Thương trường smartphone (K2): Đại gia gục ngã

Sự khốc liệt trên thương trường smartphone đã khiến những tên tuổi lớn, những thương hiệu tưởng chừng không bao giờ đi xuống, bỗng nhiên sụp đổ hoặc bị thâu tóm.

Sự khốc liệt trên thương trường smartphone đã khiến những tên tuổi lớn, những thương hiệu tưởng chừng không bao giờ đi xuống, bỗng nhiên sụp đổ hoặc bị thâu tóm.

Thương trường smartphone (K1): Thị trường béo bở

Cái chết của Siemens

Có một thời, điện thoại Siemens rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Siemens Mobile là chi nhánh của nhà khổng lồ công nghệ Đức Siemens AG. Chiếc điện thoại di động đầu tiên của Siemens, Siemens Mobiltelefon C1, được đưa ra thị trường vào năm 1985. Kể từ đó, hãng luôn nhấn mạnh sự hiện diện của mình với các dòng điện thoại ngày càng tích hợp nhiều công nghệ hơn. Đến năm 2000, Siemens mua lại bộ phận điện thoại di động của Bosch. Trong cùng năm Siemens tung ra Siemens SL45 - một trong những dòng điện thoại đầu tiên trên thế giới có máy nghe nhạc MP3 và hỗ trợ thẻ nhớ ngoài (multimediacard).

Tuy nhiên, câu chuyện về gã khổng lồ Siemens Mobile đã đi tới hồi kết vào năm 2005, sau khi bị mua lại bởi Công ty BenQ của Đài Loan. Thực ra, từ năm 2003 tình hình công ty này đã bắt đầu có vấn đề, khi ban giám đốc đưa ra những quyết định sai lầm và sau đó cố gắng tìm cách che giấu. Có thể nói các dòng Siemens 45 là đỉnh cao thành công của công ty, nhưng từ các dòng 55 trở đi, chất lượng và doanh số của Siemens đi xuống. Điều đáng nói, ban lãnh đạo Siemens nhận ra điều này nhưng không khắc phục mà tìm cách bán đi. Ngay từ năm 2002 đã có những đồn đoán về việc có thể Siemens sẽ hợp nhất với một nhà sản xuất châu Á. Lý do được đưa ra lúc đó chủ yếu do thị trường ngày càng cạnh tranh nên cần phải chuyển cơ sở sản xuất chính sang châu Á. Đến giữa năm 2005, mọi người đều biết rằng công ty mua lại Siemens sẽ là BenQ - một nhà sản xuất điện thoại hầu như không được biết đến cho tới thời điểm đó. Trong nửa đầu năm 2005, bộ phận di động của Siemens lỗ 1,5-2 triệu EUR mỗi ngày. Đến tháng 6, cổ phiếu của công ty lao dốc 5,4% và chỉ có phép lạ hoặc một thành công vượt trội mới có thể cứu vãn được. Siemens đã sa thải tối đa nhân viên để cắt giảm chi phí. Đội ngũ còn ở lại không đủ để phát triển phần mềm để giữ cho hãng tồn tại. Kết quả người tiêu dùng quay mặt với những chiếc điện thoại có phần mềm tệ hại, kiểu dáng thô thiển... Uy tín thương hiệu Siemens càng lao dốc.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Siemens Mobile bán cho BenQ, kèm điều kiện Siemens phải đầu tư thêm 250 triệu EUR vào BenQ. Trong hợp đồng mua lại Siemens, BenQ được quyền: sử dụng thương hiệu Siemens trong 18 tháng kể từ thời điểm ký kết hợp đồng và quyền lợi chung với thương hiệu BenQ-Siemens trong 5 năm; tiếp quản nhà máy của Siemens ở Brazil, Manaus, Đức và Kamp-Lintfort; tài sản trí tuệ và bằng sáng chế của Siemens Mobile... Sau thương vụ năm 2005, BenQ đã thành lập BenQ-Siemens. Mục tiêu của công ty là kết hợp sức mạnh của BenQ và Siemens để trở thành ông lớn mới trong lĩnh vực truyền thông di động. Công ty mới đã giành được nhiều giải thưởng trong cuộc thi thiết kế sản phẩm iF năm 2006, nhiều giải thưởng thiết kế trong cuộc thi red dot của Đức. Tuy nhiên, hãng đã đệ đơn xin phá sản tại Munich vào tháng 10-2006. Điều này làm nhiều người đồn đoán BenQ chỉ mua lại Siemens để lấy các bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ, mà không có ý định tiếp tục sản xuất điện thoại di động tại Đức. Năm 2007, công ty mẹ của hãng là BenQ ra mắt 5 điện thoại mới dưới thương hiệu BenQ-Siemens. Đến năm 2013, BenQ tuyên bố chỉ sản xuất điện thoại mang thương hiệu của riêng họ. 

