Chợ đen nội tạng người (K1): Bùng nổ

(ĐTTCO) - Ngày 4-7, cảnh sát Italia cho biết vừa triệt phá đường dây gồm 38 tên buôn người, chuyên bán di dân cho các “lò mổ người” để thu hoạch nội tạng, với mức giá bình quân 15.000USD/người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tin tức ghê rợn này hé lộ một phần ánh sáng về thị trường chợ đen nội tạng người trên toàn cầu, nơi nguồn cung luôn thiếu hụt.

(ĐTTCO) - Ngày 4-7, cảnh sát Italia cho biết vừa triệt phá đường dây gồm 38 tên buôn người, chuyên bán di dân cho các “lò mổ người” để thu hoạch nội tạng, với mức giá bình quân 15.000USD/người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tin tức ghê rợn này hé lộ một phần ánh sáng về thị trường chợ đen nội tạng người trên toàn cầu, nơi nguồn cung luôn thiếu hụt.

Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong năm 2010, có 106.879 ca cấy ghép nội tạng diễn ra ở 95 nước, cả hợp pháp và phi pháp, trong đó 73.179 ca ghép thận (chiếm 68,5%). Nhưng tổng các ca cấy ghép đó chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu toàn cầu. Chính sự thiếu hụt này làm thổi bùng hoạt động mua bán nội tạng trái phép.

Nhu cầu quá lớn

Theo số liệu của Bộ Y tế Hoa Kỳ, cứ mỗi 10 phút trôi qua lại có thêm 1 bệnh nhân cần ghép tạng. Tính đến tháng 10-2015, danh sách này đã lên hơn 122.000 người, trong đó có tới 100.402 người đang chờ được ghép thận. Tuy nhiên, trong cả năm 2015, chỉ có 30.970 ca ghép tạng (hợp pháp) được thực hiện.

Ở châu Âu, ước tính hơn 40.000 bệnh nhân đang chờ được ghép tạng. Riêng tại Anh, tính đến năm 2008 có hơn 7.600 người chờ được ghép tạng. Trong năm 2007, có tới 3.235 ca ghép tạng được tiến hành, nhưng cũng có gần 500 bệnh nhân qua đời vì không được ghép tạng.

Bình quân, những bệnh nhân phải chờ 3 năm rưỡi để được ghép tạng, đáng buồn là nhiều người không chờ được thời gian lâu như vậy. Vì thế, cứ mỗi ngày lại có thêm khoảng 30 người trong danh sách chờ ghép tạng ở Hoa Kỳ qua đời. Theo WHO, Hoa Kỳ là một trong nhiều nước nhập khẩu tạng, các bệnh nhân có thể đăng ký các gói ghép tạng với chi phí từ 70USD đến hơn 160.000USD.

Một điều tra của tờ báo USA Today năm 2006 cho biết do chênh lệch giữa cung và cầu quá lớn, thu hoạch nội tạng bất hợp pháp trở thành một nghề rất béo bở ở Hoa Kỳ. Theo đó, từ năm 1987-2006, hơn 16.800 gia đình theo đuổi các vụ kiện về việc các phần cơ thể người thân của họ bị bán trên thị trường chợ đen với giá ước tính 6 triệu USD. Con số này dựa trên các số liệu từ các nhà điều tra liên bang và địa phương, các tổ chức công và trường y khoa. Gần đây, tay môi giới thận tên Levy Rosenbaum bị kết án tù 2 năm rưỡi tại Hoa Kỳ vì buôn bán thận bất hợp pháp. Theo FBI, Rosenbaum đã dụ dỗ những người Israel nghèo bán thận với giá 10.000USD/quả, sau đó bán lại với giá trên 120.000USD/quả. Rosenbaum tiết lộ hắn thường dàn xếp cho rất nhiều ca ghép tạng và bán lại cho Bệnh viện Einstein Medical Center and Hospital.

Lan rộng từ Đông sang Tây

Tại những nước nơi người nghèo còn phổ biến như Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan, việc buôn bán nội tạng khá phổ biến. Tờ Global Post kể câu chuyện về một người Bangladesh tên Mehdi Hasan được một tay môi giới nội tạng chợ đen hứa trả 300.000 taka (4.000USD) cho 60% lá gan của mình. Sau cuộc giải phẫu 10 giờ, Hasan thấy mình bị bỏ rơi trong một bệnh viện. Tên môi giới đã bỏ đi mà chẳng hề trả cho anh một đồng nào. Câu chuyện của Hasan là điển hình cho những người nghèo ở Bangladesh, thường tìm đến các đường dây mua bán nội tạng phi pháp như một giải pháp cuối cùng vì quá túng quẫn.

