Nhận diện CP bèo (K1): HOSE - La liệt dưới 2.000 đồng

Mặc dù TTCK đã có sự hồi phục đáng kể trong hơn 1 năm trở lại đây, nhưng trên 2 sàn CK vẫn có hàng chục mã CP đang giao dịch ở mức giá rẻ hơn… ly trà đá. Đặc biệt, trong danh sách CP rớt giá thê thảm này có không ít mã từng một thời làm mưa làm gió trên TTCK.

Mặc dù TTCK đã có sự hồi phục đáng kể trong hơn 1 năm trở lại đây, nhưng trên 2 sàn CK vẫn có hàng chục mã CP đang giao dịch ở mức giá rẻ hơn… ly trà đá. Đặc biệt, trong danh sách CP rớt giá thê thảm này có không ít mã từng một thời làm mưa làm gió trên TTCK.

Nhắc đến CP bèo giới đầu tư thường nghĩ ngay đến các mã CK trên sàn HNX. Thế nhưng, kỷ lục về giá thấp ở thời điểm hiện nay lại đang thuộc về nhóm CP trên sàn HOSE.

PTK - Liên tục sai phạm

Mã CK giá thấp nhất tính đến phiên giao dịch cuối tuần trước (25-9) là PTK (CTCP Luyện kim Phú Thịnh) với giá 1.100 đồng/CP. Theo báo cáo được HĐQT PTK công bố tại ĐHCĐ được tổ chức vào ngày 2-7 vừa qua, mặc dù môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2014 doanh nghiệp này vẫn có lãi gần 800 triệu đồng.

Từ đó, PTK đặt mục tiêu lợi nhuận cho năm 2015 là 3,2 tỷ đồng, cổ tức năm 2015 là 5%. Tuy nhiên, với hàng loạt sự cố xảy ra trong thời gian gần đây, giá PTK liên tục sụt giảm trước làn sóng bán tháo của NĐT. Có thể kể đến các vi phạm của PTK kể từ đầu năm 2015 đến nay như: chậm tổ chức ĐHCĐ, cổ đông lớn mua bán không báo cáo, chậm công bố thông tin về người được ủy quyền công bố thông tin, chậm công bố tình hình quản trị 6 tháng đầu năm, chậm nộp BCTC quý II…

Nhóm CP có giá dưới 2.000 đồng/CP trên sàn HOSE còn có: CTCP Thủy sản Việt Nhật (VNH), CTCP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long (VLF), CTCP COMA 13 (CIG), CTCP Khoáng sản Nà rì Hamico (KSS) và CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai (LCM).

Ngoài những vi phạm kể trên, việc NĐT bán tháo PTK bắt nguồn từ việc Cơ quan An ninh Điều tra đã thực hiện khám xét trụ sở và tịch thu con dấu của PTK do liên quan đến CTCP Khoáng sản Nà Rì Hamico (KSS). Với vô số sai phạm như thế không có gì khó hiểu khi giá CP PTK hiện đang giao dịch ở mức thấp như hiện tại.

Theo thống kê, kể từ đầu năm 2015 đến nay, PTK đã giảm đến 75% giá trị. Đặc biệt, nếu so với giá chào sàn cũng trong ngày 25-9 cách đây đúng 3 năm 14.400 đồng thì mức giá hiện tại 1.100 đồng/CP của PTK hết sức thê thảm đối với NĐT đang nắm giữ cổ phần từ những ngày đầu tiên.

Ngày 10-9 vừa qua, HOSE đã quyết định đưa PTK vào diện cảnh báo kể từ ngày 16-9 do thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên TTCK.

GTT - Điển hình thất bại

Tại Phú Yên, hầu như ai cũng biết đến CTCP Thuận Thảo (GTT) là điển hình kinh doanh thành công. Thế nhưng, trên TTCK, GTT đang trở thành nỗi ám ảnh của các NĐT. Từ mức giá chào sàn 20.000 đồng/CP giữa năm 2010, đến thời điểm hiện nay GTT hiện chỉ còn 1.400 đồng/CP. Sự sa sút của GTT bắt nguồn từ tham vọng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành nghề trong khi năng lực quản trị còn nhiều hạn chế.

Xuất phát điểm là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhưng đến nay GTT gần như góp mặt ở tất cả các loại hình kinh doanh đang “hot” như: trung tâm thương mại, siêu thị, nước đóng chai, resort, khách sạn 5 sao, nhà hát và thậm chí nuôi chim yến.

Việc theo đuổi quá nhiều lĩnh vực kinh doanh khiến cho GTT ngày càng đuối sức và liên tục thua lỗ trong những năm gần đây. Năm 2014, ĐHCĐ của GTT đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 38 tỷ đồng, nhưng thực tế lại lỗ 186 tỷ đồng. Lý giải về nguyên nhân thua lỗ của mình, GTT thừa nhận việc đầu tư dàn trải, dịch vụ trùng lắp, dự án quá tầm so với thị trường địa phương.

Phải chăng vì muốn tham vọng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành nghề nên GTT ngày càng cuối sức?