Nokia bị thâu tóm

Nokia Corporation là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Keilaniemi, Espoo, một thành phố láng giềng của thủ đô Helsinki, Phần Lan. Lịch sử của Nokia bắt đầu từ năm 1865 khi kỹ sư khai mỏ Fredrik Idestam thành lập một công ty sản xuất giấy ở thị trấn Tampere phía Tây Nam của Phần Lan. Tới năm 1868, Idestam xây dựng nhà máy thứ hai ở thị trấn Nokia, cách Tampere 15km về phía Tây, nằm kế con sông Nokianvirta. Năm 1871, với sự giúp đỡ của người bạn thân Leo Mechelin, Idestam đã đổi tên và chuyển công ty thành công ty cổ phần và kể từ đó công ty chính thức mang tên Nokia. Như vậy, Fredrik Idestam và Leo Mechelin được xem là 2 đồng sáng lập ra công ty.

Trong những năm 1970, Nokia bắt đầu bước chân sâu hơn vào ngành công nghiệp viễn thông bằng việc phát triển Nokia DX 200. Năm 1979, Nokia sáp nhập với Salora để thành lập Công ty Mobira Oy. Năm 1982, Mobira giới thiệu chiếc car phone đầu tiên của mình. Năm 1984, hãng này ra mắt Mobira Talkman, chiếc điện thoại có thể di chuyển đầu tiên trên thế giới. Và 3 năm sau, Nokia tiếp tục giới thiệu một trong những chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên của thế giới, chiếc Mobira Cityman 900 cho mạng NMT-900. Tính đến năm 2009, hãng này có 129.746 nhân viên làm việc ở 120 quốc gia, bán sản phẩm ở hơn 150 quốc gia trên toàn cầu, đạt doanh số 41 tỷ EUR với lợi tức 1,2 tỷ EUR năm 2009. Đây là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới với thị phần toàn cầu khoảng 40% trong quý II-2008. Sản phẩm của Nokia có mặt ở khắp nơi, từ những điện thoại "đập đá" cho đến các máy thông minh N-Series, E-Series, sau này có thêm Asha và Lumia.

Bước đi đáng chú ý của Nokia là việc từ bỏ hệ điều hành di động Symbian để chuyển sang Windows Phone với dòng Lumia 800 ra mắt vào tháng 11-2011. Lumia 800 và hàng loạt máy Lumia sau đó là kết quả của kế hoạch hợp tác chiến lược giữa Nokia với Microsoft được công bố hồi đầu năm 2011 trong việc cùng nhau phát triển điện thoại Windows Phone. Có lẽ đó là những bước đệm dẫn tới việc Microsoft mua lại bộ phận di động của Nokia. Lúc đó, Nokia hứa hẹn sẽ tập trung vào Windows Phone 7 (WP7), đưa ra những thiết kế mới, bổ sung những gói ngôn ngữ và phổ biến WP7 nhiều hơn cho người tiêu dùng, thông qua những thiết kế mới về phần cứng, nhiều phân khúc giá và thị trường hơn.

N Gage - dòng điện thoại chơi game đình đám một thời của Nokia.

N Gage - dòng điện thoại chơi game đình đám một thời của Nokia.

Ngày 3-9-2013, Microsoft bất ngờ thông báo đã mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia (Nokia Devices & Business) với giá 3,79 tỷ EUR và thêm 1,65 tỷ EUR nữa cho một số bằng sáng chế Nokia đang nắm giữ. Ngày 25-4-2014, Microsoft thông báo chính thức hoàn thành việc mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia và đổi tên thành Microsoft Mobile Oy. Người ta nói rằng Nokia đã bị mua với giá quá rẻ. Trước đó, Microsoft mua Skype với giá 8,5 tỷ USD. 2 năm trước, Google cũng thôn tính Motorola với giá 12,5 tỷ USD, gần gấp đôi số tiền Microsoft mua lại Nokia, trong khi thương hiệu Motorola được cho là kém xa Nokia ở thời điểm bán mình. Đặc biệt, trong quá khứ Nokia cũng từng bỏ ra những số tiền lớn để mua lại nhiều công ty công nghệ, như Công ty NAVTEQ với giá 8,1 tỷ USD để phát triển bản đồ HERE Maps, sau đó là Symbian với giá 350 triệu USD... Tổng cộng, Nokia bỏ ra hơn 10 tỷ USD để mua các công ty khác, nay tự bán mình với cái giá rẻ hơn.

Kỳ 3: Cờ về tay ai?

Các tin khác