của đất nước”. Dù vậy, chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, chính D. Trump tỏ vẻ thất vọng, nhận ra rằng việc điều hành chính phủ không dễ dàng như quản lý doanh nghiệp. Những người thân cận còn bày tỏ “Trump không đủ năng lực thẩm định chi tiết và độ tinh tế cần thiết để xử lý các vấn đề nhạy cảm”.

Tờ Politico phản ánh trong các bài phỏng vấn còn cho biết “các hoạt động bên trong Nhà Trắng chưa được phân công rõ ràng, tinh thần làm việc mệt mỏi; không khí trở nên căng thẳng vì tổng thống có xu hướng quản lý chi tiết, khi thất vọng hay đổ lỗi các trợ lý...”.

Không hẳn bản lĩnh và thông tuệ

Vậy Trump là ai, vị tỷ phú này làm ăn ra sao khi là một doanh nhân? Để hiểu rõ tính cách vị này cần tra ngược lịch sử cá nhân Trump. Về mặt tài chính đến nay có nhiều vấn đề vẫn chưa rõ ràng. Bản báo cáo tài chính theo công bố của Trump là 7-8 tỷ USD, nhưng năm 2015 Forbes định giá khoảng 4 tỷ USD, trong khi đó Bloomberg xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nộp cho Hội đồng bầu cử Liên bang ước tính chỉ 2,9 tỷ USD. Sau đó khi Trump trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, Ủy ban Điều phối bầu cử công bố số liệu mới, cho biết tài sản của Trump chỉ 1,4 tỷ USD.

Trong sự nghiệp kinh doanh đa dạng và đầy biến cố của mình đã có 4 doanh nghiệp của Trump phải đệ đơn xin phá sản do quá nhiều nợ nần, mất khả năng chi trả hoặc vướng vào các vụ kiện tụng. Trump Tower - cao ốc phức hợp 58 tầng ở New York, là sở hữu và niềm tự hào của Trump, khi xây dựng tòa nhà này (1980), Trump bị kiện vì phá hủy bức phù điêu quý giá trên mặt tiền của tòa nhà cũ, mà lẽ ra ông phải chuyển giao cho Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan như đã cam kết.

Trump còn bị kiện do sử dụng 200 lao động nhập cư trái phép trong quá trình xây dựng và họ chỉ được trả 4-5USD/giờ, phải làm việc 12 tiếng/ca... Lúc đó, ông khai nhận hiếm khi có mặt tại công trường và không biết gì về lực lượng lao động trái phép. Vụ kiện kéo dài đến năm 1999 thì được dàn xếp, kết quả phán quyết được giữ kín!

Điều trớ trêu là trong cuộc chạy đua cho chức tổng thống vừa qua, D. Trump đã “đánh” mạnh vào tâm lý cử tri tầng lớp thấp, những người bất mãn vì mất việc làm, thu nhập thấp và những thay đổi gây bất bình trong xã hội. Trump sử dụng người nhập cư bất hợp pháp nhưng lại phản đối đối tượng này, cho rằng làm mất việc của người dân Hoa Kỳ?

Hiện nay Hoa Kỳ dựa phần lớn lao động nhập cư trong các ngành nông nghiệp, vận tải, kho bãi, kỹ thuật nặng nhọc... vì người dân bản xứ không chọn lựa các công việc "cơ bắp" này, chủ lao động còn được trả giá bèo. Nguyên tắc cốt lõi chủ nghĩa tư bản là bành trướng tranh giành thị trường, động cơ là lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với mọi thủ đoạn để giành phần lợi cho mình, hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất để cạnh tranh, bằng cách giảm chi phí lao động, sử dụng lao động không chính thức...

Thực tế doanh nhân Trump cũng vậy. Các nhà nghiên cứu còn mô tả các khuynh hướng chính trị và quan điểm của ông đôi khi đối lập lẫn nhau, không nhất quán. Tạp chí nổi tiếng Time đã bình chọn Trump là nhân vật của năm 2016.

Điều trớ trêu, có phải là việc chơi khăm hay không, bên cạnh hình của ông, Time chơi chữ khi viết tiêu đề: "Donald Trump - President of the Divided States of America" mà không phải là President of the United States of America. United có nghĩa là liên hiệp, thống nhất, đoàn kết; còn divided là phân hóa, chia rẽ. Vậy phải chăng D. Trump là vị tổng thống gây chia rẽ Hoa Kỳ?

***

“Hoa Kỳ vĩ đại” là một danh xưng có từ lâu khi nước này tạo được quyền lực mềm làm thế giới ngưỡng vọng. Điều này xuất phát từ việc chia sẻ quyền bình đẳng dân tộc, tự do tôn giáo, quyền biểu đạt của mọi người. Hoa Kỳ giàu có nhưng trước nay rộng lòng mở rộng và cổ vũ tự do thương mại, gián tiếp lôi kéo các nước kém phát triển tiến lên, cùng thịnh vượng. “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” là điều mọi người mong muốn, tạo nên chiến thắng của D. Trump. Tuy nhiên, hiện giờ một câu hỏi cần giải đáp vẫn chưa rõ ràng: Hoa Kỳ vĩ đại trở lại theo cách nào?

Tiếp tục kiện sắc lệnh cấm nhập cảnh mới

Ngày 6-3, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp mới, cấm công dân từ 6 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày và 120 ngày đối với người tị nạn. Sắc lệnh mới không áp dụng đối với người đã có “thẻ xanh” và thị thực hợp pháp, xóa Iraq ra khỏi danh sách. Nhiều thẩm phán cho rằng “phiên bản sửa đổi này” cũng không khác gì trước, vẫn còn các lỗ hổng pháp lý và là “một lệnh tiếp tục cấm người Hồi giáo”.

Ngay sau bang Hawaii kiện sắc lệnh mới, tiếp tục các bang Washington, Massachusetts, New York, Oregon... cũng xác nhận tham gia vụ kiện. Trong đơn kiện, Hawaii cho rằng các trường đại học của bang này chịu ảnh hưởng nặng nề từ sắc lệnh cấm nhập cảnh, khó tuyển sinh viên và giảng viên nước ngoài. Hawaii cho biết ngành kinh tế chủ chốt của bang là du lịch, sắc lệnh cấm nhập cảnh đã làm ngành du lịch suy giảm trầm trọng.

Các tin khác