Trốn thuế vẫn phổ biến (K1): Những gương mặt quen

(ĐTTCO) - Dù đã có rất nhiều nỗ lực trên khắp thế giới để chống lại hoạt động trốn/né thuế của các đại gia và đại công ty, nhưng vấn nạn trốn/né thuế vẫn phổ biến và diễn biến ngày càng phức tạp. Có lẽ các chính phủ cần có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết hơn nữa.

(ĐTTCO) - Dù đã có rất nhiều nỗ lực trên khắp thế giới để chống lại hoạt động trốn/né thuế của các đại gia và đại công ty, nhưng vấn nạn trốn/né thuế vẫn phổ biến và diễn biến ngày càng phức tạp. Có lẽ các chính phủ cần có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết hơn nữa.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, đại gia công nghệ Hoa Kỳ Apple lại được chú ý, nhưng không phải nhờ tung ra sản phẩm kỹ thuật cao, mà vì đã trốn thuế với những thủ đoạn tinh vi. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu đại gia này dính líu tới trốn thuế. Và tất nhiên, quả táo không hề đơn độc.

Quả táo lại lên báo

Ngày 30-12, tin cho biết Apple sẽ phải trả cho Tổng cục Thuế Italia số tiền lên tới 318 triệu EUR (477 triệu USD) để hòa giải cáo buộc trốn thuế trong vòng 6 năm. Nhà sản xuất iPhone và iPad cũng sẽ ký một hiệp ước trong năm 2016 về cách quản lý nợ thuế từ năm 2015 trở đi. Các công tố viên Italia đã tiến hành điều tra những cáo buộc về việc Apple không nộp thuế trong giai đoạn từ 2008-2013 bằng cách chuyển lợi nhuận làm ra ở Italia sang công ty con ở Ireland. Cơ quan thuế trước đó xác nhận một bài báo trên tờ La Repubblica rằng họ đã đạt được một thỏa thuận với Apple, nhưng từ chối cho biết đại gia công nghệ Hoa Kỳ sẽ phải trả bao nhiêu tiền. Nguồn tin của Reuters cho biết trong khi việc điều tra vẫn tiến hành, việc đạt thỏa thuận có thể sẽ có tác động tích cực vào cuộc điều tra. Trước đó, Apple nói với Reuters rằng hãng là một trong những công ty đóng thuế lớn nhất thế giới và trả mọi đồng tiền thuế họ kiếm được ở bất cứ nơi nào công ty kinh doanh.

Thỏa thuận với Italia diễn ra trong bối cảnh EU sắp đưa ra phán quyết thuế về các giao dịch của Apple với Ireland. Năm 2014, EU cáo buộc Ireland vi phạm các quy tắc thuế quốc tế khi cho phép Apple chuyển hàng chục tỷ USD lợi nhuận sang nước này để né thuế, hòng đổi lại việc làm cho người lao động trong nước. Phán quyết của EU có thể tác động lớn đến Apple nếu xác định rằng chính sách thuế Dublin là hỗ trợ cấp nhà nước không lành mạnh. Khi đó, Apple có thể bị truy thu thuế lên tới 10 năm. Cùng với Apple, Google và Amazon cũng nằm trong số các công ty đang là mục tiêu điều tra thuế của châu Âu và một số nơi khác.

 Tuyệt chiêu đảo ngược

Cuối năm 2015 cũng là lúc tin tức xôn xao về thương vụ sáp nhập khủng trị giá 160 tỷ USD giữa Pfizer và Allergan. Pfizer, với thị giá gần 200 tỷ USD, sẽ được công ty nhỏ hơn là Allergan mua lại. Công ty này hoạt động ở New Jersey, Hoa Kỳ nhưng về mặt kỹ thuật lại có trụ sở ở Ireland. Điều này sẽ cho phép Pfizer, có trụ sở ở New York, trở thành công ty Ireland. Một khi thương vụ hoàn tất, hầu hết doanh thu của Pfizer (bao gồm cả doanh thu làm ra ở Hoa Kỳ) sẽ được tính theo thuế suất toàn cầu (thường thấp hơn thuế suất của Hoa Kỳ).

