Bóng ma khủng bố bao trùm (K2): Đe dọa phương Tây

(ĐTTCO) - Trong 15 năm (2000-2014) đã diễn ra nhiều vụ tấn công khủng bố quy mô lớn và có tính hủy hoại cao ở các nước phương Tây. Trong đó lớn nhất là vụ tấn công ngày 11-9-2001 tại Hoa Kỳ làm chết 2.996 người, kế đó là vụ đánh bom ở Madrid (Tây Ban Nha) giết chết 191 người, vụ xả súng ở Na Uy làm chết 77 người và đánh bom ở London làm chết 56 người.

(ĐTTCO) - Trong 15 năm (2000-2014) đã diễn ra nhiều vụ tấn công khủng bố quy mô lớn và có tính hủy hoại cao ở các nước phương Tây. Trong đó lớn nhất là vụ tấn công ngày 11-9-2001 tại Hoa Kỳ làm chết 2.996 người, kế đó là vụ đánh bom ở Madrid (Tây Ban Nha) giết chết 191 người, vụ xả súng ở Na Uy làm chết 77 người và đánh bom ở London làm chết 56 người.

Mục tiêu của khủng bố

Trong 2 thập niên qua, phương Tây đã bị các tổ chức khủng bố ở Afghanistan hoặc Iraq và một số nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi nhắm đến. Trước đây, nguy cơ lớn nhất được cho từ al-Qaeda và các chi nhánh. Tuy nhiên, gần đây IS đã qua mặt al-Qaeda trở thành mối đe dọa lớn nhất cho phương Tây, đặc biệt sau khi người phát ngôn của IS kêu gọi những người ủng hộ tiến hành tấn công ở các nước phương Tây vào ngày 22-9-2014. Trước khi IS lên tiếng kêu gọi, không có vụ tấn công nào ở phương Tây lấy cảm hứng từ IS. Tuy nhiên, sau khi lời kêu gọi được đưa ra, trong vòng 10 tháng có 21 vụ tấn công, giết chết 15 người. Vì vậy, giới quan sát cho rằng các vụ tấn công ở phương Tây chịu ảnh hưởng từ lời kêu gọi của IS.

Trong 15 năm từ 2000-2014, có 3.659 người chết vì khủng bố ở các nước phương Tây. 4 vụ tấn công nói trên chiếm tới 91% số người chết vì khủng bố ở phương Tây trong giai đoạn này. Dù các vụ tấn công ở phương Tây chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với toàn cầu trong 15 năm qua, 4,4% về số vụ tấn công và 2,6% về số người chết, nhưng những vụ tấn công này gây hoảng sợ trên diện rộng và bị các công dân phương Tây xem là lỗ hổng an ninh nghiêm trọng của các chính phủ. Năm 2014, trong số các nước phương Tây, Hoa Kỳ có nhiều người chết vì khủng bố nhất, với 18 người. 82% các vụ tấn công chết người ở Hoa Kỳ liên quan đến các loại súng cầm tay và kẻ thủ ác là công dân Hoa Kỳ. Trong 19 vụ tấn công ở Hoa Kỳ năm 2014, có đến 14 vụ do các cá nhân thực hiện. Những vụ tấn công này chủ yếu do ảnh hưởng tư tưởng cực hữu hoặc phân biệt chủng tộc. Khảo sát trên các cơ quan hành pháp ở Hoa Kỳ cho thấy các phần tử thánh chiến đã được thay bằng các nhóm chống chính phủ trở thành mối đe dọa lớn nhất, trong đó, nhóm Sovereign Citizens được xem là nguy hiểm nhất. Sovereign Citizens là một tổ chức chống chính phủ có nhiều kết nối thông qua internet. Tổ chức này tin rằng chính phủ và công chức đều không có quyền hợp pháp.

Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 là vụ tấn công chết chóc nhất ở phương Tây trong hơn 15 năm qua.
Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 là vụ tấn công chết chóc nhất ở phương Tây trong hơn 15 năm qua.

Những con sói đơn độc

Phần lớn các cuộc tấn công khủng bố ở phương Tây không do các tổ chức quốc tế thực hiện. Thay vào đó, các mối đe dọa khủng bố ở phương Tây chủ yếu xuất phát từ “những con sói đơn độc”. Sói đơn độc chỉ 1 hoặc vài cá nhân (không quá 3 người) cùng thực hiện một cuộc tấn công dưới sự hỗ trợ của một nhóm, một phong trào, hay một hệ tư tưởng và không có sự hỗ trợ về tài vật hoặc mệnh lệnh trực tiếp từ nhóm đó. Thí dụ, vụ tấn công ở Nice ngày 14-7 vừa qua có thể coi là vụ khủng bố sói đơn độc, khi chỉ có một phần tử khủng bố thực hiện hành vi thảm sát. Những cuộc tấn công theo kiểu sói đơn độc này chiếm 70% các trường hợp tử vong vì khủng bố ở phương Tây từ 2006-2014. GTI cho biết có 100 vụ khủng bố theo kiểu sói đơn độc ở phương Tây từ 2006-2014, khiến 164 người chết và 491 người bị thương. Những con số này chiếm 70% người chết và 46% người bị thương do khủng bố trong cùng kỳ.

