Những ông trùm bẻ lái chính sách (K1): 120 triệu EUR/năm

(ĐTTCO) - Các ngành tài chính ở Vương quốc Anh từ lâu được biết đến cực kỳ mạnh mẽ và có ảnh hưởng rất lớn tới các quyết sách ở cả London và Brussels. Họ bao gồm các nhà bán lẻ, ngân hàng, quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm và các hiệp hội thương mại..., thường được gọi chung là “City”. Lực lượng này có các công ty trong nước, nhưng chủ yếu là những công ty từ Hoa Kỳ, sử dụng London như một “căn cứ” quan trọng ở châu Âu.

(ĐTTCO) - Các ngành tài chính ở Vương quốc Anh từ lâu được biết đến cực kỳ mạnh mẽ và có ảnh hưởng rất lớn tới các quyết sách ở cả London và Brussels. Họ bao gồm các nhà bán lẻ, ngân hàng, quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm và các hiệp hội thương mại..., thường được gọi chung là “City”. Lực lượng này có các công ty trong nước, nhưng chủ yếu là những công ty từ Hoa Kỳ, sử dụng London như một “căn cứ” quan trọng ở châu Âu.

Nghiên cứu của các tổ chức quan sát tài chính cho biết mỗi năm các công ty tài chính ở châu Âu chi tới 120 triệu EUR cho hoạt động vận động hành lang (lobby), tác động lên các nhà làm luật của châu Âu hòng khiến họ đưa ra những quyết sách nhẹ nhàng, dễ thở hơn cho các dịch vụ tài chính trong khu vực. Trong đó, riêng các công ty tại Anh mỗi năm chi hơn 34 triệu EUR cho hoạt động lobby.

Phản đối Brexit

Trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số đông người dân Anh muốn nước này rời bỏ EU (Brexit), có một nhóm chủ lưu trong xã hội không bao giờ muốn điều này. Theo khảo sát của Corporate Europe Observatory, ngành tài chính Vương quốc Anh ủng hộ việc ở lại trong EU. Khảo sát thực hiện trên các ông chủ và giám đốc của ngành tài chính ở Anh cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì tư cách thành viên EU, trong đó 94% ủng hộ việc ở lại trong thị trường duy nhất.

Chi tiêu lobby của các nhóm top đầu khá ổn định. Nhóm 50 tổ chức lobby tài chính lớn cho biết chi tiêu tối thiểu 34,22 triệu EUR cho hoạt động lobby năm 2014 (theo số liệu đến tháng 5-2015). Và tính đến tháng 5-2016, hầu hết các tổ chức đã khai báo mức bằng hoặc cao hơn so với tháng 5-2015.

Điều này có thể hơi kỳ lạ, vì trước nay chúng ta vẫn thường nghe London phàn nàn các quy định của EU về dịch vụ tài chính. Nhưng thực tế là ngành tài chính đã giành được nhiều chiến thắng từ rất nhiều cuộc chiến vận động hành lang tại Brussels. Những chiến thắng quan trọng đã đạt được là những quy định về ngân hàng, quỹ đầu tư và các sản phẩm tài chính phức tạp, chẳng hạn sản phẩm đầu tư phái sinh. Trong cuộc tranh luận kéo dài 1 năm qua về quy chế tài chính sau khủng hoảng tài chính 2008, nhiều ý kiến nổi lên về việc tự do hóa thị trường chung, thường ngược lại lợi ích công cộng.

Qua nhiều năm, các nhà vận động hành lang ngành tài chính đã hợp sức để gây tác động tới các quy định về tài chính của EU, thường là với sự dẫn đầu của các nhóm vận động hành lang ở London, bao gồm Hiệp hội Thị trường tài chính châu Âu (AFME), Hiệp hội Quản lý Đầu tư thay thế (AIMA), hoặc TheCityUK. Những nhóm này thường hoạt động tại Brussels và thường theo đuổi những mục tiêu riêng. Thí dụ, AIMA đã thành công trong việc đảm bảo việc tiếp cận các quỹ đầu tư là dễ dàng cho tất cả các quốc gia thành viên EU, và các nhà vận động hành lang ngân hàng đã cố gắng giảm quy mô tỷ lệ vốn bắt buộc được quy định để chống lại sự sụp đổ của các ngân hàng. Tương tự, một số đề xuất đã bị đình trệ một cách hiệu quả, như ý tưởng chia nhỏ các ngân hàng hoặc hạn chế hoạt động đầu cơ của các ngân hàng bằng tiền của chính ngân hàng hoặc tiền gửi.

Biếm họa về “vùng đất hứa” hoạt động lobby ở châu Âu.

Biếm họa về “vùng đất hứa” hoạt động lobby ở châu Âu.

