Giải cứu làng nghề (K2): Hồi sinh bằng du lịch

Thực tế khó khăn hiện nay của các làng nghề truyền thống đang đòi hỏi phải có những giải pháp đủ mạnh để phát triển các nghề truyền thống, nhất là đối với những làng nghề trọng điểm.

Thực tế khó khăn hiện nay của các làng nghề truyền thống đang đòi hỏi phải có những giải pháp đủ mạnh để phát triển các nghề truyền thống, nhất là đối với những làng nghề trọng điểm.

Giải cứu làng nghề (K1): Lắt lay thương hiệu

Mai một danh tiếng

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Những giai điệu trữ tình, mượt mà của ca khúc “Áo lụa Hà Đông” làm lay động tâm hồn của người yêu nhạc bao thập kỷ nay. Và có lẽ khi nhắc đến lụa Việt Nam, không ai không biết lụa Hà Đông. Lụa Hà Đông đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người từ những câu ca dao, những câu thơ, bài hát. Hiện tại, có rất nhiều người dành tình cảm đặc biệt đến lụa Hà Đông.

Đối với họ, sở hữu một bộ áo lụa, là cả một sự thiêng liêng. Nhiều du khách nước ngoài, khi nhắc đến lụa Hà Đông cũng dành một tình cảm đặc biệt. Có thể họ chỉ nghe bạn bè giới thiệu, chỉ được đọc qua sách vở báo chí, nhưng họ vẫn muốn tận mắt được nhìn thấy một tấm lụa Hà Đông. Khi họ đến Việt Nam, họ đều phải đến mua cho bằng được tấm lụa Hà Đông về làm quà.

Làng lụa Hà Đông hay chính là Làng lụa Vạn Phúc, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ xa xưa, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam.

Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua Nguyễn. Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ 1931 và 1938, được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia... Từ 1958-1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng hồi sinh nhờ kết hợp với phát triển du lịch làng nghề.

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng hồi sinh nhờ kết hợp với phát triển du lịch làng nghề.

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng là vậy. Nhưng hiện nay đang bị mai một đi rất nhiều. Ngay cả làng lụa Vạn Phúc hiện tại cũng đang mất dần uy tín do sự pha trộn của nhiều loại lụa chất lượng không tốt. Nhiều người nói với nhau, “đến làng lụa Vạn Phúc giờ toàn lụa Trung Quốc”.

Đó là lý do mà ngày càng ít người đến đây để săn lùng mua lụa. Vạn Phúc hiện có 785 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại làng nghề. Hàng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5-3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề (khoảng 27 tỷ đồng). Có thời điểm, Vạn Phúc có trên 1.000 máy dệt và hàng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ đến làm việc.

Tuy nhiên, những năm gần đây lụa Vạn Phúc đang ngày càng khó khăn, sản xuất giảm sút do thiếu nguyên liệu. Diện tích trồng dâu ngày càng bị thu hẹp do những năm tơ rớt giá, người dân trốc gốc trồng những loại cây khác. Chất lượng trứng tằm thấp cũng là một vấn đề khiến nguyên liệu dệt lụa suy giảm.

Và đáng ngại hơn, thiếu người phát triển sản phẩm, đặc biệt là những người giỏi, có tâm huyết. Khi còn hoạt động mạnh và sôi nổi nhất, khi đi vào làng, âm thanh khung cửi, tiếng thoi đưa rộn ràng. Nhiều khi, cả ngày lẫn đêm đều không dứt tiếng dệt lụa. Thế nhưng hiện tại, số máy dệt còn không quá 300 máy đang hoạt động. 1/3 số đó là các máy dệt lụa thường.

Làng Vạn Phúc giờ đây không quá 200 hộ còn dệt lụa. Tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh nên trong các hộ dệt lụa từ xưa, một số giờ chuyển sang làm những công việc khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với dệt lụa truyền thống. Họ buôn bán, kinh doanh quán xá, kinh doanh các mặt hàng đời sống. Đất đai dùng cho dệt lụa ngày càng thu hẹp. Thiếu người dệt lụa, thiếu đất để phát triển, khiến làng lụa đang chơi vơi giữa dòng đô thị hóa đang ập vào làng ngày càng lớn.

