Cuộc chiến online chống IS (K2): Hacker nổi giận

Sự tàn ác của IS đã khiến các hacker - cả “mũ trắng” và “mũ đen” - trên toàn thế giới nổi giận. Nhiều tổ chức hacker lớn trên thế giới đã tuyên bố chiến tranh với IS, đồng thời kêu gọi tất cả công dân mạng tham gia.

Sự tàn ác của IS đã khiến các hacker - cả “mũ trắng” và “mũ đen” - trên toàn thế giới nổi giận. Nhiều tổ chức hacker lớn trên thế giới đã tuyên bố chiến tranh với IS, đồng thời kêu gọi tất cả công dân mạng tham gia.

Cuộc chiến online chống IS (K1): Thương hiệu IS

Ẩn danh tuyên chiến

Ngay sau vụ tấn công đẫm máu của IS vào Paris ngày 13-11 vừa qua, nhóm hacker lớn nhất thế giới Anonymous (ẩn danh) đã tung lên Youtube một đoạn video tuyên chiến trực tiếp với IS: “Bọn ta sẽ khởi động chiến dịch lớn nhất để chống lại các người (IS). Đây sẽ là cuộc tấn công mạng với quy mô hùng hậu. Chiến tranh (mạng) chính thức được tuyên bố. Hãy chuẩn bị đón nhận đi. Người Pháp mạnh mẽ và sau cuộc tấn công vừa qua sẽ càng mạnh mẽ hơn”. Thông điệp tuyên chiến của Anonymous còn được truyền tải qua hàng trăm tweet với cùng nội dung: “Không sai. #Anonymous đang có chiến tranh với #Daesh. Chúng tôi sẽ không dừng lại việc chống đối #IslamicState. Chúng tôi là những tin tặc tốt hơn. #OpISIS”.

Anonymous được coi là nhóm hacker có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới,  dù đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về nhóm hacker này. Năm 2012, báo Time xếp Anonymous là 1 trong “100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới thế giới”. Đây không phải lần đầu nhóm hacker này triển khai chiến dịch chống IS. Vào tháng 9-2014, Anonymous đã tiến hành chiến dịch Ice ISIS nhắm vào IS. Mục đích chiến dịch là làm giảm ảnh hưởng của IS trên các mạng xã hội. Trong chiến dịch này, một lượng lớn tài khoản IS trên Twitter và facebook đã bị chiếm hoặc vô hiệu hóa. Theo cuộc điều tra của Foreign Policy, trong chiến dịch này Anonymous đã hạ 149 website liên quan đến Nhà nước Hồi giáo tự xưng, công bố hơn 100.000 tài khoản Twitter và 5.900 video tuyên truyền của IS.

Chiến dịch mới nhất chống lại IS mang tên Paris (#OpParis) được xem là một chiến dịch với quy mô lớn chưa từng có trong tiền lệ. Chiến dịch này không chỉ có mạng lưới các thành viên Anonymous mà còn có sự tham gia của đông đảo cộng đồng hacker trên toàn cầu. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, Anonymous tuyên bố đã giúp loại bỏ hơn 20.000 tài khoản Twitter của IS hoặc ủng hộ IS. Họ đã làm điều đó như thế nào? Gregg Housh, một trong những người nổi bật nhất của Anonymous, tiết lộ: “Chúng tôi thông qua các kênh như tài khoản Twitter, Facebook, các kênh điện tín để ngăn chặn khả năng tiếp cận của IS đến công chúng”. Ông cũng cho biết trong chiến dịch này, mọi người dùng internet đều có thể tham gia: “Bạn không thực sự cần phải có kỹ năng hacking. Chỉ cần bạn phát hiện một tài khoản nào đó IS đang nói chuyện rồi nói với những người khác về chuyện này (hacker chuyên nghiệp)”. Ngoài việc phát hiện và loại bỏ các tài khoản của IS, Anonymous cũng tấn công các trang tuyên truyền của tổ chức khủng bố này, đồng thời tung lên Youtube những video clip chế giễu và thách thức IS.

