Vỡ mộng Dòng chảy Phương Nam (K1): Nước cờ cao?

Từ năm 2007, Tổng thống Nga Putin đã thai nghén dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Nam như một giấc mơ tạo gọng kìm tăng cường sự kiểm soát đối với thị trường khí đốt EU, tạo cơ chế đảm bảo việc bán khí đốt cho thị trường quan trọng này không phụ thuộc vào Ukraine. Tuy nhiên, ngày 1-12 vừa qua ông Putin bất ngờ tuyên bố từ bỏ dự án.

Từ năm 2007, Tổng thống Nga Putin đã thai nghén dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Nam như một giấc mơ tạo gọng kìm tăng cường sự kiểm soát đối với thị trường khí đốt EU, tạo cơ chế đảm bảo việc bán khí đốt cho thị trường quan trọng này không phụ thuộc vào Ukraine. Tuy nhiên, ngày 1-12 vừa qua ông Putin bất ngờ tuyên bố từ bỏ dự án.

Dù Moscow nhiều lần khẳng định dự án Dòng chảy Phương Nam là thuần túy vì lợi ích kinh tế, nhưng giới phân tích cho rằng đây là dự án vì các mục tiêu chính trị. Vì thế Nga có thể buông tay một cách dễ dàng. Điều này càng cho thấy, cả việc lên dự án và bỏ rơi dự án đều là những nước cờ cao của Moscow.

Bóp chết Nabucco

Được thai nghén từ năm 2007, nhưng mãi đến tháng 12-2012 dự án Dòng chảy Phương Nam mới chính thức được khởi động, với 2 cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Khí đốt Gazprom (Nga) và Tập đoàn Năng lượng ENI (Italia), nhằm vận chuyển khí đốt từ Nga sang Liên minh châu Âu (EU), với công suất vận chuyển 63 tỷ m3 khí đốt/năm. Đường ống xuất phát từ Nga qua Biển Đen tới Bulgaria, sau khi chia thành 2 nhánh, một nhánh hướng tới Áo, nhánh còn lại đi qua Hy Lạp tới miền Nam Italia.

Thông qua hệ thống đường ống này, Nga có thể cung cấp khí đốt cho EU mà không phụ thuộc vào Ukraine - nơi hiện là trạm trung chuyển để Nga cung ứng 80% năng lượng cho EU. Những tranh chấp khí đốt Nga - Ukraine trong mấy năm gần đây đã gây ra sự gián đoạn đối với khách hàng phương Tây. Do đó, Nga hy vọng khi Dòng chảy Phương Nam hoàn thành vào năm 2017 sẽ tháo gỡ khó khăn này. Các thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga với Bulgaria, Serbia, Hungaria, Hy Lạp, Slovenia, Áo và Croatia đã được ký để xây dựng phần trên bờ của dự án.

Dòng chảy Phương Nam được coi là nước cờ chiến lược cao của Nga nhằm vừa đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt vừa đối phó với việc EU lên kế hoạch xây dựng đường ống riêng từ Trung Á sang Tây và Nam Âu không đi qua lãnh thổ Nga, được gọi là Nabucco. Mục đích của EU là giảm mức lệ thuộc vào khí đốt từ Nga và chấm dứt tình trạng có thể trở thành con tin trong quan hệ giữa Nga và Ukaine. Nga cung cấp khí đốt cho EU bằng tuyến đường ống quá cảnh Ukraine và EU đã nhiều lần vạ lây mỗi khi Moscow và Kiev căng thẳng.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, cả Dòng chảy Phương Nam lẫn Nabucco đều quan trọng về chiến lược nhưng hoàn toàn không mang hiệu quả kinh tế. Từ quan điểm kỹ thuật, một lượng tiền lớn sẽ phải tiêu tốn để xây dựng những đường ống chỉ có vai trò cung cấp khí đốt bổ sung cho châu Âu, chứ không thật sự cần thiết. Vì vậy, EU đã bỏ rơi dự án Nabucco vào năm 2013 sau khi tin tưởng sẽ đạt được các thỏa thuận mới với Nga về năng lượng.