Du lịch làng nghề

Ông Trương Thế Cầu, nguyên Bí thư huyện ủy Phú Xuyên (Hà Nội), tâm tư Hà Nội là vùng "đất trăm nghề", kể từ khi mở rộng về phía Tây (sáp nhập Hà Tây), Hà Nội có hàng trăm làng nghề truyền thống. Hiện nay Hà Nội có trên 1.000 làng nghề, trong đó khoảng 300 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Gần 1/4 là những làng nghề lâu đời trên 100 năm tuổi với đậm đặc các giá trị văn hóa - lịch sử.

Làng nghề là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, hơn nữa lại có thể khai thác sử dụng ở 2 hình thức: du lịch thương mại và du lịch nhân văn. Cả 2 hình thức này đều thu hút khách du lịch quốc tế - đặc biệt khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Du lịch làng nghề là một trong giải pháp khả thi để cứu làng nghề, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Vạn Phúc, tâm đắc. Theo ông Hà, hiện nay mô hình du lịch làng nghề đang trở thành một hướng đi mới trong quá trình phát triển của du lịch Việt Nam.

Tham quan du lịch làng nghề, du khách không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh làng quê thanh bình mà còn được tham quan nơi sản xuất, thậm chí cùng tham gia làm sản phẩm, mua sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề. Nhưng nếu nói về du lịch làng nghề, hiện Hà Nội nổi tiếng nhất là gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc.

Thế nhưng, để tìm lại danh tiếng của lụa Vạn Phúc, kết hợp phát triển nghề truyền thống và du lịch, theo ông Phạm Khắc Hà, cần phải có cơ chế để quảng bá lại uy tín của lụa Vạn Phúc. Đặc biệt, khâu quảng bá các sản phẩm chính gốc có chất lượng của làng lụa đến được tay người tiêu dùng.

Hiện tại, chính quyền làng Vạn Phúc đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc chính gốc. Những gian hàng, hộ kinh doanh để được tham gia chợ thương nghiệp này phải đảm bảo nguồn gốc lụa Vạn Phúc “xịn”. Khi có nơi đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng từ đó sẽ tin tưởng và tăng lượng khách tham quan, mua sắm về Vạn Phúc.

Sản xuất lụa tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Sản xuất lụa tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Phát triển làng nghề thành nơi du lịch để phát triển làng nghề và quảng bá sản phẩm là cách tốt nhất. Thế nhưng, phải có cách làm bài bản, chuyên nghiệp, hướng đến lợi ích lâu dài, không chộp giật để tạo uy tín, thương hiệu. Thực tế, phát triển du lịch làng nghề đã được làm khá thành công ở gốm Bát Tràng, làng gốm tồn tại ở ven đô Thăng Long hơn 500 năm nay với danh tiếng lừng lẫy trong và ngoài nước.

Ông Hà Văn Lâm, Trưởng ban Đại diện Làng nghề gốm Bát Tràng, cho biết ít ai ngờ, có một thời nghề gốm sứ nơi đây đã có nguy cơ mai một. Cả làng chỉ còn vài lò gốm của hợp tác xã với sản phẩm đa dạng như bát, tích, chén, sành phẩm chất cấp thấp. Tuy nhiên, đến Bát Tràng hôm nay tất cả đã đổi khác.

Ðể có sức sống đầy xuân sắc hôm nay, người dân Bát Tràng ngoài cái tinh, cái nhạy còn tiềm ẩn một tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền thống. Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ Việt để phục chế các nước men gốm sứ Bát Tràng xưa.

Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương. Nhờ vậy, hiện nay, Bát Tràng có khoảng 1.150 lò nung gốm, trong đó 2/3 lò gas hiện đại. Phát triển du lịch làng nghề đang được phát huy và hiệu quả ở Bát Tràng. Nhìn từng đoàn thiếu niên, học sinh say mê thử nghề làm gốm cùng người dân bản địa mới thấy, du lịch làng nghề chứa đựng những hấp dẫn thế nào. 

Các tin khác