Bóng ma theo đuổi

Sau vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1-2015, một nhóm hacker đã tách ra khỏi Anonymous để thành lập nhóm chuyên trách chống lại các âm mưu khủng bố. DigitaShadow, người tự xưng là giám đốc điều nhóm hacker Ghost Security (bóng ma an ninh), cho biết Ghost Security được thành lập vào ngày 10-1, đến nay gồm 14 thành viên, với mục tiêu ngăn chặn các cuộc tấn công cũng như truy lùng tài khoản mạng xã hội của IS và người ủng hộ. Theo Ghost Security, tính từ lúc thành lập cho đến nay, nhóm đã đánh sập 149 trang web tuyên truyền cho IS, khóa 110.000 tài khoản mạng xã hội và hơn 6.000 phim tuyên truyền của tổ chức này. Nhóm cũng khẳng định đã phát triển được phần mềm tự động có khả năng nhận dạng các tài khoản mạng xã hội của IS.

Ngoài mục tiêu trọng tâm là triệt hạ IS, Ghost Security còn nhắm đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Nhóm này vừa tuyên bố đã ngăn chặn thành công các kế hoạch tấn công của khủng bố vào New York, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ và New York đã được bọn khủng bố lên kế hoạch thực hiện vào tháng 7, nhắm vào một khu chợ đông đúc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Quảng trường Times. Nhóm cũng đã giúp nhà chức trách bắt giữ hàng trăm người liên quan đến kế hoạch tấn công Saudi Arabia, nhắm vào các nhà thờ Hồi giáo. Rất khó xác minh tuyên bố thành tựu của các hacker, bao gồm cả Ghost Security. Các cơ quan chức năng không bình luận về những tuyên bố của Ghost Security. Tuy nhiên, Michael Smith, đồng sáng lập của công ty tư vấn an ninh toàn cầu Kronos Advisory có trụ sở ở Hoa Kỳ, cho biết ông đã chuyển những thông tin Ghost Security cung cấp cho các quan chức thực thi pháp luật Hoa Kỳ.

Hình ảnh trong video tuyên chiến IS của Anonymous.

Hình ảnh trong video tuyên chiến IS của Anonymous.

Chính phủ tham gia

Các chuyên gia bảo mật máy tính cho rằng ngăn chặn việc truyền bá tư tưởng cực đoan của IS chính là phần quan trọng nhất của cuộc chiến chống khủng bố trên mạng. Điều này đã được minh chứng sau các cuộc tấn công Paris. Các quan chức an ninh Pháp tin rằng không phải tất cả các tay súng tình nghi đều đã tới Syria, mà nhiều người đã trở nên cực đoan vì những tuyên truyền trên mạng. Người tổ chức vụ tấn công, Abdelhamid Abaaoud, là một kẻ tuyển dụng đặc trưng của IS với cách làm truyền thống là tung lên mạng những đoạn video tuyên truyền. “Ngăn chặn các nỗ lực tuyển dụng của những người như Abaaoud bằng cách loại bỏ các kênh truyền thông trực tuyến của IS là rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại khủng bố” - Calum Jeffray, một nhà nghiên cứu tại Học viện Hoàng gia United Services (RUSI), nói.

Ước tính từ năm 2011 đến nay có tới 30.000 người nước ngoài đã đến Iraq và Syria để gia nhập IS. Để ngăn chặn điều này, các quan chức tình báo của các chính phủ phương Tây cũng đang cố gắng chống lại sự hiện diện trực tuyến của IS. Ngày 17-11, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết sẽ tăng gấp đôi đầu tư bảo mật trực tuyến lên 2,9 tỷ USD để ngăn chặn các cuộc tấn công trực tuyến ở Vương quốc Anh. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã tham gia cuộc chiến trực tuyến chống IS. Tháng 12-2013, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khởi xướng một chiến dịch truyền thông xã hội Twitter gọi là “Think Again Turn Away” (nghĩ lại quay lại). Chiến dịch này mở rộng sang Facebook vào tháng 8-2014. Mục tiêu của chiến dịch nhằm chống lại tư tưởng cực đoan, bằng cách công bố những thông tin và video phơi bày sự thật đằng sau các tuyên truyền lý tưởng hóa của IS.

Tuy nhiên, cho đến nay, các chính phủ và hacker vẫn chưa giành được chiến thắng trước IS. Những tài khoản ủng hộ IS trên Twitter và Facebook vẫn còn nhan nhản bằng việc chuyển sang mã hóa thông tin liên lạc. Ngoài ra, bọn khủng bố cũng dùng các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Viber và Telegram để truyền bá tư tưởng cực đoan, lôi kéo người ủng hộ.

(Còn tiếp)

Các tin khác