Các nước cải cách hành chính (K1): Hàn Quốc

Cải cách hành chính luôn là  yêu cầu thường trực của các chính phủ, hòng tạo ra một bộ máy quản lý nhà nước hiệu quả, một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn; từ đó giảm chi tiêu ngân sách, tăng thu thuế và thu hút đầu tư. ĐTTC giới thiệu những kinh nghiệm thực tiễn từ một số nước về lĩnh vực này.

Cải cách hành chính luôn là  yêu cầu thường trực của các chính phủ, hòng tạo ra một bộ máy quản lý nhà nước hiệu quả, một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn; từ đó giảm chi tiêu ngân sách, tăng thu thuế và thu hút đầu tư. ĐTTC giới thiệu những kinh nghiệm thực tiễn từ một số nước về lĩnh vực này.

Các chương trình cải cách hành chính là một phần cốt lõi trong nỗ lực cải cách khu vực công của chính phủ Tổng thống Kim Dae-jung kể từ khi nhậm chức vào tháng 2-1998. Nhiệm vụ cấp bách nhất của Hàn Quốc lúc đó là phải vượt qua khủng hoảng kinh tế năm 1997.

Nhìn bề mặt, khủng hoảng 1997 phát xuất từ cuộc khủng hoảng ngoại hối tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Tổng thống Kim Dae-jung cho rằng nguyên nhân sâu xa nhất của cuộc khủng hoảng là do những yếu kém về cơ cấu hành chính đã tích lũy từ 3 thập niên trước.

Vì vậy, chính phủ mới cần có những cải cách quyết liệt để giúp đất nước nhanh chóng phục hồi. Nguyên tắc chủ đạo của chính sách cải cách là nhằm đạt được sự phát triển song song của dân chủ và một nền kinh tế thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc chuyển đổi mô hình từ nền kinh tế phát triển theo chiến lược từ trung ương sang nền kinh tế theo định hướng thị trường.

Để thực hiện điều này, Seoul đã tiến hành cải cách cơ cấu cùng lúc trong 4 lĩnh vực: tài chính, doanh nghiệp, lao động khu vực công. Tất cả đều nhằm phát huy tính kỷ luật và hiệu quả của nguyên tắc thị trường và lực lượng thị trường. Những biện pháp cải cách theo nghĩa rộng bao gồm những thay đổi trong hệ thống quản lý và các công cụ chính sách.

Mở cửa dịch vụ công

Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban đặc trách trực thuộc tổng thống, chịu trách nhiệm lập kế hoạch ngân sách, cải cách chính phủ và đưa vào thử nghiệm nhiều ý tưởng cải cách mới, một trong số đó là nỗ lực để khiến hệ thống dịch vụ công cởi mở và cạnh tranh hơn. Từ năm 1999, chính phủ Tổng thống Kim Dae-jung đã áp dụng chế độ lương, thưởng dựa theo đánh giá chất lượng hoạt động của từng cá nhân công chức (hoàn toàn trái với cơ chế trả lương dựa theo cấp bậc kiểu truyền thống). Theo đó, những công chức hoàn thành tốt công việc của mình sẽ được thưởng thêm 150%, 100% hoặc 50% lương cơ bản, tùy theo họ được xếp vào nhóm 10% giỏi nhất, hay 10-30% hoặc 30-70% người giỏi nhất.

Năm 2003, chính phủ của Tổng thống Roh Moo-hyun quyết định mở cửa dịch vụ công bằng cách thành lập “hệ thống tuyển dụng mở”. Theo đó, 140 vị trí dịch vụ công được mở cửa cho các ứng viên bên ngoài thi tuyển vào dựa trên năng lực, trình độ và hạnh kiểm, trong đó 20% là các vị trí giám đốc ban, ngành. Điều này nhằm chống lại “truyền thống” lâu đời của dịch vụ công là chỉ tuyển người nhà, người có thân có thế và dựa trên đề bạt từ cấp trên là chủ yếu.

Các vị trí mở cửa thi tuyển đã tăng lên từ 15,9% cơ cấu dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung lên 30,6% vào thời Tổng thống Roh Moo-hyun (tính đến tháng 1-2004). Và các công chức đi vào bằng hệ thống tuyển dụng mở này thường có thu nhập cao hơn so với những công chức khác. Vào tháng 1-2004, chính phủ Hàn Quốc tuyển dụng 10 vị tổng giám đốc vốn là những “người ngoài” thông qua hệ thống tuyển dụng mở; và sắp xếp lại 22 tổng giám đốc các phòng, ban.

