Hệ quả chiến tranh tiền tệ (K1): Cuộc chơi của nước lớn

Tâm điểm chiến tranh tiền tệ lần 3 là cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mặc dù chính thức cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 diễn ra vào năm 2010 nhưng nguồn gốc của nó đã diễn ra từ những năm 1990, bắt đầu từ sự trỗi dậy của Trung Quốc sau 1/4 thế kỷ chìm đắm trong nền kinh tế kế hoạch.

Tâm điểm chiến tranh tiền tệ lần 3 là cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mặc dù chính thức cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 diễn ra vào năm 2010 nhưng nguồn gốc của nó đã diễn ra từ những năm 1990, bắt đầu từ sự trỗi dậy của Trung Quốc sau 1/4 thế kỷ chìm đắm trong nền kinh tế kế hoạch.

Việc Trung Quốc phá giá hơn 4% đồng NDT vừa qua đã khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ leo thang. Tuy nhiên, đây chỉ là một diễn biến trong cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3 nổ ra từ năm 2010. Vậy đâu là nguồn gốc của chiến tranh tiền tệ lần 3, hướng đi tiếp theo và hệ quả của nó đến nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao?

Tam Quốc đại chiến

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, mục tiêu của Trung Quốc là tăng trưởng và việc làm, thay vì sự ổn định theo chính sách “thép, gạo, ăn uống”. Điều này cho thấy Trung Quốc không bao giờ từ bỏ việc thao túng tỷ giá - phương tiện để đạt mục tiêu việc làm. Vào ngày 1-1-1994, Trung Quốc thông báo cải cách thị trường ngoại hối và tiến hành phá giá mạnh 38% ở  mức 8,7NDT đổi 1USD. Cú sốc này khiến Bộ Tài chính Hoa Kỳ lên án Trung Quốc đã sử dụng tỷ giá để giành lợi thế không công bằng trong thương mại quốc tế. Mãi đến tháng 7-2005, Trung Quốc mới bỏ neo buộc tỷ giá vào đồng USD và cho phép biến động trong biên độ 2%.

Hoa Kỳ tất nhiên cũng quan tâm đến vấn đề việc làm. Bong bóng thị trường cổ phiếu năm 2000 và nợ dưới chuẩn năm 2008 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ tăng từ mức 6% vào cuối năm 2002 lên mức 9,9% vào năm 2009. Nỗi e sợ  giảm phát khiến Cục Dự trữ liên bang (FED) duy trì mức chính sách lãi suất thấp lâu hơn so với bình thường trong cả 2 đợt đổ vỡ.

Lãi suất liên bang giảm hơn 4,75% từ tháng 7-2000 đến tháng 7-2002. Đến năm 2004, lãi suất liên bang vẫn ở mức thấp 1,76%. Hệ quả của 5 năm duy trì lãi suất thấp là một quả bom nợ dưới chuẩn vào năm 2008. Lần này, FED phải duy trì mức lãi suất 0% trong suốt hơn 7 năm qua. Với 3 vòng nới lỏng định lượng (QE) chưa từng có trong tiền lệ từ 2008-2014, FED đã bơm ra 4.400 tỷ USD, khiến báo chí Hoa Kỳ gọi Chủ tịch Bernanke là “máy in tiền”. Tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ đã giảm xuống mức 5,9% vào tháng 1-2015.

Nỗi ám ảnh giảm phát của Hoa Kỳ và e sợ bất ổn chính trị tại Trung Quốc là lý do cuộc chiến giữa 2 nước trở nên dai dẳng suốt 3 thập niên qua. Cả 2 quốc gia đều cố gắng phá giá nội tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, giải quyết nhu cầu việc làm trong nước. Nhưng cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 giống như câu chuyện “Tam Quốc chiến” giữa 3 bên là Trung Quốc, Hoa Kỳ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc tồn tại mối quan hệ đối kháng, thì Hoa Kỳ và Eurozone cùng hội cùng thuyền trong thị trường tài chính. Vì thế, việc Hoa Kỳ tung gói QE2 vào tháng 11-2010 ngoài lý do riêng (hỗ trợ EUR  tăng giá để giành lấy lợi thế xuất khẩu) còn là sự phối hợp với Eurozone trong việc duy trì an toàn hệ thống tiền tệ toàn cầu. Nhờ vậy, đồng EUR gần như không đổi trong suốt giai đoạn 2007-2011, khi giao dịch ở quanh mức 1,3USD/1EUR.

Nạn nhân

Cuộc chiến giữa 3 ông lớn đã tạo ra ảnh hưởng rộng khắp toàn cầu. Năm 2010-2011, sự mất giá của đồng USD bởi QE2 khiến giá hàng hóa tăng vọt. Một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Venezuela bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao. Trong khi đó, các nước mới nổi khác như Nga, Brazil bị dòng vốn đổ vào khiến nội tệ tăng giá rất mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, chiến tranh tiền tệ, không phải là cuộc chơi của những quốc gia nhỏ, luôn phải chật vật đối phó với những thay đổi chính sách của FED và các ngân hàng trung ương lớn. Cần phải hiểu rằng bị bán phá giá đồng tiền do nguy cơ đảo ngược dòng vốn và chủ động phá giá để tạo lợi thế cạnh tranh là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Kể từ đáy giữa năm 2011, đồng USD đã mạnh lên khoảng hơn 30% so với các cặp tiền tệ chủ chốt và còn lớn hơn so với nhiều đồng tiền của các quốc gia mới nổi. Một thảm họa mới lại xuất hiện: Nguy cơ đảo ngược dòng vốn ở các quốc gia mới nổi và dòng tiền trở về Hoa Kỳ.

