Những thành phố đáng sống (K2): Quốc gia hạnh phúc

(ĐTTCO) - Báo cáo của tổ chức Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Trái Đất thuộc trường Đại học Columbia vừa công bố, xếp hạng Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, trong khi đó Hà Lan xếp thứ 7. Các tiêu chí đánh giá được đưa ra nhằm khuyến khích các quốc gia giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và bảo vệ môi trường, không kể sự thịnh vượng của đất nước.

(ĐTTCO) - Báo cáo của tổ chức Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Trái Đất thuộc trường Đại học Columbia vừa công bố, xếp hạng Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, trong khi đó Hà Lan xếp thứ 7. Các tiêu chí đánh giá được đưa ra nhằm khuyến khích các quốc gia giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và bảo vệ môi trường, không kể sự thịnh vượng của đất nước.

Copenhagen: Đô thị cho nhân dân

Có một câu nói nổi tiếng tại Copenhagen: không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không phù hợp. Đó là một thái độ ứng xử thích hợp tại thủ đô Đan Mạch, thành phố vốn chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong phần lớn năm, nhưng nổi bật với khả năng đi bộ. Các cụm xe đạp dựng đầy bên ngoài hầu hết tòa nhà là biểu hiện của chế độ giao thông ưu tiên của thành phố - 50% số chuyến đi đến nơi làm việc hoặc nơi học tập tại Copenhagen là bằng xe đạp. Điều này được thúc đẩy bởi nỗ lực thống nhất của các cơ quan quản lý để thiết kế đô thị thân thiện nhất cho bộ hành và xe đạp. Trong năm 2009, Copenhagen vạch ra tầm nhìn cho cuộc sống đô thị đến năm 2015 với bản tuyên ngôn "Một đô thị cho nhân dân", trong đó bao gồm mục tiêu tăng lưu lượng giao thông bộ hành bằng 20%. Và người Copenhagen hiện nay đi bộ trung bình 15 phút mỗi ngày, so với 10 phút trong năm 2010.

Người dân Copenhagen coi xe đạp là một cách thể hiện cá tính. Họ mặc sức sáng tạo để tạo dấu ấn cá nhân trên chiếc xe của mình. Thí dụ như gắn thêm chỗ ngồi trên xe, thay động cơ để biến nó thành xe chở hàng hoặc xe đẩy di động. Khi tới đây du khách có thể thuê xe hoặc tham gia chương trình mượn xe đạp miễn phí của thành phố.

Morten Kabell, thị trưởng phụ trách các vấn đề kỹ thuật và môi trường, cho biết thành phố đã thành công trong việc thực hiện tầm nhìn đó: "Chúng tôi đã có đủ can đảm để tiếp tục lấy không gian từ xe hơi đưa lại cho mọi người. Nếu muốn mọi người đi bộ nhiều hơn, điều đó phải an toàn và là trải nghiệm tốt đẹp. Chìa khóa để tăng khả năng đi bộ trong một không gian đô thị là đặt tầm quan trọng cho vỉa hè và các thiết kế dành cho người đi bộ ưu tiên hơn cho xe cộ. Có những giải pháp thiết kế nhỏ, chẳng hạn lắp đặt đèn đường treo thay vào các vị trí phải dựng cột đèn, đã giúp tạo không gian đi bộ nhiều nhất có thể. Yếu tố quan trọng khác là tập trung vào ưu tiên cho những người ở các tòa nhà”.

"Chúng tôi muốn mọi người có một cuộc sống thành phố tốt, và khả năng đi bộ đóng một vai trò lớn trong việc làm cho mọi người chậm lại, nói chuyện và nhìn thẳng vào mắt nhau. Với mỗi dự án, chúng tôi nói về cách một tòa nhà có thể trả lại gì cho thành phố, cách chúng ta có thể đưa được mọi người ra khỏi tòa nhà và làm cho họ thành một phần của cộng đồng giữa các tòa nhà" - Tina Saaby Madsen, kiến trúc sư thành phố Copenhagen, nói.

Copenhagen có các làn đường dành riêng xe đạp chiều dài tổng cộng 390km.

Copenhagen có các làn đường dành riêng xe đạp chiều dài tổng cộng 390km.

