Rủi ro biến đổi khí hậu (K1): Nguy cơ hiển hiện

Hiện tượng trái đất nóng dần lên không còn là những lời cảnh báo mà đã hiển hiện trên toàn cầu. Và thực trạng trái đất ấm lên không chỉ làm thay đổi điều kiện tự nhiên như diện tích đất liền, mực nước biển, lượng mưa... mà còn thay đổi cả kinh tế thế giới.

Hiện tượng trái đất nóng dần lên không còn là những lời cảnh báo mà đã hiển hiện trên toàn cầu. Và thực trạng trái đất ấm lên không chỉ làm thay đổi điều kiện tự nhiên như diện tích đất liền, mực nước biển, lượng mưa... mà còn thay đổi cả kinh tế thế giới.

Nhiệt độ trái đất tăng thêm 4°C sẽ nhấn chìm các khu vực đang là nơi sinh sống của 760 triệu người trên thế giới trong nước biển; đẩy thêm hơn 100 triệu người tới trình trạng cực nghèo vào năm 2030... Đó là nội dung các báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Pháp từ ngày 30-11 đến 11-12.

Nhiệt độ sẽ tăng 1,7-6,6°C

Biến đổi khí hậu được định nghĩa chung là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập niên hay hàng triệu năm. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Những vấn đề cụ thể được quan tâm trong yếu tố con người là việc tăng lượng khí CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng. Phá rừng cũng góp phần quan trọng làm ảnh hưởng đến khí hậu, vi khí hậu.

Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), trong thế kỷ 20 nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất đã tăng 0,6°C. Tốc độ ấm lên trong vòng 50 năm gần đây hầu như tăng gấp đôi so với trước đó (0,13 °C mỗi thập niên, so với 0,07°C mỗi thập niên trong giai đoạn đầu). Các dự án mô hình khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ có thể tăng 0,3-1,7°C trong suốt thế kỷ 21, với điều kiện chúng ta thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức thấp nhất. Còn trong kịch bản việc kiềm chế khí thải nhà kích không hiệu quả, nhiệt độ bề mặt trái đất có thể tăng từ 2,6-4,8°C. Trong kịch bản khí thải nhà kính cao hơn nữa, nhiệt độ trái đất có thể tăng tới 6,6°C trong thế kỷ này. Nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ làm mực nước biển dâng lên và làm biến đổi lượng nước mang lại do mưa, mưa đá, mưa tuyết và tuyết; có thể dẫn đến sự mở rộng của các sa mạc vùng cận nhiệt đới. Hiện tượng ấm lên được dự đoán sẽ diễn ra mạnh nhất ở Bắc Cực.

Những dấu hiệu đáng ngại

Sông băng được xem là một trong những đối tượng dự báo nhạy cảm nhất của biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ ấm lên, chiều dài sông băng lùi dần, trừ khi lượng tuyết tăng lên đủ bù vào lượng băng bị tan chảy; việc này cũng đúng cho điều ngược lại. Tổ chức Giám sát Sông băng Thế giới (WGMS) thu thập dữ liệu hàng năm về mức độ lùi dần của sông băng và sự cân bằng lượng sông băng. Theo đó, dữ liệu cho thấy sông băng trên toàn thế giới đã thu hẹp đáng kể từ năm 1940 đến nay. Các núi băng ở phía Tây Nam Cực đang trở nên bất ổn và có nguy cơ tan chảy, khiến mực nước biển tăng thêm tới 3m trong những thế kỷ tới. Sử dụng máy tính để dự đoán các ảnh hưởng sẽ xảy ra trong 60 năm tới nếu với tốc độ tan băng như hiện tại, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ cho biết cả dải băng khổng lồ này sẽ tan hết và mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 3m. Đầu năm nay, các nhà khoa học cảnh báo một số dải băng ở Nam Cực đã bị tan chảy tới 18% khối lượng trong 1 thập niên qua. Dựa vào các dữ liệu chụp từ vệ tinh, các nhà khoa học nhấn mạnh trong giai đoạn 1994-2003, mỗi năm khối lượng các tảng băng tan chảy ở Nam Cực không đáng kể, vào khoảng 25km3, nhưng từ năm 2003 tới nay, con số này lên tới 310km3/năm.

Văn phòng Khí tượng Anh hôm 9-11 cho biết nhiệt độ toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9-2015 lần đầu tiên cao hơn 1,02°C so với mức bình quân trong giai đoạn 1850-1900. Theo cơ quan này, thời tiết từ nay đến cuối năm 2015 vẫn còn nóng do hiện tượng El Nino. Cùng ngày, Tổ chức Khí tượng thế giới công bố hàm lượng các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã chạm mốc cao kỷ lục của năm 2014. Chẳng hạn, hàm lượng khí CO2 đạt 397,7 phần triệu (ppm), tăng 143% so với mức trước năm 1750. Ông Michel Jarraud, Tổng Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cảnh báo sẽ có thêm người dân trên thế giới sớm phải sống trong bầu khí quyển có hàm lượng khí CO2 vượt qua ngưỡng 400 ppm. “Điều này có nghĩa nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng cao hơn, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, tốc độ băng tan nhanh hơn, mực nước biển dâng cao cũng như tình trạng axít hóa đại dương trầm trọng hơn” - ông Jarraud nhấn mạnh.

Băng tan do nhiệt độ trái đất tăng.

Băng tan do nhiệt độ trái đất tăng.

Việt Nam thuộc báo động đỏ

Theo báo cáo của Climate Central (Hoa Kỳ), 10 thành phố có số cư dân bị ảnh hưởng nhiều nhất trong kịch bản nhiệt độ trái đất tăng 4oC đều nằm ở châu Á, trong đó có Thượng Hải (Trung Quốc), Calcutta, Mumbai (đều của Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh), Jakarta (Indonesia), Hà Nội… Cụ thể, Thượng Hải là nơi có số cư dân bị đe dọa mất nhà cửa do nước biển dâng lớn nhất, với 22,4 triệu người. Hà Nội và Khulna (Bangladesh) đứng cùng hạng thứ 9 với 7,6 triệu người. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng, Hà Nội có tới 60% dân số bị đe dọa mất nhà cửa, chỉ xếp sau Thượng Hải (76%). Xét theo tỷ lệ dân số, Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ảnh hưởng khí hậu, với 52% dân số đang sống tại những khu vực có nguy cơ bị chìm dưới mực nước biển. Còn xét theo con số tuyệt đối, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nặng ở hàng thứ tư, với 46 triệu người bị ảnh hưởng. Trung Quốc là nước đứng đầu với 145 triệu người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ đứng thứ 10 nếu xét theo tỷ lệ dân số, với 11% dân số bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp thế giới có thể kìm hãm được sự ấm lên toàn cầu ở mức chỉ 2°C. Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng nặng. Cụ thể, Hà Nội sẽ có 3,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, tương đương 28% dân số. Trong khi đó, cả nước ta sẽ có 26 triệu người bị ảnh hưởng, đứng thứ hai toàn thế giới. Xét theo tỷ lệ, Việt Nam cũng là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiệt độ tăng chỉ 2°C, với 29% dân số sống ở những khu vực có thể bị nước biển nhấn chìm.

(còn tiếp)

Các tin khác