Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K1): Quả bom hẹn giờ

Tháng 11-2011, ĐTTC đã đăng loạt bài “Trung Quốc trước làn sóng dự báo đen”, nói về triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc trong trung hạn do những yếu kém nền tảng. Nay, dường như những nỗi lo ngại đó đang dần trở thành hiện thực.

Tháng 11-2011, ĐTTC đã đăng loạt bài “Trung Quốc trước làn sóng dự báo đen”, nói về triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc trong trung hạn do những yếu kém nền tảng. Nay, dường như những nỗi lo ngại đó đang dần trở thành hiện thực.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey & Co, tính đến giữa năm 2014 tổng nợ của Trung Quốc lên tới 28.000 tỷ USD, bao gồm nợ chính quyền, ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình. Con số này tương đương với 282% GDP hàng năm. Đây thực sự là quả bom hẹn giờ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tín dụng dễ dãi

Báo cáo của McKinsey cho biết mức nợ của Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển, thậm chí cao hơn một số nước đã phát triển như Australia, Hoa Kỳ, Đức và Canada. Đáng chú ý, mức tăng nợ của Trung Quốc chiếm hơn 1/3 mức tăng nợ của thế giới. Tính từ năm 2007 đến giữa năm 2014, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thêm vào 20.800 tỷ USD nợ trong tổng số 57.000 tỷ USD nợ tăng thêm trên toàn thế giới trong cùng giai đoạn.

Có 3 lý do chính dẫn đến khối nợ khổng lồ của Trung Quốc hiện nay: tín dụng ngày một rẻ; chính quyền địa phương đua nhau làm kinh tế; hoạt động ngân hàng ngầm ngoài tầm kiểm soát. Báo cáo của McKinsey cho biết nợ doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng mạnh lên mức 125% GDP, cao nhất thế giới. Phần lớn nhất của các khoản nợ này là nợ của các tập đoàn phi tài chính, gồm các nhà phát triển bất động sản. Một nghiên cứu khác của hãng đánh giá tín nhiệm Standard and Poor’s (S&P) cho kết quả đáng ngại hơn: nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc hiện lên đến 16.000 tỷ USD, tương đương 160% GDP, gấp đôi tổng nợ doanh nghiệp ở Hoa Kỳ. S&P còn dự báo trong 5 năm tới gánh nợ này sẽ tăng thêm 77%, lên đến 28.800 tỷ USD!

Từ năm 2009-2014, tổng tài sản sổ sách các ngân hàng ở Hoa Kỳ tăng chỉ 2.100 tỷ USD, trong khi tài sản của các ngân hàng Trung Quốc tăng tới 15.400 tỷ USD. Trong 5 năm đó, Hoa Kỳ nổi tiếng với chương trình nới lỏng định lượng (QE) bơm 1.000 tỷ USD/năm. Nhưng chỉ trong vòng 12 tháng từ ngày 30-9-2009, tài sản các ngân hàng Trung Quốc đã tăng thêm 3.600 tỷ USD.

Tuy nhiên, thay vì siết chặt tín dụng để giảm hoạt động vay mượn của khối doanh nghiệp, Bắc Kinh lại lo lắng hơn trước nguy cơ “hạ cánh cứng” do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Từ tháng 11-2014 đến nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất nhiều lần, đồng thời hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bỏ trần tín dụng. Hậu quả, trong tháng 6 vừa qua, các ngân hàng đã cho vay 1.280 tỷ NDT (209 tỷ USD).

Dòng tiền ngày một rẻ càng tạo điều kiện cho nợ doanh nghiệp tăng cao. Đáng ngại là phần lớn dòng tín dụng rẻ này dùng để tiếp vốn cho các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Năm 2013, tờ International Business Times lưu ý ngành công nghiệp thép nặng nợ của Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản. Tháng 12-2014, một công ty than lớn của Trung Quốc là Tập đoàn Liansheng Resources đã phải tuyên bố phá sản với 5 tỷ USD nợ. Hãng nghiên cứu Business Wisdom của Trung Quốc cảnh báo sắp có làn sóng vỡ nợ ở 10 ngành công nghiệp Trung Quốc: (1) đóng tàu; (2) sắt thép; (3) đèn LED; (4) nội thất; (5) bất động sản; (6) vận tải biển; (7) tín chấp và các định chế tài chính; (8) quản lý tài chính; (9) vốn tư nhân và (10) mua theo nhóm.