Mạnh tay lobby

Năm 2014, Corporate Europe Observatory, OGB Europabüro và AK EUROPA đã công bố một báo cáo về “hỏa lực” của các dịch vụ vận động tài chính châu Âu. Báo cáo cho thấy trên toàn châu Âu, ngành công nghiệp tài chính đã bỏ ra hơn 120 triệu EUR mỗi năm để vận động hành lang tại Brussels và thuê hơn 1.700 nhà vận động hành lang để gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách ở EU. Lực lượng này bao gồm hơn 700 tổ chức và vượt xa số các tổ chức xã hội dân sự và các liên đoàn lao động. Riêng ở Anh, phân tích của LobbyFacts.eu về 50 tổ chức đại diện khu vực tài chính tư nhân ở Anh cho thấy tổng số chi tiêu được công bố đối với vận động hành lang của họ trong năm gần nhất lên đến 34,22 triệu EUR.

Đây có thể là một đánh giá thấp hơn thực tế, bởi các tổ chức công bố con số trong một khoảng, nhưng các nhà phân tích chỉ lấy con số thấp hơn. Chẳng hạn, khi một tổ chức tuyên bố chi phí vận động hành lang của họ trong năm qua từ 2-4 triệu EUR, các nhà phân tích chỉ ghi là 2 triệu EUR. Ngoài ra, một số tổ chức có thể không đăng ký như nhóm vận động hành lang nên EU không có sẵn dữ liệu về chi tiêu lobby của họ. Một tổ chức như vậy là International Regulatory Strategy Group, chuyên “xác định cơ hội cho cam kết với chính phủ, các nhà quản lý châu Âu và các tổ chức quốc tế để thúc đẩy một khuôn khổ quốc tế tạo điều kiện cho thị trường vốn mở và cạnh tranh trên toàn cầu”.

Nằm ở vị trí cao nhất trong danh sách chi tiêu lobby được khai báo là AFME, với chi tiêu lobby hơn 7 triệu EUR/năm. AFME đại diện cho các ngân hàng châu Âu và toàn cầu lớn nhất, cũng như các công ty hoạt động trong thị trường tài chính bán sỉ. Các hiệp hội khác đại diện cho các lĩnh vực tài chính khác nhau. Hiệp hội Đầu tư (IA), đại diện các giám đốc đầu tư ở Anh, dành 3 triệu EUR để vận động hành lang ở EU; Hiệp hội Hoán đổi và Phái sinh Quốc tế (ISDA) chi 2,75 triệu EUR; TheCityUK, nhà vô địch về các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp ở Anh, dành 2 triệu EUR; Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA) chi 1,75 triệu EUR. Đây là 5 nhóm chi tiêu nhiều nhất cho vận động hành lang EU của lĩnh vực tài chính Anh.

Những tên tuổi lớn

Những tên tuổi khác trong top 12 nhà vận động hành lang tài chính lớn nhất Vương quốc Anh là những tên tuổi nổi tiếng của thế giới tài chính toàn cầu, như: HSBC Holdings (1,75 triệu EUR); Barclays (1,54 triệu EUR); America Merrill Lynch (1,25 triệu EUR); Goldman Sachs (1 triệu EUR); Morgan Stanley (1 triệu EUR); Ngân hàng Hoàng gia Scotland (0,9 triệu EUR); và cuối cùng, Hiệp hội Quản lý Đầu tư Thay thế, chi 0,8 triệu EUR/năm để vận động cho các quyền lợi của ngành công nghiệp quỹ phòng hộ.

Có thể nhiều người thắc mắc tại sao các ngân hàng đầu tư của Hoa Kỳ như Goldman Sachs và Morgan Stanley lại xuất hiện trong nhóm các nhà vận động hành lang ở Anh. Thật ra, do sự năng động của hoạt động lobby tài chính, các ngân hàng Anh như Barclays, Lloyds Banking Group và Ngân hàng Hoàng gia Scotland… đã chia sẻ và phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn tài chính lớn khác đang hiện diện mạnh mẽ ở Anh. Thậm chí Hiệp hội Ngân hàng Anh vẫn bao gồm các thành viên không chỉ từ Vương quốc Anh, mà còn từ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ và Hà Lan… Và AFME, một nhóm vận động lobby tài chính lớn nhất tại Brussels, khởi điểm từ London, với các ngân hàng ở Anh và Hoa Kỳ là những nhân vật chính. Vì vậy, khi lợi ích của “City” được chính phủ Anh trình bày như lợi ích của toàn thể dân tộc, trong thực tế đó chỉ là những lợi ích các nhóm quyền lực trong lĩnh vực tài chính.

 (Còn tiếp)

Các tin khác