Sở hữu trí tuệ (B1): Giá trị tài sản vô hình

(ĐTTCO) - Quá trình hội nhập diễn ra càng sâu, rộng thì các vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT) lại càng được quan tâm theo xu thế chung của toàn cầu. Các tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc phát triển và mở rộng quy mô của một DN.

(ĐTTCO) - Quá trình hội nhập diễn ra càng sâu, rộng thì các vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT) lại càng được quan tâm theo xu thế chung của toàn cầu. Các tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc phát triển và mở rộng quy mô của một DN.

Thời điểm 2010, thương hiệu Sông Đà của Tổng Công ty Sông Đà được chia năm xẻ bảy cho các công ty con, như CTCP Sông Đà 9, CTCP Sông Đà 10, CTCP Xi măng Hạ Long, CTCP Thủy điện Cần Đơn… Tuy nhiên, tại các DN khác nhau lại được ghi nhận giá trị vốn góp khác nhau. Vì sao lại có sự khác nhau này, liệu rằng việc dùng thương hiệu để góp vốn theo cách thức “mỗi DN một kiểu” có thật sự ổn? Không chỉ là vấn đề về góp vốn, mà ngay cả vấn đề mua bán, sáp nhập (M&A), vấn đề giá trị của tài sản vô hình trong DN vẫn còn là bài toán với nhiều đáp số khác nhau.

Tài sản vô hình

Khi phân loại tài sản DN theo đặc tính cấu tạo của vật chất, ta có tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Vô hình tức không hiện hữu nhưng lại được gọi là “tài sản”, nên bản thân nó phải mang một giá trị nhất định. Đặc trưng của tài sản vô hình là không tách rời khỏi tài sản hữu hình và chúng chỉ có giá trị khi tương tác với nhau. Theo Ủy ban Tiêu chuẩn Thẩm định giá quốc tế, “Tài sản vô hình là những tài sản thể hiện ra bằng những lợi ích kinh tế, chúng không có cấu tạo vật chất, mà tạo ra những quyền và những ưu thế đối với người sở hữu và thường sinh ra thu nhập cho người sở hữu chúng”.

Đối với các DN vừa và nhỏ cần có chiến lược sử dụng tài sản trí tuệ có thể nâng cao căn bản tính cạnh tranh, phải nhận thức được giá trị của quyền SHTT và bắt đầu nhìn nhận chúng như một tài sản kinh doanh có giá trị.

Vì bản chất là vô hình, nên loại tài sản này khó ghi nhận trong sổ sách kế toán và trong việc định giá. Tuy nhiên, từ trước đến nay, giá trị tài sản vô hình lại đóng một vai trò rất lớn, nhất là trong các thương vụ M&A. Nhà đầu tư thường quan tâm tới sức hút của một thương hiệu khi quyết định mua, bán hay sáp nhập một DN nào đó. Lấy đơn cử giá trị của Big C Việt Nam khoảng 800 triệu đến 1 tỷ USD và đang được “dòm ngó” bởi một tập đoàn Thái Lan. Trong khi phương thức truyền thống cạnh tranh về giá đã dắt các DN đi xuống, thì cạnh tranh về thương hiệu và các tài sản vô hình đã giúp hàng loạt công ty đi lên. Do vậy có thể thấy giá trị tài sản vô hình đang quyết định đến giá trị của DN.

  Quyền SHTT

Trong số các loại tài sản vô hình của DN, quyền SHTT hiện đang mang lại giá trị lớn nhất và chiếm ưu thế nhất. Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các tài sản trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, tên thương mại… Cũng như việc đầu tư vào các lĩnh vực khác, đầu tư phát triển tài sản SHTT cũng có độ rủi ro nhất định. Chẳng hạn như nghiên cứu không thành công, nhãn hiệu không phát triển được, sai chiến lược trong việc quảng bá. Tuy nhiên, giá trị này đặc biệt ở chỗ không bị hao mòn mà ngược lại trong một số trường hợp, có thể ngày càng tăng thêm. Chủ sở hữu quyền SHTT sẽ có quyền định đoạt các tài sản trí tuệ của mình như góp vốn bằng tài sản SHTT, li-xăng quyền SHTT và chuyển nhượng quyền sở hữu.

Luật DN 2014 cho phép nhà đầu tư được quyền góp vốn bằng giá trị quyền SHTT với tư cách là một loại tài sản vô hình để tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh (Điều 35). Theo đó, quyền SHTT được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền SHTT khác theo quy định của pháp luật. Giá trị quyền SHTT phải được định giá và quy đổi thành tiền theo nguyên tắc nhất trí. Trên thực tế đã có nhiều thương vụ góp vốn bằng thương hiệu như Vinashin hay Sông Đà, mặc dù gặp khá nhiều vấn đề trong việc thực hiện.

Li-xăng quyền SHTT là việc chủ sở hữu quyền cấp quyền sử dụng cho người khác (có trả phí hoặc miễn phí) và vẫn giữ quyền sở hữu. Các đối tượng được li-xăng có thể là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu... Li-xăng là hình thức khai thác giá trị quyền SHTT hữu hiệu trong trường hợp chủ sở hữu quyền không có điều kiện thực hiện kinh doanh, hoặc khi người nhận li-xăng cần khai thác công nghệ của chủ sở hữu quyền. Hình thức cấp quyền sử dụng này khá phổ biến và mang lại lợi ích cho cả bên cấp quyền và bên nhận quyền. Còn chuyển nhượng quyền sở hữu là một hình thức mua đứt bán đoạn quyền SHTT, có thể là mua bán có trả phí, cho, tặng hoặc trao đổi. Tuy nhiên, hình thức này cũng tồn tại một số hạn chế như quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

Định giá tài sản SHTT

Trong các trường hợp như M&A, cổ phần hóa, góp vốn, li-xăng hay chuyển nhượng quyền sở hữu… đều buộc DN phải định giá tài sản trí tuệ. Cần phải xác định rõ sự khác nhau giữa giá cả và giá trị của một tài sản SHTT. Việc định giá tài sản SHTT để thực hiện các hoạt động trên nhằm xác định được giá bằng đồng Việt Nam, phục vụ cho các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, góp vốn. Do giá trị của tài sản SHTT là vô hình, không như hàng hóa có thể cân, đo hay xác định được chi phí sản xuất, nên cách thức xác định giá sao cho chuẩn nhất luôn được chú trọng. Tùy thuộc vào mục đích và đối tượng định giá mà có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá khác nhau. Có thể sử dụng phương pháp định giá tiếp cận thu nhập, tính toán giá trị của tài sản trí tuệ dựa trên bản chất của tài sản trí tuệ và được đánh giá trên cơ sở lợi ích kinh tế mà tài sản đó mang lại; hoặc định giá theo phương pháp tiếp cận chi phí và định giá tiếp cận thị trường.

Hiện nay các thương hiệu lớn được định giá thương hiệu để khẳng định chỗ đứng trên thị trường, nên thường dựa vào các tiêu chí như: khả năng làm tăng giá trị sản phẩm của một thương hiệu; mức độ ảnh hưởng đối với quyết định mua của khách hàng; chi phí để xây dựng thương hiệu thành công; giá trị mua bán trên thị trường chứng khoán; và khả năng tạo ra lợi nhuận của thương hiệu.

Các tin khác