Cuộc chiến online chống IS (K1): Thương hiệu IS

Chấn động trước vụ tấn công khủng bố ở Paris vào tháng trước, chính quyền các nước và người dân khắp thế giới đang nỗ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận internet - nơi bọn khủng bố lôi kéo người ủng hộ và chiêu mộ thành viên.

Chấn động trước vụ tấn công khủng bố ở Paris vào tháng trước, chính quyền các nước và người dân khắp thế giới đang nỗ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận internet - nơi bọn khủng bố lôi kéo người ủng hộ và chiêu mộ thành viên.

IS đã biến mình thành một thương hiệu toàn cầu, với hình ảnh và phù hiệu riêng: một lá cờ đen miêu tả chương đầu tiên của kinh Koran. Internet chính là một công cụ đắc lực giúp họ phổ biến thương hiệu này.

Thông điệp thánh chiến

IS có tên đầy đủ là Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) Iraq và Levant (Cận Đông). Đây là nhóm chiến binh Jihad, gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni. IS tuyên bố lãnh thổ của chúng bao gồm Iraq và Syria, trong tương lai bao trùm cả Liban, Israel, Jordan, Síp và Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn tài chính của IS là tiền quyên góp được ở Qatar, Kuwait, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; tiền lấy được trong kho các nhà băng tại Iraq; tiền bán dầu thô từ những mỏ dầu chiếm đóng, đồ cổ hoặc buôn bán phụ nữ; bắt cóc, tống tiền…

“Chúng tôi sẽ chinh phục Rome, đập gãy thánh giá và nô dịch phụ nữ của các người. Sứ mệnh của mỗi người Hồi giáo là giết một người đeo thập giá”. Đó là thông điệp của các phần tử cực đoan đưa ra hồi tháng 2, chỉ vài tuần sau vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris. Họ cũng cảnh báo những gì Hoa Kỳ, Anh, Australia, Pháp, Đức và phương Tây sắp phải đối mặt sẽ khủng khiếp hơn bất cứ điều gì trong quá khứ. Những lời này được viết trên Dabiq, một tạp chí trực tuyến của IS.

Cho đến thứ 6 ngày 13-11, chỉ xảy ra một vụ đánh bom tự sát ở một thành phố lớn của châu Âu là London vào năm 2005. Nay giới an ninh châu Âu tin rằng mọi thứ đều có thể diễn ra. Chính phủ Đức đã gia tăng kiểm soát tại biên giới, bến tàu, sân bay và các địa điểm dễ bị tổn thương khác. Văn phòng Liên bang Bảo vệ Hiến pháp (BfV), Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) cũng bắt đầu chú ý chặt hơn tới khoảng 420 người Hồi giáo ở Đức, bị phân loại là những người có khả năng gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, các cơ quan an ninh buộc phải thừa nhận bàn tay của IS xuất hiện ở những mặt trận khác. Các vụ tấn công ở Paris đã được cổ vũ trên một số trang web tiếng Đức, được nhiều người trẻ Hồi giáo chia sẻ hình ảnh các nạn nhân với những lời bình phẩm cực đoan như: “Đừng bao giờ cầu nguyện cho những người đã chết, hay đứng trước mộ của họ, vì họ không tin vào Allah và các ngôn sứ, họ chết vì làm điều ác”... Trong thế giới truyền thông xã hội, IS có ảnh hưởng nghiêm trọng, đã lôi kéo được nhiều người ủng hộ và cũng chiêu mộ thêm rất nhiều thành viên.

Bậc thầy tuyên truyền

Các nhà chức trách ngày càng lo ngại những người Hồi giáo ở châu Âu có thể trở nên cực đoan hơn sau các cuộc tấn công Paris, và họ sẽ chuyển từ cực đoan trong thế giới ảo sang cực đoan ở đời thực. “Các vụ tấn công ở Pháp có thể trở thành một mô hình, hoặc ít nhất là sự khuyến khích cho những kẻ giết người bắt chước để tạo ra những kế hoạch riêng của họ” - Holger Munch, Chủ tịch Văn phòng Cảnh sát hình sự liên bang Đức (BKA), lo ngại. Ông cho biết có nhiều thanh niên Hồi giáo Đức đã phấn khích khi biết về các vụ tấn công, một biểu hiện rất đáng lo ngại.