Thí dụ, một giám đốc của Bộ Hợp nhất được chuyển qua Bộ Văn hóa-Du lịch vì thông thạo trong quan hệ Nam-Bắc trên bán đảo Triều Tiên. Để kiểm soát tham nhũng, tất cả các công chức và các ứng viên thi vào dịch vụ công đều phải kê khai tài sản. Hàn Quốc cũng thành lập một “Hệ thống kiểm soát công chức nhà nước” để thường xuyên theo dõi nhân sự hành chính, đặc biệt là việc phình to về đội ngũ, số lượng công chức.

Cải cách được tiến hành tại tất cả các đơn vị thuộc khu vực công, với trọng tâm là tái cơ cấu nhằm làm gọn nhẹ bộ máy, áp dụng nguyên tắc cạnh tranh và nguyên tắc chất lượng thực thi công việc, đã xây dựng một hệ thống tiêu chí và đánh giá cải cách, theo đó các bộ, cơ quan thuộc chính phủ, theo định kỳ, phải nộp báo cáo cải cách hàng quý cho Ủy ban Cải cách hành chính (RRC).

RRC được thành lập vào ngày 7-1-1998, gồm 22 thành viên. Nhiệm vụ chính của RRC là lập dự thảo kế hoạch cải cách hành chính dựa trên những nghiên cứu của Ủy ban đặc trách trực thuộc Tổng thống trước đó. Ngoài ra, RRC còn thành lập bộ phận tiếp thu ý kiến công chúng, kiểm tra những khiếu nại của nhân dân về các sai phạm của chính quyền… Kết quả việc thực hiện nhiệm vụ cải cách của từng cơ quan sẽ là cơ sở để tính toán phân bổ ngân sách cho cơ quan này vào năm sau. Đồng thời, việc phản hồi thông tin và chế độ thưởng phạt minh bạch đã khuyến khích việc thực hiện sự cam kết đối với cải cách...

Xóa bỏ một nửa thủ tục

Chương trình cải cách hành chính của Tổng thống Kim Dae-jung cũng nhắm đến việc giảm thiểu số lượng các quy định, thủ tục hành chính. Mỗi bộ, ngành đều phải trình Tổng thống kế hoạch giảm thiểu thủ tục trong ngành mình quản lý. Theo đó, những người đứng đầu các bộ, ngành được yêu cầu phải đưa ra được kế hoạch dự thảo về cải tổ thủ tục, quy định hành chính sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng với các bên liên quan và giới chuyên gia.

Những kế hoạch này sau đó được chuyển lên cho RRC, một đơn vị chuyên trách của RRC sẽ xem xét kế hoạch về tính hiệu quả và khả năng thực thi, sau đó trình lên Tổng thống. Bản thân Tổng thống cũng hỗ trợ mạnh mẽ bằng cách tạo sức ép lên các bộ trưởng, buộc họ phải hoàn thành mục tiêu cải tổ đã đưa ra. Trong năm 1998, nỗ lực cải tổ đã giúp loại bỏ 5.430 quy định trong thủ tục hành chính, đồng thời chỉnh sửa hoàn thiện 2.411 quy định trong tổng số 11.125 quy định hiện hành. RCC cũng đề xuất thêm 321 quy định để trình ra quốc hội (sau đó đã được thông qua). Sang năm 1999, nỗ lực cải cách tiếp tục loại bỏ 503 quy định về thủ tục hành chính, đồng thời sửa đổi 570 quy định; 51 dự thảo trình lên quốc hội và 43 quy định được thông qua.

Seoul nay là một trong những đô thị hiện đại nhất hành tinh.

Seoul nay là một trong những đô thị hiện đại nhất hành tinh.

Kết quả thu được từ quá trình cải cách rất khả quan. Về thể chế, đã sửa đổi các quy định của nhà nước để bảo đảm sự thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường trên nguyên tắc giảm bớt sự can thiệp của nhà nước và giảm chi phí cho người dân.

Các lĩnh vực được cải cách về thể chế là quản lý hành chính, nhân sự, quản lý tài chính; quản lý doanh nghiệp công và quản lý lao động. Hiện nay, tại Hàn Quốc, bình quân có 27 công chức trên mỗi 1.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 75,4, Pháp là 82,2…; đã xây dựng được mạng lưới hạ tầng thông tin thuộc loại tốt nhất trên thế giới, thiết lập xong hệ thống xử lý công việc hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính thông qua mạng điện tử, tiến hành việc cung cấp dịch vụ công thông qua internet, kể cả việc cung cấp dịch vụ hành chính thông qua điện thoại di động, công khai hóa việc xử lý các vấn đề của dân, của doanh nghiệp trên mạng…

(Còn tiếp)

Các tin khác