Phải chăng vì muốn tham vọng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành nghề
nên GTT ngày càng cuối sức?

Dự án lớn nhưng việc tiếp cận vốn vay khó khăn khiến chi phí tăng cao, trong khi bộ máy quản lý lại chưa phát huy được hiệu quả, trách nhiệm chồng chéo, thiếu chuyên nghiệp dẫn đến sự trì trệ.

Chính vì vậy, doanh thu không thể bù đắp nổi chi phí thường xuyên như: lãi vay lên đến 91 tỷ đồng, chi phí khấu hao 36 tỷ đồng. Tình trạng khó khăn tiếp tục kéo dài qua năm 2015. Cụ thể, chỉ trong quý II GTT đã lỗ hơn 57 tỷ đồng, lũy kế tính đến cuối quý II lên đến 234 tỷ đồng. Với kết quả này, GTT tiếp tục nằm trong danh sách CP bị cảnh báo.

PTL - Vi phạm cam kết  

CTCP Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (PTL) góp mặt trên sàn HOSE từ tháng 9-2010, với giá khởi điểm 25.000 đồng/CP, được nhiều cổ đông và NĐT kỳ vọng đối với một doanh nghiệp bất động sản có vốn điều lệ lên đến 1.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, kể từ khi niêm yết, giá PTL đã khởi động cho một xu hướng giảm giá kinh hoàng. Riêng từ năm 2012 đến nay, giá PTL chưa một lần được giao dịch trên mốc 8.000 đồng/CP, mức giá cao nhất trong suốt thời gian này là 7.400 đồng/CP và thấp nhất 1.800 đồng/CP sau phiên giao dịch cuối tuần trước.

Việc giá CP PTL bị NĐT “tống tháo" trong suốt thời gian qua bởi kết quả kinh doanh bê bết và có quá nhiều sự cố, nhất là khi thị trường bất động sản lâm vào tình cảnh khó khăn. Hầu như các dự án của PTL đều vướng vào tình trạng chậm bàn giao khiến khách hàng kiện cáo, thậm chí phong tỏa dự án của doanh nghiệp. Không chỉ chậm trễ trong việc triển khai dự án, PTL còn nợ tiền cổ tức của cổ đông từ năm 2011 dù tỷ lệ chi trả chỉ có 2%.

Ngày 15-4-2015, PTL bị HOSE chuyển từ diện kiểm soát sang cảnh báo do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2014 là 2,77 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31-12-2014 âm 144,46 tỷ đồng (căn cứ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2014).

Tại BCTC soát xét 6 tháng năm đầu năm, lợi nhuận sau thuế của PTL tiếp tục âm 33,44 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30-6 là âm 177,4 tỷ đồng. Theo HOSE, tính đến ngày 30-6, PTL chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc PTL tiếp tục bị nằm trong diện cảnh báo.

 KTB - Kém minh bạch

Sau 2 lần tổ chức thất bại, ĐHCĐ thường niên năm 2015 của CTCP Khoáng sản Tây Bắc (KTB) phải tổ chức đến lần thứ 3 vào sáng ngày 8-6 với sự tham gia vỏn vẹn của 27 cổ đông, đại diện cho 28,3% cổ phần có quyền biểu quyết.

Việc cổ đông và NĐT không còn mặn mà với KTB được cho bắt nguồn từ sa sút trong hoạt động kinh doanh và đặc biệt là mức giá CP hiện nay của doanh nghiệp chỉ có 1.300 đồng/CP so với thời điểm chào sàn HOSE (26-9-2010) là 50.000 đồng/CP. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho KTB, một trong những doanh nghiệp từng lọt vào vào top “500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam” rơi vào thảm cảnh như hiện nay?

Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút của KTB bắt nguồn từ khó khăn trong sản xuất khi giá quặng sắt (mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp) đứng ở mức thấp.

Bên cạnh đó, KTB còn gặp sự cố tràn đập chứa bùn trong mùa mưa lũ năm 2014 tại mỏ sắt 409 khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, sản lượng sụt giảm. Sự cố tràn đập chứa bùn cộng với giá quặng xuống thấp khiến cho doanh thu cả năm 2014 của KTB đạt 175,7 tỷ đồng, còn  lợi nhuận chỉ có 3,64 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều khiến cổ đông bất ngờ nhất là việc KTB liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Với những sai phạm này, KTB đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 20-8. Mặc dù đã bị đưa vào diện cảnh báo nhưng đến  ngày 7-9, HOSE vẫn phải tiếp tục có công văn nhắc nhở lần thứ 3 KTB về việc chậm nộp BCTC quý II.

Đến đầu tuần vừa qua, HĐQT của KTB mới công bố số liệu và giải trình về kết quả kinh doanh quý II. Theo đó, doanh thu giảm 78%, lợi nhuận sau thuế giảm đến 304%. Nguyên nhân do giá quặng sắt tiếp tục giảm sâu trong khi sản phẩm đồng tinh luyện vẫn trong giai đoạn chạy thử nên chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.

Các tin khác