Trung Quốc-mối nguy toàn cầu (K2): Những yếu kém nội tại

Bong bóng tín dụng, bất động sản; nợ chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước; hối lộ, tham nhũng tràn lan; bất ổn xã hội ngày càng tăng... là những yếu kém nội tại đang đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bong bóng tín dụng, bất động sản; nợ chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước; hối lộ, tham nhũng tràn lan; bất ổn xã hội ngày càng tăng... là những yếu kém nội tại đang đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngất ngưởng nợ công

Tháng 10-2011, Larry Lang, GS. Tài chính của Đại học Chinese University of Hong Kong, nói trong một bài giảng rằng chính phủ Trung Quốc lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng và đang ở trên bờ vực phá sản. “Ở Trung Quốc, mỗi tỉnh là một Hy Lạp” - GS. Lang nói và đưa ra những dự báo đen tối về nền kinh tế Trung Quốc dựa trên 5 ước đoán chính, trong đó đáng chú ý là nợ công.

Theo đó, Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khoảng 36.000 tỷ NDT (5.680 tỷ USD). Con số này được tính ra bằng cách cộng các khoản nợ của các chính quyền địa phương (16.000 tỷ-19.500 tỷ NDT) và khoản nợ của các công ty nhà nước (khoảng 16.000 tỷ NDT). Với lãi suất phải trả đối với số nợ này 2.000 tỷ NDT mỗi năm, mọi thứ sẽ tồi tệ một cách nhanh chóng.

Tính đến cuối tháng 6-2014, tổng nợ của Trung Quốc đã tăng lên tương đương 251% GDP, so với mức 147% GDP năm 2008, theo ước tính của Ngân hàng Standard Chartered. Trong đó, đa số khoản nợ nằm trong doanh nghiệp nhà nước hoặc các công cụ đầu tư của chính quyền địa phương. Điều này đáng lo ngại hơn cả mức nợ tuyệt đối.

Tại các nền kinh tế khác, sự gia tăng nợ với cường độ đó trong thời gian ngắn như vậy hầu như luôn luôn theo sau bởi khủng hoảng tài chính.

“Mức nợ hiện tại của Trung Quốc rất cao so với tiêu chuẩn thị trường mới nổi. Trung Quốc đã trở thành nước nặng nợ trước khi thành nước giàu” - Chen Long, nhà kinh tế của Công ty Tư vấn Gavekal Dragonomics, nói. Để so sánh, tỷ lệ nợ/GDP của Hoa Kỳ tính đến cuối năm 2013 là 260%, Anh 277%, Nhật Bản 415%, theo tính toán của Standard Chartered.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cảnh báo sự kết hợp của tăng trưởng chậm lại và nợ ngày càng nhiều sẽ dẫn đến việc phân bổ vốn sai nghiêm trọng. Kết quả có thể được nhìn thấy trên khắp Trung Quốc, với vô số tòa nhà bỏ không và sự dư thừa công suất từ tấm năng lượng mặt trời đến thép và xi măng.

Để nhanh chóng hồi phục khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh đã phải phụ thuộc nhiều vào hoạt động vay nợ. Sự phụ thuộc ngày càng tăng này không có dấu hiệu bị đảo ngược, với tỷ lệ nợ so với GDP tăng 17% chỉ trong 6 tháng tính đến tháng 11-2011 so với mức tăng khoảng 20% trong 1 năm trước đó.

Ngân hàng đen

Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp nguy hiểm trong lĩnh vực tài chính khi hệ thống ngân hàng bị chính trị hóa rất cao. Nhà phân tích Minxin Pei giải thích điều này trong bài viết “Swimming Naked in China” trên tờ Diplomat: “Trong nhiều năm trời, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc bị hạn chế cấp tín dụng cho lĩnh vực tư. Thay vào đó, họ được khuyến khích cho các công ty nhà nước vay, dù lãi suất thấp và ít có khả năng được hoàn trả. Hoạt động cho vay này được xem là “an toàn chính trị”, nhưng không có lợi về kinh tế. Ngược lại, cho lĩnh vực tư vay có nguy cơ chính trị cao nhưng lại lợi hơn về kinh tế vì có thể áp đặt lãi suất cao hơn”.

