Thế giới dàn xếp (K2): Kinh tế ảo và thật

Các đại ngân hàng đã ngày càng tham gia sâu vào nền kinh tế vật chất. Cùng với sự bành trướng này, họ mặc sức làm mưa làm gió trong cả nền kinh tế ảo (như chứng khoán) đến nền kinh tế thật (hàng hóa).

Các đại ngân hàng đã ngày càng tham gia sâu vào nền kinh tế vật chất. Cùng với sự bành trướng này, họ mặc sức làm mưa làm gió trong cả nền kinh tế ảo (như chứng khoán) đến nền kinh tế thật (hàng hóa).

Thế giới dàn xếp (K1): Câu chuyện của BP

Từ sản phẩm phái sinh

Các loại sản phẩm phái sinh, đặc biệt các hợp đồng hoán đổi nợ xấu (CDS), là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng các sản phẩm này từ lâu đã bị thao túng bởi các ngân hàng lớn. Hàng ngàn tỷ USD sản phẩm phái sinh đã bị thao túng giá cả như cách người ta đã thao túng lãi suất thông qua cái gọi là “trò chơi tự báo cáo”.

Một bài báo của Reuters vào tháng 9-2014 cho biết một thẩm phán liên bang của Hoa Kỳ nói một nhóm nhà đầu tư đang theo đuổi vụ kiện cáo buộc 12 ngân hàng lớn vi phạm luật chống độc quyền khi dàn xếp giá cả và kiềm chế cạnh tranh trên thị trường CDS trị giá khoảng 21.000 tỷ USD.

Bên bị gồm các ngân hàng tên tuổi như Bank of America, Barclays Plc, BNP Paribas, Citigroup, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, HSBC, JPMorgan Chase & Co, Morgan Stanley, Royal Bank of Scotland và UBS AG. Ngoài ra còn có Hiệp hội Sản phẩm phái sinh và Hợp đồng hoán đổi quốc tế (ISDA) cùng Markit Ltd, công ty cung cấp dịch vụ định giá tín dụng phái sinh. Các nhà đầu tư đòi bồi thường thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD.

Các nhà làm luật Hoa Kỳ và châu Âu đã điều tra các hoạt động kìm hãm cạnh tranh khả nghi trên thị trường CDS. Vào tháng 7-2013, Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc nhiều bị cáo đã thông đồng với nhau hòng ngăn chặn việc đưa các CDS mới ra thị trường.

“Cuộc khủng hoảng tài chính hầu như không tác động đến các cuộc họp bí mật, nơi các ngân hàng bị cáo buộc đã phối hợp hành động để thao túng giá cả” - thẩm phán Denise Cote nói. Nói cách khác, các ngân hàng lớn đang tiếp tục ấn định giá cho CDS trong các cuộc họp bí mật và đã tìm cách hủy hoại tính mở và minh bạch của thị trường CDS.

Joshua Rosner, một giám đốc của Graham Fisher & Co, cho rằng các ngân hàng lớn đang thông đồng dàn xếp các hoạt động mua bán CDS và thao túng các quyết định về việc liệu bên bảo hiểm CDS đã phá vỡ các cam kết của mình hay chưa, điều đó sẽ kích hoạt yêu cầu thanh toán CDS. Điều này cũng giống như việc quyết định một công ty bảo hiểm có thể trả hoặc không trả tiền đền bù cho ngôi nhà bị cháy tùy theo việc nó bị cháy do hỏa hoạn hay do cố tình đốt phá.

Trong khi một vụ cháy nhà có thể chỉ đe dọa hàng trăm ngàn USD, nhưng việc kích hoạt thanh toán CDS có thể dẫn đến hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm tỷ USD sẽ phải chi ra. Rosner lưu ý: “Việc sử dụng CDS để thao túng khả năng thanh khoản của doanh nghiệp, sự mất cân bằng về lượng của CDS liên quan đến nợ tham chiếu là rất nguy hiểm.

Việc quyết định CDS có vỡ nợ hay không lại được quyết định bởi một ủy ban gồm các bên có lợi ích liên quan sẽ dẫn đến kết quả như đã phát hiện trong các vụ dàn xếp lãi suất LIBOR và FOREX”.

