TPDN: Thiếu thị trường, tính minh bạch

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khá ảm đạm, chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với trái phiếu chính phủ (TPCP). Tỷ trọng TPDN so với GDP cũng thấp hơn rất nhiều. Trong bối cảnh TPDN èo uột như vậy, liệu Đề án phát triển thị trường TPDN của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) dự kiến ban hành tới đây có cải thiện được tình trạng này?

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khá ảm đạm, chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với trái phiếu chính phủ (TPCP). Tỷ trọng TPDN so với GDP cũng thấp hơn rất nhiều. Trong bối cảnh TPDN èo uột như vậy, liệu Đề án phát triển thị trường TPDN của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) dự kiến ban hành tới đây có cải thiện được tình trạng này?

Phát hành lẻ tẻ

Đầu tháng 6, CTCP Đường Biên Hòa lần đầu tiên phát hành TP không chuyển đổi trị giá 500 tỷ đồng cho NH Phương Đông (OCB), đã hoàn tất giải ngân 100% giá trị vào ngày 27-5. Vốn từ đợt phát hành này được bà Trần Quế Trang, Tổng giám đốc, cho biết sẽ hướng đến mục tiêu chính triển khai chiến lược vùng nguyên liệu giai đoạn 2016-2020. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát triển diện tích canh tác, tăng sản lượng mía tự sản xuất góp phần hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, một phần vốn dùng để tái cấu trúc tài chính nhằm giảm thiểu rủi ro trước những biến động của thị trường.  

Trong lộ trình phát triển thị trường TPDN Việt Nam đến 2020, Bộ Tài chính đặt ra 3 mục tiêu: nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin về phát hành và giao dịch TP; xây dựng đường cong lãi suất TPDN; khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình TP. Những yếu tố này là cần thiết để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển.

Trước đó 1 tháng, vụ phát hành TP nổi trội nhất từ đầu năm cho NH cũng thuộc về lĩnh vực mía đường. CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh đã ký kết phát hành 1.000 tỷ đồng TP cho TPbank và VIB. Trong đó TPbank và VIB đầu tư với giá trị lần lượt 600 tỷ đồng và 400 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Thành Thành Công, việc phát hành thành công 1.000 tỷ đồng TP tạo tiền đề tái cơ cấu nguồn vốn, tăng cường quy mô và ổn định hoạt động cho công ty, đồng thời mở ra thời kỳ hợp tác toàn diện, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tới đối tác khách hàng, gia tăng lợi ích chung, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

 Ngoài 2 đơn vị kể trên, nhiều doanh nghiệp chỉ mới đặt kế hoạch phát hành TP. Chẳng hạn, NHNN cho phép ACB phát hành TP năm 2016 với tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng, nhưng ACB vẫn chưa công bố phương án cụ thể và sử dụng vốn trong đợt phát hành này. CTCP Đầu tư - Phát triển công nghiệp Bảo Thư đang niêm yết trên sàn HNX có kế hoạch phát hành 250 tỷ đồng TP đầu tư khu đô thị Tân Bửu 243ha tại Đồng Nai (có tổng mức đầu tư 3.793 tỷ đồng). CTCP Chứng khoán NH Công thương Việt Nam (VietinbankSC) dự kiến phát hành 500 tỷ đồng TP nhưng mới thành công 1 đợt vào tháng 1-2016 trị giá 30 tỷ đồng. CTCK VNDirect dự tính phát hành 600 tỷ đồng TP không chuyển đổi để có nguồn vốn cho hoạt động mua bán sáp nhập và các hoạt động khác.

Không chỉ phát hành lẻ tẻ, các trường hợp đã phát hành của doanh nghiệp cũng chưa cho thấy mục đích sử dụng vốn một cách rõ ràng. Đối tượng mua TP này chủ yếu là NHTM nên về bản chất vẫn là một dạng tín dụng, không đúng nghĩa là kênh huy động vốn độc lập. Phần lớn TP này sau khi phát hành sẽ không được niêm yết để giao dịch trên thị trường thứ cấp với rất nhiều nhà đầu tư tham gia. Như vậy việc phát hành TP vẫn không có sự tiến bộ so với trước đây. Theo Bộ Tài chính, tổng giá trị TPDN phát hành trong năm 2015 là 42.769 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Trong đó, phát hành lượng TP lớn nhất là Công ty TNHH MTV Masan Consumer Holdings, với tổng giá trị lên tới 9.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn khác như Hoàng Anh Gia Lai 1.000 tỷ đồng, Xây dựng Kinh Bắc (KBC) 1.200 tỷ đồng...

Vì sao ì ạch?

Xét về quy mô, TPDN hiện nay chỉ chiếm khoảng 2,5% GDP, rất nhỏ trong quy mô tín dụng của nền kinh tế. Hầu hết doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp hàng đầu cũng rất ít khi sử dụng TP là kênh huy động vốn, mà chủ yếu thông qua kênh tín dụng. Những TP được giao dịch trên thị trường thứ cấp là TPCP. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến TPDN chưa phát triển do Việt Nam vẫn thiếu thị trường, thiếu các tổ chức hỗ trợ cho thị trường này. Thông thường để phát hành được TP ra công chúng, doanh nghiệp đó phải được định mức tín nhiệm. Việc định mức tín nhiệm này là cần thiết để giúp nhà đầu tư xác định lãi suất kỳ vọng, cũng như tạo lòng tin đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở nước ta việc định mức tín nhiệm chưa được thực hiện phổ biến. Hiện chưa có tổ chức định mức tín nhiệm nào đủ uy tín để tạo ra lòng tin với công chúng, nhà đầu tư. Đối với doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp đã niêm yết cũng sợ minh bạch. Hầu hết thông tin về việc phát hành TP của doanh nghiệp đều thiếu chi tiết và không được công bố rộng rãi. Do vậy, đối tượng mua TPDN chủ yếu là NHTM.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh hiện nay rất khó đòi hỏi một thị trường TPDN phát triển nhanh, lành mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có những chính sách định hướng cho thị trường này phát triển, trở thành một trong những kênh huy động vốn lớn của doanh nghiệp. Ngoài ra, thực tế các cuộc khủng hoảng tài chính đã chứng minh một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tín dụng sẽ dẫn tới nhiều rủi ro. Mới đây, HNX và UBCKNN lấy ý kiến rộng rãi về Đề án phát triển thị trường TPDN trước khi hoàn thiện, đề xuất Bộ Tài chính trong quý II này. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc HNX, sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt, HNX cùng các thành viên thị trường sẽ bắt tay triển khai các giải pháp để đưa thị trường TPDN vào vận hành trong năm 2017.

Tuy nhiên, điều cốt lõi để cho thị trường TPDN phát triển là doanh nghiệp phải minh bạch về tài chính, tình hình kinh doanh và mục đích thật sự của phát hành TP. Hiện nay, không ít  trường hợp doanh nghiệp bắt tay với NH phát hành TP để tái cấu trúc nợ hoặc nhằm điều chuyển vốn cho công ty “sân sau”. Vì thế, các công ty định mức tín nhiệm cho các đợt phát hành TPDN là cần thiết để nâng cao tính minh bạch và có sự đánh giá độc lập, nhằm tăng tính hấp dẫn của thị trường này với nhà đầu tư. Bởi thực tế nhu cầu vốn của các doanh nghiệp không thể mãi cứ dựa vào nguồn vốn NH.

Các tin khác