Nghịch lý trên đã khiến các công ty tư nhân phải tìm đến hệ thống ngân hàng đen để huy động vốn. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang thắt chặt tín dụng để chống lạm phát, các ngân hàng nhà nước buộc phải thu hồi các khoản cho vay thông qua hệ thống ngân hàng đen, đã gây thiệt hại cho bên đi vay, châm ngòi cho làn sóng phá sản của các công ty, kéo theo tình trạng đi xuống trầm trọng của nền kinh tế.

Một minh chứng cho tình trạng này, theo ông Gordon Chang, nhà phân tích cộng tác với Forbes, là ước muốn hàng đầu của nhiều người giàu Trung Quốc là rời bỏ đất nước. Trong số 20.000 người giàu Trung Quốc (có tài sản cá nhân ít nhất 15 triệu USD), 27% đã di cư sang nước ngoài và 47% đang tính chuyện đó.

Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc cũng rất lớn. Trong 3 thập niên qua, Trung Quốc đã sản sinh ra hàng chục tỷ phú, nhưng chỉ mới vừa đủ để lọt vào danh sách top 100 nước xếp theo thu nhập bình quân cá nhân của Ngân hàng Thế giới (WB).

Không chỉ cho vay theo kiểu ngân hàng đen, các ngân hàng Trung Quốc còn bị cáo buộc rửa tiền. Ngày 9-7-2014, Đài truyền hình Trung Quốc (CCTV) cáo buộc Ngân hàng Trung Quốc (BOC) rửa tiền khi trợ giúp chuyển tiền mặt ra khỏi Trung Quốc cho giới nhà giàu muốn định cư ở nước ngoài. CCTV cũng cáo buộc tội danh rửa tiền đối với một ngân hàng khác là Citic Bank (kiểm soát bởi Tập đoàn Citic Group và được điều hành trực tiếp từ Hội đồng Nhà nước).

Tham nhũng, bất ổn

Cả thế giới đều biết đến chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nay. Theo Tân Hoa Xã (THX), hơn 25.000 người tại Trung Quốc đã bị điều tra tham nhũng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014. Gần 85% trường hợp bị điều tra liên quan khoản tiền tham nhũng hơn 50.000NDT (8.000USD) hoặc biển thủ 100.000NDT công quỹ. Những vụ lớn như vậy tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các cơ quan điều tra của Trung Quốc cũng theo dõi những quan chức chạy ra nước ngoài bằng nguồn tiền không minh bạch. Trong nửa đầu năm 2014, 320 nghi phạm tham nhũng đã bị đưa về Trung Quốc. Cùng với tham nhũng, tình trạng bạo động quy mô lớn đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. T

heo một báo cáo, có tới 200.800 vụ bạo động và biểu tình quy mô lớn diễn ra trong năm 2011, cao hơn nhiều so với con số 80.000-90.000 vụ cách đó 5 năm. Nhưng vấn đề không chỉ là con số. Những gì thực sự khiến nhà chức trách Trung Quốc đau đầu là các cuộc biểu tình và bạo động ngày càng có tính bạo lực nhiều hơn, thậm chí đánh bom, cho thấy sự bất ổn của xã hội Trung Quốc đang ngày càng trầm trọng

Một cuốn sách dự báo về sự sụp đổ của Trung Quốc.
Một cuốn sách dự báo về sự sụp đổ của Trung Quốc.

Vào thời điểm hiện tại, một lượng tiền khổng lồ đã được tung ra để làm phao cứu sinh cho nền kinh tế đến từ các gói kích thích. Nhưng cùng với nó, Trung Quốc có thêm nhiều thành phố ma, những công trình đồ sộ nhưng trống rỗng, không có người ở. Một lý do khác khiến Trung Quốc có thể sụp đổ nhanh hơn so với dự báo là thông tin bị ngăn chặn.

Trung Quốc cũng là nơi phổ biến tình trạng 2 cửa: cửa trước phơi bày những điều tốt đẹp giả tạo; cửa sau là nơi mọi thứ quan trọng thực sự diễn ra. Cửa trước là một phòng khách lớn với thị trưởng đang bắt tay đon đả. Cửa sau là vợ ông ta, với nhiệm vụ thu tiền lại quả. Văn hóa 2 cửa, cộng với việc kiểm soát truyền thông, khiến người dân và bên ngoài khó biết điều gì đang thực sự xảy ra.

(Còn tiếp)

Các tin khác