Phố đi bộ đầu tiên của Copenhagen, Stroget, được khởi lập từ năm 1962 và vẫn là phố đi bộ dài nhất thế giới. Thành phố có các làn đường xe đạp và đường dành riêng xe đạp có chiều dài tổng cộng 390km. Không gian ngoài trời có khắp nơi ở Copenhagen, 96% người dân Copenhagen có thể vào một khu vực giải trí ngoài trời chỉ trong vòng 15 phút đi bộ. Sử dụng năng lượng thân thiện môi trường là một điểm nổi bật ở cả Đan Mạch. Ước tính khoảng 39% tổng lượng điện tiêu thụ của Đan Mạch đã được cung cấp từ gió trong năm 2014.

Biểu tượng nổi tiếng nhất của thành phố Copenhagen nói riêng và đất nước Đan Mạch nói chung chính là The Little Mermail (nàng tiên cá) món quà của Carl Jacobsen (con trai người sáng lập hãng bia Carlsberg) dành tặng. Bức tượng được làm bằng đồng và đá granit, được đặt tại bến tàu Langelinie từ năm 1913. Người tạo ra tác phẩm nổi tiếng này là nhà điêu khắc Edvard Eriksen.

 Rotterdam: Phát triển bền vững

Nếu người Hà Lan tự hào về một Amsterdam với những tòa lâu đài và cung điện lộng lẫy, thì họ cũng rất hãnh diện với một Rotterdam năng động và phát triển với những kiệt tác kiến trúc đặc trưng. Tất cả các thành phố ven biển có một mối quan hệ bấp bênh với thiên nhiên, nhưng thành phố Hà Lan này là một nơi đặc biệt khó khăn. Rotterdam có hải cảng lớn nhất châu Âu, trải trên diện tích hơn 124km2, bến cảng đủ lớn để chứa cả đảo Manhattan của New York.

Thành phố có một nền kinh tế phụ thuộc vào nước, tuy nhiên phải tự bảo vệ khỏi bị ngập lụt. Hệ thống đê ngăn lũ Maeslantkering, hoàn thành vào năm 1997 là một phần trong mạng lưới đê ngăn lũ toàn quốc ở Hà Lan, điều đó đã chứng minh giá trị trong cơn bão vào năm 2007.

Trong năm 2013, Rotterdam chuyển một số hoạt động bến cảng ra biển thông qua dự án mở rộng cảng Maasvlakte 2. Điều này mở ra khả năng thú vị cho thành phố. Kiến trúc sư David Gianotten tại đối tác quốc tế quản lý kiến trúc, quy hoạch đô thị OMA cho biết: "Điều đó tạo ra một giải pháp mới cho những người sống chung với nhau trong thành phố, với ít áp lực từ công nghiệp. Đó là sáng kiến lớn nhất, không chỉ về mặt khí hậu, mà còn về mặt phát triển bền vững xã hội".

Rotterdam có thể thực hiện các thay đổi như vậy, trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng chia sẻ nhiệt toàn khu vực và chương trình phủ xanh mái nhà rộng rãi, vì thành phố có một xã hội dân sự rất gắn kết. "Mạng lưới được tạo ra, duy trì và thắt chặt hơn thông qua các chương trình như vậy. Qua đó các nhà thiết kế, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân trẻ và trí thức cộng tác với chính quyền thành phố" - Maarten Hajer, Giám đốc Cơ quan đánh giá môi trường Hà Lan PBL và là người phụ trách chính sự kiện quốc tế kiến trúc và quy hoạch đô thị International Architecture Biennial Rotterdam 2016, cho biết. Trong khi những thách thức đáng kể vẫn còn trong việc giảm sự phụ thuộc của cảng vào nhiên liệu hóa thạch và tái sinh các tòa nhà hậu chiến không hiệu quả của thành phố, cả Hajer và Gianotten hoan nghênh Thị trưởng Ahmed Aboutaleb với ý chí chính trị của ông, rất tiến bộ trong cách nhìn vào cộng đồng và khuyến khích các sáng kiến. Trong đó, tính bền vững và đặc biệt, quản lý nước đóng một vai trò nổi bật.

Maxwell Young, Giám đốc dự án "100 Resilient Cities" thuộc Quỹ Rockefeller, cho biết: "Rotterdam đã quyết định rằng, thay vì chống nước, thành phố muốn chung sống với nước". Nước bao phủ khoảng 1/3 diện tích 326km2 của thành phố Rotterdam. Có khoảng 32.000 tàu viễn dương và 87.000 tàu nội địa cập cảng Rotterdam mỗi năm. Đến cuối năm 2014, ước tính khoảng 160.000m2 mái nhà trong thành phố đã được phủ xanh.

(Còn tiếp)

Các tin khác