Bỏ Tây, quay Đông

Vì vậy, quyết định từ bỏ Dòng chảy Phương Nam của Moscow được đưa ra gần đây thật ra không phải là điều bất ngờ. Giới phân tích cho rằng vì EU đã không còn kế hoạch xây dựng đường ống Nabucco, nên Nga cũng không phải lo lắng về sự cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu khí đốt khác. Hơn nữa, khi khủng hoảng Ukraine diễn ra, vấn đề khí đốt trở thành một phần trong những hậu quả liên quan trực tiếp đến cả EU lẫn Nga, trong khi nước này lại hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Vì thế, tiếp tục Dòng chảy Phương Nam nghĩa là đổ tiền của vào một dự án đầu tư không hiệu quả kinh tế và không còn ý nghĩa chiến lược về chính trị. Vì thế, Nga bỏ Dòng chảy Phương Nam sẽ được nhiều hơn là bám giữ nó.

Hơn nữa, trước khi dứt bỏ Dòng chảy Phương Nam, Moscow đã có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt trong việc tìm kiếm các khách hàng tiềm năng ở châu Á thay cho khách hàng châu Âu lâu năm nhưng khó tính. Sự tập trung vào các thị trường châu Á đang phát triển ngày càng rõ ràng trong hoạt động của Gazprom, cổ đông lớn nhất trong Dòng chảy Phương Nam và cũng là công ty năng lượng quốc doanh quan trọng của Nga.

Gần đây, sau 10 năm đàm phán khó khăn, Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cuối cùng đã ký kết một thỏa thuận khí đốt. Theo hợp đồng 30 năm, Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc tăng dần lên đến 38 tỷ m3/năm thông qua đường ống dẫn phía Đông.

Phần đầu tiên của dự án, được gọi là “Sức mạnh của Siberia” chạy từ phía Đông Siberia tới Vladivostok trên bờ biển Thái Bình Dương, đưa khí đốt từ các mỏ khí đốt Kovykta ở Irkutsk và các mỏ Chayanda ở Yakutia, đến biên giới Trung Quốc - Nga. Dòng khí đốt đầu tiên dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào năm 2018.

Trong khi nhu cầu khí đốt ở EU gần đây suy yếu, nhu cầu ở các nền kinh tế châu Á, đặc biệt Trung Quốc, tăng đến đỉnh cao chưa từng có. Năm 2000 Trung Quốc tiêu thụ 28 tỷ m3, đến năm 2013 con số này đã tăng lên gần 162 tỷ m3 khí tự nhiên, trong khi sản xuất trong nước chỉ ở mức 117 tỷ m3. Từ năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước tiêu thụ khí thiên nhiên lớn nhất ở châu Á.

Dự kiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành trung tâm lớn nhất của khí đốt thương mại quốc tế trong những năm tới. Theo Chiến lược năng lượng của Nga cho giai đoạn đến năm 2030, khối lượng khí đốt cung cấp cho thị trường châu Âu sẽ được giữ lại ở mức độ cần thiết, trong khi xuất khẩu về hướng Đông sẽ không ngừng tăng lên.

Tương tự, việc sửa đổi chiến lược giai đoạn đến năm 2035 cho thấy nhu cầu của khách hàng tiêu dùng truyền thống sẽ trì trệ, trong khi dự kiến nhu cầu ở các nước và vùng lãnh thổ nơi sự hiện diện Nga vẫn hạn chế sẽ tăng mạnh. Kết luận này cũng được xác nhận của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), theo đó tỷ lệ xuất khẩu khí đốt của Nga đến năm 2020 sẽ tăng trưởng vừa phải. Mở rộng đáng kể dự kiến chỉ sau năm 2020, nhờ vào việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt cho Trung Quốc.

Đường đi của Dòng chảy Phương Nam.

Đường đi của Dòng chảy Phương Nam.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chiến lược của Nga là luật pháp của EU. Gazprom buộc phải tuân theo các quy tắc thị trường năng lượng nội bộ của EU, vốn mâu thuẫn với chiến lược truyền thống của Gazprom về cá nhân hóa hợp đồng và phân chia thị trường. Ngoài ra, một yếu tố nữa cần phải được đưa vào để giải thích cho động thái của Moscow, là sự gia tăng nhu cầu ở thị trường trong nước.

Hơn nữa, còn có sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp trên thị trường khí đốt hóa lỏng, dự kiến sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp mới tham gia sân chơi toàn cầu trong tương lai gần, như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đông Phi... Hoa Kỳ và Canada đã tiến hành sản xuất khí đá phiến sét. Vì vậy, Nga không muốn trở thành trâu chậm uống nước đục ở thị trường rất tiềm năng là châu Á.

(Còn tiếp)

Các tin khác