Top 5 nhóm khủng bố hủy diệt

Boko Haram trở thành tổ chức khủng bố chết chóc nhất thế giới sau khi số người bị chúng giết năm 2014 nhiều hơn năm 2013 tới 5.049 người, con số này của IS là 4.672 người. Taliban, nhóm giết người nhiều nhất năm 2013, rớt xuống vị trí thứ 3 năm 2014 dù giết tới 1.121 người. Tổ chức chết chóc thứ 4 năm 2014 là Fulani. Nhóm này chưa từng xuất hiện trong danh sách các nhóm khủng bố chết chóc trước đó. Xếp thứ 5 là al-Shabaab, nhóm từng có mặt trong danh sách này năm 2013.

Hầu như không có sự liên quan giữa số vụ tấn công kiểu sói đơn độc và số người chết. Hoa Kỳ là nơi có nhiều nhất cuộc tấn công sói đơn độc nhất, với 42 vụ, khiến 52 người chết, xếp thứ 2 về số người chết. Trong khi đó, Anh xếp thứ 2 về số vụ tấn công sói đơn độc với 20 vụ, nhưng chỉ có 2 người chết. Na Uy có số người chết vì sói đơn độc cao nhất, nhưng chỉ có 3 vụ tấn công. Điều này cho thấy sói khủng bố bao gồm nhiều thành phần với động cơ, mục đích khác nhau. Như vậy, khó có thể xác định tình trạng khủng bố tại một quốc gia chỉ bằng cách đánh giá các vụ tấn công khủng bố sói đơn độc. Dữ liệu chỉ cho thấy một số nước có tần suất tấn công khủng bố sói đơn độc cao hơn các nước khác. Dữ liệu cũng cho thấy các cuộc tấn công sói đơn độc ở các nước phương Tây không hoàn toàn lấy cảm hứng từ các lời kêu gọi thánh chiến quốc tế của al-Qaeda và IS. Từ năm 2006-2014, 3 vụ tấn công sói đơn độc lớn nhất ở phương Tây xảy ra tại 3 quốc gia khác nhau là Na Uy (năm 2011, 77 người chết), Hoa Kỳ (năm 2009, 13 người chết) và Hà Lan (2009, 12 người chết). Cả 3 vụ tấn công này đều không bắt nguồn từ al-Qaeda hoặc IS, nhưng được phân loại là hành động khủng bố tại chỗ.

Tỵ nạn và khủng bố

Đa số các vụ tấn công đơn độc ở phương Tây có mục tiêu chính trị. Theo đó, từ 2006-2014 có 37 vụ tấn công vì mục tiêu chính trị, khiến 110 người chết và 135 người bị thương. Trong đó, các vụ tấn công vì tư tưởng chính trị cực đoan gây ra nhiều cái chết nhất, với 87 người chết trong tổng số 164 người chết trong các vụ tấn công đơn độc. Vụ tấn công diễn ra tại Na Uy vào năm 2011 là vụ tấn công vì tư tưởng cực đoan chính trị gây chết chóc nhiều nhất. Khi đó,  phần cực hữu Anders Breivik tiến hành 2 vụ tấn công trong cùng 1 ngày, giết chết 77 người tham gia hội trại của một đảng phái chính trị. Hoa Kỳ là nơi có nhiều vụ tấn công đơn độc vì động cơ chính trị nhất, với 21 vụ tấn công riêng rẽ, làm 13 người chết. Các quan điểm chính trị cực đoan cũng thịnh hành trong các vụ tấn công ở Hoa Kỳ, chẳng hạn nhằm mang lại một cuộc cách mạng chính trị, cổ súy những phong trào vô chính phủ, chống hôn nhân đồng tính và phá thai... Hoa Kỳ cũng là nơi có các vụ tấn công đơn độc của các phần tử Hồi giáo nhiều nhất, với 12 vụ, giết chết 19 người và làm bị thương 308 người.

Có 11 quốc gia đã có hơn 500 người chết vì khủng bố trong năm 2014. Ngoài Cameroon, tất cả những nước đó đều có người tỵ nạn và người vô gia cư cao nhất thế giới. Khoảng 60 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn khỏi chiến tranh và xung đột, khủng bố chính trị và các hình thức bạo lực khác ngoài chủ nghĩa khủng bố. Nhiều người châu Âu lo ngại gia tăng khủng bố cùng với dòng người tỵ nạn. Có bằng chứng cho thấy các trại tỵ nạn và các điều kiện đói nghèo, bất an và dễ bị tổn thương của người tỵ nạn có thể là môi trường cho chủ nghĩa khủng bố phát triển. Đức là quốc gia có lượng người tỵ nạn lớn thứ hai châu Âu, đã không có một người nào chết vì khủng bố kể từ năm 2007-2014. Tuy nhiên mới đây, ngày 19-7, một thiếu niên tỵ nạn 17 tuổi người Afghanistan đã dùng búa tấn công những hành khách trên xe lửa ở Bavaria, Đức khiến quan ngại gia tăng.

(Còn tiếp)

Các tin khác