Việc bán nội tạng không chỉ phổ biến ở các nước châu Á và Trung Đông, mà đã lan sang các nước châu Âu. Theo một bài viết trên tờ New York Times năm 2012, khủng hoảng tài chính đã đẩy nhiều người vào cảnh túng quẫn, và một số tìm cách bán thận, phổi, tủy xương hoặc giác mạc như một giải pháp. Tại Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Nga, nhiều người rao bán các cơ quan nội tạng trên internet, với giá chào bán phổi lên tới 250.000USD. Vào cuối tháng 5-2012, cảnh sát Israel bắt giữ 10 thành viên của một nhóm tội phạm quốc tế bị nghi ngờ buôn bán nội tạng ở châu Âu. Các quan chức cho biết các nghi phạm nhắm vào những người nghèo khổ ở Moldova, Kazakhstan, Nga, Ukraine và Belarus. "Buôn bán nội tạng là một ngành công nghiệp đang bùng nổ" - Jonathan Ratel, một công tố viên của EU, nói. Ông đang xử vụ án chống lại 7 người bị cáo buộc dụ dỗ nạn nhân nghèo từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Đông Âu đến Kosovo để bán thận, với lời hứa trả cho mỗi người 20.000USD. Theo WHO, bọn buôn lậu trên thế giới mỗi năm bán được tới 7.000 quả thận, thu về khoảng 112 triệu USD.

Trong vụ việc ở Italia, cảnh sát cho biết đường dây buôn người hoạt động ở Sicily, nơi những di dân từ châu Phi hoặc Trung Đông thường đặt chân đến đầu tiên. Đầu tiên, những di dân không đủ tiền để trả tiếp cho chặng đường di cư tiếp theo của họ sẽ bị bọn buôn người giam lại. Sau đó, chúng sẽ liên hệ với một tổ chức tội phạm người Ai Cập chuyên giết người để mổ cướp nội tạng, với giá bình quân 15.000USD/người. Nuredin Atta Wehabrebi, một tay buôn người đã hoàn lương, có vai trò chỉ điểm trong vụ án, kể: “Bọn chúng nói những ai không có đủ tiền trả cho các chuyến đi sẽ bị bán cho một số người Ai Cập, những người này sẽ giết họ để lấy nội tạng rồi đem bán lại ở Ai Cập. Tôi thấy những người Ai Cập đi đến với đồ nghề để moi nội tạng và đưa chúng đi trong những túi lạnh”. Sau khi tòa án ở Sicily ký lệnh bắt 38 người trong đường dây, các nhà điều tra cũng bố ráp nơi ở của chúng và thu giữ được nửa triệu EUR tiền mặt.

Các nạn nhân chợ đen nội tạng Pakistan cho thấy vết mổ lấy thận.

Các nạn nhân chợ đen nội tạng Pakistan cho thấy vết mổ lấy thận.

Nhiều thủ đoạn

Bọn buôn lậu nội tạng thường có rất nhiều thủ đoạn để “lấy hàng”. Các nạn nhân có thể bị bắt cóc và bị mổ cướp nội tạng; một số người vì quá túng quẫn nên đồng ý bán nội tạng với mức giá rẻ. Một số trường hợp bọn buôn lậu nội tạng kết hợp với các bệnh viện, đưa ra chẩn đoán rằng nạn nhân cần được mổ. Khi nạn nhân đi mổ, họ bị lấy cắp nội tạng mà không hề hay biết. Có một số nạn nhân thậm chí bị giết chết nếu bên mua đồng ý trả một số tiền lớn. Chợ đen nội tạng hoạt động rất hiệu quả, vì theo ước tính của WHO, mỗi năm có tới 10.000 ca ghép tạng chợ đen, tức mỗi giờ có hơn 1 ca. WHO ước tính các ca ghép tạng chợ đen chiếm 5-10% ca ghép tạng trên toàn thế giới hàng năm và đem về khoản 1,2 tỷ USD cho bọn tội phạm.

Trẻ em, đặc biệt trẻ em trong các gia đình nghèo hoặc trẻ bị khuyết tật, thường là mục tiêu của bọn buôn lậu nội tạng. Chẳng hạn, vào tháng 5-2013, Gurkiren Kaur Loyal, một nữ sinh 8 tuổi người Anh, bị chết ở một bệnh viện tại Ấn Độ. Gia đình Loyal tin rằng em bị giết để thu hoạch nội tạng. Một trường hợp khác cũng diễn ra vào năm 2013, khi 5 người bị kết án buôn lậu nội tạng, thực hiện ít nhất 24 vụ ghép tạng phi pháp tại một trung tâm y khoa ở ngoại ô  Pristina, Kosovo. Lutfi Dervishi, Giám đốc trung tâm, và con trai hắn là Arban, lần lượt bị kết án 8 và 7 năm tù giam. Theo cáo trạng, những người này hứa sẽ trả cho các nạn nhân 12.500 bảng Anh mỗi quả thận, nhưng thường là không trả một xu nào. Trong khi đó, những quả thận đó được họ đem bán trên thị trường chợ đen với giá lên tới 84.000 bảng.

(còn tiếp) 

Các tin khác