Trong những năm qua, hàng chục công ty Hoa Kỳ đã dùng cách thức tương tự, được gọi là “đảo ngược”, để chuyển thành công ty ở Ireland, Anh hay những nước khác nơi có thuế doanh nghiệp thấp hơn Hoa Kỳ. Apple cũng dùng thủ thuật đảo ngược này. Apple giữ 248 tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ công ty Hoa Kỳ nào khác, và sẽ nợ ước tính 59,2 tỷ USD tiền thuế nếu mang số tiền đó trở về Hoa Kỳ, theo một nghiên cứu gần đây của SEC. Tuy nhiên, thương vụ đảo ngược của Pfizer là lớn nhất từ trước đến nay. Các công ty đảo ngược hầu như luôn giữ trụ sở chính và các nhà điều hành hàng đầu tại Hoa Kỳ; họ cũng vẫn niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, nơi họ có thể huy động vốn và được Luật Chứng khoán Hoa Kỳ bảo vệ. Thêm vào đó, các công ty đảo ngược tiếp tục hưởng sự bảo vệ của Luật Bản quyền Hoa Kỳ, cũng như các kết nối của họ với các cơ quan nghiên cứu liên bang - những điều rất quan trọng đến lợi nhuận của 1 công ty dược. Trái ngược với niềm tin phổ biến, những nghiên cứu phát triển mở đường, nhiều rủi ro không phải do các công ty dược phẩm lớn thực hiện, nhưng do một cơ quan hoạt động bằng tiền thuế là Viện Y tế quốc gia (NIH).

Các nhà điều hành Pfizer, cũng như các công ty đảo ngược khác, biện hộ rằng công ty không thể cạnh tranh nếu trả thuế suất lợi nhuận ở mức cao 35% như Hoa Kỳ quy định. Nhưng lý lẽ đó không thuyết phục. Các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ thường xuyên tận dụng việc khấu trừ thuế để giảm thuế suất phải nộp. Việc xây dựng luật và quy định để cấm hoạt động đảo ngược công ty không khó, và hiện có nhiều dự luật ở quốc hội có thể nhanh chóng chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, điều bị thiếu là ý chí chính trị để ngăn cản các nhóm hoạt động vì lợi ích doanh nghiệp, vốn rất quyền lực.

Chiến lược tinh vi

Trong một bài viết ngày 24-11-2015, báo Financial Times (FT) cho biết Ngân hàng Đức Deutsche Bank (DB) đã vạch ra một chiến lược né thuế quốc tế rất tinh vi và phức tạp cho một số khách hàng lớn của ngân hàng. Theo đó, những kế hoạch né thuế được vạch ra trong năm 2015 cho một số khách hàng của DB có văn phòng ở Brazil, bao gồm hãng bia AB InBev và các tập đoàn hàng hóa Archer Daniels Midland, Bunge và Cargill. Những công ty này liên quan đến cái gọi là công cụ tham gia lợi nhuận, hay giao dịch PPI. Theo chiến lược đề xuất, một khách hàng của DB tại Brazil sẽ hợp tác đầu tư với chi nhánh tại Áo của ngân hàng trong một thực thể mới được thành lập ở Áo. Thực thể ở Áo sau đó sẽ lấy vốn và cho vay trở lại đối với khách hàng của công ty dưới thẩm quyền bên ngoài Brazil với các quy định khấu trừ thuế thuận lợi.

Cả khách hàng và DB sẽ được hưởng lợi từ "lợi nhuận" của thực thể ở Áo - được tạo ra từ các khoản cho vay - và dùng chúng trả cổ tức và cũng hội đủ điều kiện miễn giảm thuế. DB thiết kế các giao dịch theo cách này để thiết lập một lý do thương mại, chẳng hạn như nâng cao tài chính, chứ không chỉ đơn giản là thay đổi đường đi của dòng tiền để tránh thuế. Những giao dịch tương tự đã được đề xuất để tận dụng lợi thế của các thỏa thuận về thuế giữa các nước khác, chẳng hạn như Mexico và Luxembourg. Tất cả các đề xuất đều không phạm pháp. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc né thuế (hợp pháp) và trốn thuế (phi pháp) là rất mong manh.Trước đó không lâu, chi nhánh tại Thụy Sĩ của DB ngày 25-11 đã chấp nhận nộp phạt 31 triệu USD để hòa giải cáo buộc giúp né thuế ở Hoa Kỳ.

Bằng việc có công ty mẹ ở nước ngoài trong khi vẫn giữ trụ sở ở Hoa Kỳ, một công ty có thể giảm hóa đơn thuế thông qua một thủ thuật kế toán gọi là “tước thu nhập”, theo đó lợi nhuận làm ra ở Hoa Kỳ được chuyển sang công ty mẹ ở nước ngoài có thuế suất thấp, nhờ đó giảm hóa đơn thuế tại Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)

Các tin khác