Hiện có tới 46.000 tài khoản Twitter giúp IS tuyên truyền và lôi kéo sự ủng hộ. Có khoảng 1.000 video IS xuất hiện trên internet. Một số quay chậm cảnh chặt đầu, bắn hành hình tập thể và giết mổ trên chiến trường, một số quay cảnh trẻ em cười nói trong trường học, thu hoạch ngũ cốc và các sĩ quan cảnh sát điều khiển giao thông. Thông điệp của chúng rất rõ ràng: Hãy nhìn sự mạnh mẽ và tráng lệ của Khalifah (nhà nước Hồi giáo) này. Một đoạn video dài 9 phút rưỡi công bố trên internet vào cuối tháng 9 với tên gọi “Ngày lễ của một Mujahid” quay cảnh 1 người đàn ông lái xe đi đón con, rồi đi siêu thị mua rất nhiều thứ, trong đó có tã, sô cô la và một khẩu súng đồ chơi Kalashnikov cho con trai, rồi mặc đồng phục IS cho cậu bé.

Hồi tháng 10, Quilliam Foundation, một định chế tư vấn ở Anh, xuất bản một bài báo có tựa đề “Tư liệu Khalifah ảo”. Tác giả bài báo, nhà nghiên cứu Charlie Winter, đã dành 30 ngày nghiên cứu các ấn phẩm IS. Ông kiểm tra tổng cộng 1.146 video, phóng sự ảnh, tập tin âm thanh và các tài liệu tuyên truyền khác. Kết luận của ông là, trong khi bạo lực có mặt trong nhiều tài liệu, hơn một nửa lý tưởng hóa các khu vực dưới sự kiểm soát của IS ở Syria và Iraq như một xã hội lý tưởng ở Trung Đông. Những clip khác tuyên truyền về tình đồng đội và tình bạn, sự hào phóng của IS đối với những người cải đạo... những điều thật tuyệt vời nếu sự thật đúng như vậy.

Nhà thuyết giáo cực đoan Pierre Vogel có khoảng 120.000 người hâm mộ trên Facebook.

Nhà thuyết giáo cực đoan Pierre Vogel có khoảng 120.000 người hâm mộ trên Facebook.

Sức mạnh của video clip

Những video tuyên truyền đó rõ ràng đã phát huy hiệu quả, thậm chí ở Đức. Kể từ khi IS tự xưng là “Khalifah” vào tháng 6-2014, BfV ghi nhận một sự gia tăng đáng kể về số lượng các Salafist (Hồi giáo cực đoan). Hiện có khoảng 7.900 Salafist trong hơn 100 mạng lưới của 10-80 cá nhân. Một quan chức an ninh cao cấp nói: “Chiến dịch tuyên truyền của IS trên internet có tác dụng vô cùng to lớn”.

Trong hầu hết trường hợp, thông điệp của những kẻ cực đoan có tác động lớn đối với những người trẻ tuổi có cái nhìn tiêu cực hoặc hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là trường hợp ở Lohberg, một khu vực 6.000 dân của thành phố phía Tây Bắc Dinslaken. Tại đó, những thông điệp từ web đã lôi kéo được hơn 20 thanh niên đi chiến đấu cho Allah. Đến nay, hầu như tất cả họ đều đã chết. Và đó cũng là trường hợp ở Tannenbusch, nơi lãnh tụ Hồi giáo cực đoan Ibrahim Abou Nagie là một nhân vật có ảnh hưởng. Marco G., cư dân Tannenbusch, hiện đang bị xét xử ở Tòa án Düsseldorf với cáo buộc lên kế hoạch cho một cuộc tấn công vào nhà ga xe lửa chính ở Bonn vào năm 2012 và âm mưu giết một nhà cực đoan cánh hữu. Một số thanh niên Tannenbusch đã lên đường đi chiến đấu cho xã hội Hồi giáo không tưởng ở Syria. Các nhà chức trách ước tính hơn 750 người Đức đã đi đến Syria và Iraq, trong đó chỉ khoảng 1/3 người quay về.

Theo nhà tâm lý học Ahmad Mansour ở Berlin, người vừa xuất bản một cuốn sách về Hồi giáo, nhiều thanh niên Hồi giáo nay chủ yếu tìm hiểu về Hồi giáo thông qua các trang web. Theo đó, ngày càng nhiều thanh niên Hồi giáo sống trong một xã hội kỹ thuật số như Facebook, Twitter và Snapchat. Song song đó, những bài giảng thuyết cực đoan lan nhanh như cháy rừng trên YouTube. Chẳng hạn nhà thuyết giáo Pierre Vogel có khoảng 120.000 người hâm mộ trên Facebook.

(còn tiếp)

Các tin khác