Núi nợ địa phương

Trong báo cáo thường niên năm 2013, Ngân hàng Qilu Bank ở Sơn Đông đã thông báo cho các nhà đầu tư về việc Công ty Xây dựng đô thị và Phát triển toàn diện của quận Licheng, thành phố Tế Nam đã vỡ nợ đối với một khoản vay của ngân hàng. Khoản vay bao gồm 5,7 triệu USD gốc và 1 triệu USD lãi suất. Sự kiện này cho thấy sự phát triển nợ địa phương ở Trung Quốc đã lên đến mức đáng lo ngại và bắt đầu gây hậu quả.

Bên cạnh đó, dù khoản vay này khá nhỏ, việc tiết lộ vụ vỡ nợ cũng cảnh báo tính chất phức tạp của các công cụ tài chính chính quyền địa phương (LGFV). LGFV là xương sống của các chính quyền địa phương trong việc phát triển hạ tầng khắp Trung Quốc. Công cụ này được các chính quyền địa phương ưa thích như một phương tiện kích thích tài chính bổ sung, kể từ khi chính quyền địa phương bị cấm vay trực tiếp trên các thị trường tài chính.

Trong khi có nhiều loại công cụ tài chính cấu trúc khác nhau, IMF cho biết các chính quyền địa phương thường cung cấp cho các LGFV tiền mặt, quyền sử dụng đất, tài sản hiện có như cầu đường, và các khoản thu đối với trái phiếu chính phủ. Một khi đáp ứng yêu cầu về vốn, các chính quyền sẽ dùng LGFV để huy động vốn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, hoặc vay trực tiếp từ ngân hàng. Những khoản tiền này sau đó được sử dụng trên một loạt dự án công trình công cộng. Tính đến cuối năm ngoái, tổng nợ của các LGFV vào khoảng 3.900 tỷ USD, tương đương 41,9% GDP và hơn một nửa tổng nợ chính phủ. Để so sánh, các nhà đầu tư nắm khoảng 3.700 tỷ USD nợ chính quyền địa phương Hoa Kỳ.

Bóng ma ngân hàng ngầm

Tháng 12-2009, một vụ án làm chấn động công luận Trung Quốc và dấy lên hồi chuông báo động về hoạt động ngân hàng ngầm. Lúc đó, một tòa án ở Trung Quốc tuyên án tử hình đối với nữ doanh nhân Ngô Anh (28 tuổi), người phụ nữ giàu thứ 6 Trung Quốc đại lục với biệt danh “Chị gái Giàu có”, vì huy động 55,7 triệu USD từ nhà đầu tư rồi quịt nợ. Tội của bà Ngô liên quan đến một hoạt động phổ biến tại Trung Quốc: huy động tiền từ dân chúng với lời hứa sẽ trả lãi suất cao hơn nhiều so với hệ thống ngân hàng thương mại. Hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng và sự quản lý của chính phủ, mạng lưới cho vay không chính thức, được biết như hệ thống ngân hàng ngầm ở Trung Quốc ước tính lên đến 1.300 tỷ USD.

Tháng 7-2014, Ngân hàng Qilu Bank lần đầu tiên tiết lộ một cuộc vỡ nợ của một công cụ đầu tư tài chính thuộc chính quyền địa phương Trung Quốc.

Tháng 7-2014, Ngân hàng Qilu Bank lần đầu tiên tiết lộ
một cuộc vỡ nợ của một công cụ đầu tư tài chính thuộc chính quyền địa phương Trung Quốc.

Một trong những lý do khiến hệ thống ngân hàng ngầm ở Trung Quốc phá triển là ngành ngân hàng Trung Quốc bị chính trị hóa rất cao. Theo đó, trong nhiều năm trời, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc bị hạn chế cấp tín dụng cho lĩnh vực tư. Thay vào đó, họ được khuyến khích cho các công ty nhà nước vay, dù lãi suất thấp và ít có khả năng được hoàn trả. Dù vậy, hoạt động cho vay đó được xem là an toàn chính trị, vì không có nhà ngân hàng nào bị đi tù vì gây nợ xấu với việc cho các công ty nhà nước vay, nhưng không có lợi về kinh tế. Ngược lại, cho lĩnh vực tư vay có nguy cơ chính trị cao nhưng lại lợi hơn về kinh tế (vì có thể áp đặt lãi suất cao hơn). Trong hệ thống ngân hàng như vậy, các công ty tư buộc phải tìm đến hệ thống ngân hàng đen để huy động vốn.

 (Còn tiếp)

Các tin khác