Đến hàng hóa cơ bản

Ngày 30-7-2013, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Hoa Kỳ (FERC) cáo buộc JPMorgan Chase & Co. thao túng các thị trường năng lượng ở California và khu vực Trung - Tây Hoa Kỳ từ tháng 9-2010 đến tháng 6-2011, thu về hàng triệu USD tiền trả lố từ các nhà điều hành mạng lưới điện. Cơ quan này cho biết đã xác định sơ bộ một đơn vị kinh doanh của JPMorgan tham gia 8 chiến lược thao túng đấu thầu.

Ngân hàng có trụ sở ở New York đã chấp nhận khoản tiền phạt 400 triệu USD. Vào tháng 11-2012, FERC cũng đã cấm JPMorgan Ventures Energy Corp. (một công ty con của JPMorgan) kinh doanh năng lượng trong 6 tháng sau khi cáo buộc ngân hàng này cung cấp những thông tin sai lệch cho các nhà chức trách. FARC cho biết công ty này có liên quan trong 5 chiến lược thao túng thị trường ở California và 3 chiến lược ở Trung-Tây từ tháng 9-2010 đến tháng 6-2011.

Không chỉ JPMorgan, từ năm 2011 FERC đã tiết lộ ít nhất 13 nỗ lực thao túng thị trường năng lượng của các đại gia ngân hàng Deutsche Bank AG và Barclays Plc. Ngày 16-7-2013, FERC phạt Barclays và 4 cựu giao dịch viên của ngân hàng này tổng cộng 487,9 triệu USD vì thao túng thị trường năng lượng ở miền Tây Hoa Kỳ từ năm 2006 đến 2008.

Trước đó, ngày 22-1 Deutsche Bank đồng ý nộp phạt 1,6 triệu USD cho FERC để hòa giải cáo buộc thao túng năng lượng năm 2010. Tháng 5-2014, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, David Cay Johnston, lưu ý rằng Phố Wall đang cố gắng tạo ra một thị trường năng lượng giá cắt cổ, mà ông gọi là khủng hoảng  Enron 2.0.

Các ngân hàng lớn ngày càng nắm giữ những phần quan trọng của nền kinh tế vật chất - bao gồm cả khai thác mỏ uranium, sản phẩm dầu mỏ, nhôm, cổ phần trong các sân bay, đường bộ, cảng biển, lưới điện... Và họ đang sử dụng các tài sản vật chất đó để thao túng giá hàng hóa trên quy mô lớn, khiến người tiêu dùng thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. 

Năm 2013, 4 nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi thư cho Quốc hội để phản ánh vấn đề này: “Goldman Sachs, JP Morgan, và Morgan Stanley nay không chỉ là ngân hàng. Họ đã trở thành những công ty dầu mỏ, cảng biển, nhà điều hành sân bay, nhà buôn hàng hóa và điều hành lưới điện. Điều này dẫn đến những vấn đề chưa từng có trong lĩnh vực công nghiệp của nền kinh tế. Chẳng hạn, Coca Cola đã gửi đơn kiện cáo buộc Goldman Sachs đang đầu cơ tích trữ nhôm”.

Tháng 11-2014, UBS bị cáo buộc thao túng giá cả vàng và bạc.

Tháng 11-2014, UBS bị cáo buộc thao túng giá cả vàng và bạc.

Ngày 12-11-2014, FINMA, cơ quan quản lý tài chính của Thụy Sĩ, đã phát hiện những hành vi sai trái nghiêm trọng và một nỗ lực hòng thao túng giá chuẩn các kim loại quý từ các nhân viên kinh doanh kim loại quý và ngoại hối của Ngân hàng UBS.

Hãng Reuters trích thông cáo của FINMA: “Giá vàng và bạc đã bị dàn xếp qua những cuộc gọi trao đổi hàng ngày của các ngân hàng lớn”. Trước đó, vào tháng 5-2014, các nhà chức trách đã phạt Barclays Plc 43,8 triệu USD vì buông lỏng kiểm soát nội bộ để các giao dịch viên có điều kiện dàn xếp chỉ số giá vàng.

Nhà phân tích hàng hóa Dimitri Speck phân tích dữ liệu giao dịch vàng từ năm 1993-2012, đã nhận thấy giá vàng giao ngay có xu hướng giảm mạnh xung quanh thời điểm ấn định chỉ số giá vàng ở London vào buổi tối và buổi sáng. Mức giảm tương tự hàng ngày cũng có thể nhìn thấy trong giá bạc từ năm 1998-2012. Điều này cho thấy có một sự dàn xếp giữa các nhân viên giao dịch với nhau.

(Còn tiếp)

Các tin khác