FLC, ROS và tỷ phú USD (K1): Tiếp nối nhiều sai phạm

(ĐTTCO) -  Cuộc rượt đuổi soán ngôi vị người giàu nhất TTCK chưa lúc nào kịch tính như năm 2016, khi Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được thăng hạng chóng mặt. Suốt 5 năm núp bóng các đại gia khác, nhưng chỉ vài tháng sau khi CTCP Xây dựng FLC Faros (với mã CP ROS) niêm yết, Chủ tịch FLC đã nhảy lên vị trí thứ nhất. Cách thức đi đường tắt để trở thành tỷ phú USD liệu có thể được công thức hóa, trở thành cây đũa thần cho bất kỳ đại gia nào?

(ĐTTCO) -  Cuộc rượt đuổi soán ngôi vị người giàu nhất TTCK chưa lúc nào kịch tính như năm 2016, khi Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được thăng hạng chóng mặt. Suốt 5 năm núp bóng các đại gia khác, nhưng chỉ vài tháng sau khi CTCP Xây dựng FLC Faros (với mã CP ROS) niêm yết, Chủ tịch FLC đã nhảy lên vị trí thứ nhất. Cách thức đi đường tắt để trở thành tỷ phú USD liệu có thể được công thức hóa, trở thành cây đũa thần cho bất kỳ đại gia nào?

Sở hữu hàng chục dự án bất động sản (BĐS) lớn, dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô đầu tư hàng ngàn tỷ đồng trải dài từ Bắc vào Nam, nhưng đi kèm với đó, Tập đoàn FLC cũng gắn với nhiều tai tiếng khi gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân các địa phương bị thu hồi đất để phát triển các siêu dự án. Hàng loạt dự án nhà cao tầng của FLC ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng gây rùm beng khi xây dựng không phép.

Những dự án BĐS khủng liên tục bị khiếu nại 

Từ những lùm xùm trong triển khai các siêu dự án BĐS nghỉ dưỡng ven biển, đến sự phớt lờ các quy định pháp luật về trật tự xây dựng khi triển khai các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội, cho thấy phải chăng cung cách phát triển dự án của FLC có ai chống lưng? Những bê bối trong quá trình thực hiện dự án dường như không ảnh hưởng quyết tâm của tập đoàn này. Rõ ràng các dự án BĐS tận dụng tối đa lợi thế địa tô để quên đi lợi ích bền vững của người dân địa phương, sẽ dẫn đến mâu thuẫn lợi ích và mầm mống cho những khiếu kiện.

Tiền thân của Tập đoàn FLC là Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú Fortune, sau đó mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực, đặc biệt là BĐS. Năm 2010, FLC chính thức ra đời với nhiều lĩnh vực kinh doanh như BĐS, sân tập golf, khai thác chế biến khoáng sản, đầu tư tài chính, cung ứng vật liệu xây dựng, tư vấn pháp lý, truyền thông… Và đến nay, tập đoàn này có 9 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

 Dù hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nhưng đầu tư tài chính và đầu tư BĐS, đặc biệt BĐS nghỉ dưỡng là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận khổng lồ cho FLC. Riêng với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, FLC được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu với các tổ hợp dự án nghỉ dưỡng và sân golf quy mô nhiều ngàn tỷ đồng, như FLC Sầm Sơn, tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng, quy mô hơn 200ha; FLC Vĩnh Thịnh 600 tỷ đồng, quy mô 7,4ha; FLC Quy Nhơn 7.000 tỷ đồng, rộng 1.300ha; FLC Đồ Sơn 5.300 tỷ đồng, rộng hơn 500ha; FLC Hạ Long 3.400 tỷ đồng, 224ha; FLC Quảng Bình 3.000 tỷ đồng, 1.900ha.

Đi cùng mức độ hoành tráng của những dự án ngàn tỷ đồng, FLC cũng gắn với những khiếu nại liên tục liên quan đến thu hồi, triển khai dự án. Trong 6 quần thể BĐS du lịch nghỉ dưỡng do FLC đầu tư, ngoại trừ FLC Vĩnh Thịnh có quy mô đầu tư nhỏ, không bám mặt biển, 5 dự án còn lại đều tận dụng tối đa ưu thế bờ biển đẹp, gắn với những bãi biển nổi tiếng nhằm khai thác tối đa lợi thế để thu lại lợi nhuận.