Việc FED duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong suốt 7 năm qua đã khiến quả bom nợ toàn cầu tãng lên. Theo báo cáo của Mc Kinsey Global Institute, vào tháng 2-2015, tổng nợ toàn cầu đã tăng lên 40% so với năm 2007, lên mức 199.000 tỷ USD. Tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu năm 2014 là 286% so với 269% năm 2007 do tăng trưởng GDP không theo kịp tăng trưởng nợ.

Đồng USD rẻ đã khiến đòn bẩy tài chính của các quốc gia, doanh nghiệp tăng lên và thực sự “thấm đòn” khi USD mạnh trở lại. Brazil là một thí dụ điển hình. Đồng real đã mất giá tới hơn 40% so với USD từ tháng 9-2014 đến tháng 7-2015 khi xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này bị hạ.

Chưa đầy 1 năm, giá trị các khoản nợ của Brazil đã tăng thêm 1/3 bởi nội tệ mất giá. Các công ty mía đường, ngành xuất khẩu mũi nhọn của Brazil, bị tổn thương nghiêm trọng khi USD mạnh. Nhiều doanh nghiệp đường bị phá sản, kéo theo giá đường thế giới giảm mạnh.

Hệ quả, đồng nội tệ của hàng loạt quốc gia ở châu Á như Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc... sụt giảm mạnh khi dòng vốn rút đi. Dòng vốn rút khỏi 15 nền kinh tế mới nổi là khoảng 600 tỷ USD trong quý I-2015, theo ước tính của NN Invest Patners.

Thậm chí ngay cả Trung Quốc cũng đứng trước thực tế đảo ngược dòng vốn. Tờ Telegraph cho biết trước khi Trung Quốc diễn ra đổ vỡ chứng khoán vào tháng 6-2015, lượng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc 800 tỷ USD trong vòng 1 năm trước đó. Một con số thực sự lớn cho dù Trung Quốc có đến 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Đối phó

Việc FED tung ra gói QE2 được coi là dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến tranh tiền tệ, bởi nó khiến các quốc gia phát triển khác phải vào cuộc. Đó là vào tháng 10-2010, chương trình QE của Nhật Bản được mở rộng lên 5.000 tỷ yen để giảm bớt ảnh hưởng của QE2. Sau đó được mở rộng  lên 45.000 tỷ yen vào tháng 10-2011 và 70.000 tỷ yen vào tháng 4-2013.

Đến tháng 10-2014, ngay sau khi FED kết thúc QE3, Nhật Bản tiếp tục mở rộng lên mức 80.000 tỷ yen/năm (khoảng 724 tỷ USD). Đi kèm với các gói QE là chương trình kích cầu theo Abenomics từ tháng 11-2012. Trong khi đó, Anh mở rộng gói QE vào tháng 10-2011, nâng tổng tài sản mua vào đạt 275 tỷ USD. Đến tháng 7-2012, Anh đã mua vào lượng tài sản tổng cộng 375 tỷ USD.

Sự mở rộng gói QE của Nhật Bản và Anh vào năm 2011 đã làm chặn lại đà giảm của đồng USD. Giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm với việc giá vàng lập đỉnh 1.923USD/oz vào tháng 9-2011. Chính sách QE của các quốc gia phát triển đã làm thay đổi xu hướng của dòng vốn quốc tế. Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi và cận biên đang tùy thuộc rất lớn vào dòng vốn này.

Theo ước tính của NN Investment Partner, khoảng 22.000 tỷ USD đã chảy vào 15 quốc gia mới nổi từ tháng 7-2009 đến tháng 6-2015, đẩy thị trường chứng khoán các quốc gia này tăng giá. Trong đó, xu hướng nhận thấy, phần lớn dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi vào năm 2010-2011.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau 3 năm đứng ngoài chiến tranh tiền tệ, tháng 3-2015, Eurozone bất ngờ thông báo trở lại chính sách QE với việc mua vào 60 tỷ EUR/tháng trái phiếu chính phủ các quốc gia trong EU, dự kiến đến tháng 9-2016 mua vào khoảng 1.100 tỷ EUR. Nhưng trước khi Eurozone tham chiến, động thái đi trước của Thụy Sĩ khiến thị trường tiền tệ thế giới chao đảo.

Thụy Sĩ trở thành nơi trú ẩn của dòng vốn quốc tế từ năm 2011 khi Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ liên tục nới lỏng tiền tệ, trong khi đồng EUR đứng trước nguy cơ tan vỡ. Sự mạnh lên của đồng Franc Thụy Sĩ khiến quốc gia này phải can thiệp tiền tệ nhằm giảm bớt ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Lo ngại bị ảnh hưởng của việc Eurozone nới lỏng tiền tệ, Thụy Sĩ đã đón trước bằng việc bỏ tỷ giá EUR/CHF ở mức 1,2 vốn duy trì trong suốt 3 năm qua. Sự kiện khiến đồng CHF mất giá 40% so với EUR chỉ trong 1 ngày. Các định chế tài chính như Barclay, Citigroup và Deutsche Bank mất hơn 150 tỷ USD trong bối cảnh hỗn loạn của thị trường. Các sàn giao dịch forex bị đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Đồng EUR thậm chí có lúc đưa vào danh sách hạn chế giao dịch.

(còn tiếp) 

Các tin khác