Tổng diện tích đất của 5 dự án FLC triển khai tại 5 tỉnh ven biển lên tới 4.124 ha đất, phần lớn diện tích lấy từ đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, rừng phòng hộ... Kéo theo đó là phản ứng của người dân xung quanh việc đền bù. Tại dự án FLC Vĩnh Thịnh, FLC bị người dân thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tố tước đoạt sinh kế của họ, khi resort của tập đoàn này mọc lên giữa cánh đồng canh tác của người dân.

Hay khi thực hiện thu hồi hơn 200ha đất để xây dựng khu resort và sân golf tại dự án FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), người dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn tố dự án cướp đi sinh kế của họ khi hàng trăm ha đất thủy sản chuyển thành đất dự án với giá đền bù rẻ mạt…

Đỉnh điểm những lùm xùm về đất đai là tại dự án FLC Quảng Bình. Tháng 4-2016, khi FLC tiến hành khởi công dự án, hàng trăm người dân xã Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy đã kéo đến phản đối vì những lo ngại không còn kế sinh nhai khi hàng ngàn ha đất chăn nuôi, nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện 10 dự án sân golf và khu resort. Người dân mất đất cũng lo ngại FLC không thực hiện cam kết tuyển dụng lao động địa phương và người dân không còn đường đi khi dự án hoàn thành...

Hay vào tháng 8-2016, khi ông Quyết cho thi công dự án FLC Hạ Long, người dân sống cạnh dự án rất bức xúc bởi lũ bùn tràn vào nhà mỗi khi trời mưa lớn. Nguyên nhân do trong quá trình thi công, dự án đã phá bỏ khoảng 100ha đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Dự án FLC Quy Nhơn cũng gặp sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương khi chặn đường ra biển của hàng trăm ngư dân.

Khu FLC Resort Samson nằm bên bờ biển tuyệt đẹp, nhưng khi xây dựng đã bị người dân liên tục khiếu nại vì giá đền bù rẻ mạt.

Khu FLC Resort Samson nằm bên bờ biển tuyệt đẹp,
nhưng khi xây dựng đã bị người dân liên tục khiếu nại vì giá đền bù rẻ mạt.

Xây dựng không phép

Trong nhiều năm qua, nói đến FLC dư luận dường như đã quen với tình trạng xây nhà không phép ở hàng loạt dự án do tập đoàn này và các công ty con, công ty liên kết triển khai, thậm chí ngang nhiên bán nhà cho người mua nhưng chưa được cấp phép xây dựng. Trên địa bàn Hà Nội, có thể kể đến hàng loạt dự án xây dựng không phép ở nhiều thời điểm khác nhau.

Năm 2015, tập đoàn này triển khai xây dựng tổ hợp chung cư cao tầng FLC Complex 36 Phạm Hùng khi chưa được cấp phép xây dựng, đã bị UBND quận Nam Từ Liêm xử phạt hành vi này ở khung cao nhất 50 triệu đồng. Đến năm 2016, tập đoàn này lại tiếp tục bị Đội Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm xử phạt 50 triệu đồng vì triển khai xây dựng FLC Green Home 18A Phạm Hùng không phép. Đáng lưu ý, tại dự án FLC Garden City, dù chưa được cấp phép xây dựng công trình nhà cao tầng HH01, nhưng tập đoàn này đã thi công được gần 20 tầng của tòa nhà.

Đơn vị thi công tòa nhà này không ai khác là CTCP Xây dựng Faros - một công ty con của FLC. Đây là tòa nhà được phê duyệt là nhà ở xã hội thuộc dự án FLC Garden City, nhưng tập đoàn này đã tự ý thay đổi mục đích sử dụng. Thậm chí, FLC còn ký với các sàn BĐS để rao bán căn hộ thương mại khi chưa được sự đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng của các cơ quan chức năng.

Việc vi phạm quy định về trật tự xây dựng tại dự án FLC Garden City đã tái diễn nhiều lần, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không khắc phục sai phạm. Hồi tháng 1-2016, UBND quận Nam Từ Liêm cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, xử phạt chủ đầu tư dự án này 50 triệu đồng và giao phường Đại Mỗ tuyên truyền, vận động chủ đầu tư xin phép xây dựng, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế, xử lý vi phạm trong trường hợp không xin phép xây dựng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không khắc phục sai phạm. Đến tháng 7-2016, Đội Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm đối với tòa nhà HH01 khi đang xây dựng đến tầng 9.

(Còn tiếp)

Các tin khác