Trỗi dậy xu hướng ly khai (K2): Cuộc bỏ phiếu lịch sử

Hôm nay 18-9, người dân Scotland sẽ đi bỏ phiếu để quyết định xem có nên tiếp tục mối lương duyên kéo dài 307 năm qua với Vương quốc Anh. Giới quan sát cho rằng dù kết quả như thế nào, cuộc bỏ phiếu cũng sẽ khiến châu Âu thay đổi.

Hôm nay 18-9, người dân Scotland sẽ đi bỏ phiếu để quyết định xem có nên tiếp tục mối lương duyên kéo dài 307 năm qua với Vương quốc Anh. Giới quan sát cho rằng dù kết quả như thế nào, cuộc bỏ phiếu cũng sẽ khiến châu Âu thay đổi.

Trỗi dậy xu hướng ly khai (K1):Tiền lệ Crimea

Yes hay No?

Scotland được thành lập trong quá trình mở mang bờ cõi thời Trung cổ. Trong thế kỷ 14, Vương quốc Scotland đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập chống lại Vương quốc Anh. Từ năm 1603, 2 chế độ quân chủ trở thành hiệp nhất dưới góc độ cá nhân (Liên hiệp các Vua), khi Vua James VI của Scotland cũng trở thành Vua James I của Anh.

2 vương quốc được thống nhất khi Oliver Cromwell tuyên bố trở thành Lãnh chúa Bảo vệ (Lord Protector) của Khối thịnh vượng chung vào năm 1653, nhưng điều này bị hủy bỏ khi chế độ quân chủ được phục hồi năm 1660. Mãi đến năm 1707, Scotland và Anh mới thống nhất để hình thành Vương quốc Đại Anh. Đại Anh sau đó hợp nhất với Vương quốc Ireland vào năm 1801 để thành lập Liên hiệp Vương quốc Anh. Nhưng năm 1922 một phần lớn Ireland đã rời bỏ liên hiệp  để thành lập Cộng hòa Ireland. Vì vậy, tên đầy đủ của Anh hiện nay là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Trong lịch sử, người dân Scotland đã nhiều lần đòi tách khỏi Liên hiệp Anh để trở thành nhà nước độc lập. Người Anh đã nhượng bộ Scotland khi để cho khu vực này thành lập quốc hội riêng vào năm 1999. Quyết định về mặt y tế, giáo dục hay bất động sản đều do Scotland tự chủ nhưng những vấn đề kinh tế vĩ mô vẫn do London trực tiếp nắm quyền chỉ đạo và kiểm soát. Điều này không làm bớt đi ý chí đòi độc lập của người Scotland.

Gần đây nhất, vào đêm 21-9-2013, khoảng 8.000 người Scotland đã tuần hành trên các đường phố tại thủ phủ Edinburgh, vận động các chính khách và dân chúng bỏ phiếu thuận để Scotland tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Alex Salmond, Thủ hiến đầu tiên của Scotland, cũng tham dự cuộc tuần hành. Trả lời giới truyền thông, ông cho biết: "Nếu Scotland độc lập, đó là chiến thắng của nhân dân, có nghĩa tương lai Scotland được quyết định bởi những người đang sinh sống và làm việc tại đây, không phải từ London".

Theo sau một thỏa thuận giữa Scotland và chính phủ Liên hiệp Anh, Dự luật Trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland đã được thông qua tại Quốc hội Scotland vào ngày 14-11-2013 và nhận được phê chuẩn của Hoàng gia vào ngày 17-12-2013.

Câu hỏi trưng cầu sẽ là: “Scotland có nên trở thành quốc gia độc lập hay không?”, cử tri chỉ được trả lời Yes (có) hoặc No (không). Tất cả công dân Scotland từ 16 tuổi trở lên đều có thể tham gia bỏ phiếu, tức có trên 4 triệu cử tri. Yes Scotland là tổ chức vận động chính cho việc bỏ phiếu độc lập, trong khi Better Together là chiến dịch chủ yếu chống lại sự phân tách.

Ngoài ra, còn rất nhiều nhóm vận động khác, bao gồm các đảng phái chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và những người nổi tiếng. Những vấn đề nổi cộm trong các chiến dịch vận động bao gồm vấn đề tiền tệ Scotland sẽ dử dụng khi giành được độc lập, hay vấn đề chi tiêu công và khai thác dầu ở Biển Bắc. Các cuộc thăm dò dư luận cho đến nay đều có kết quả đa số nghiêng về phe bỏ phiếu Yes, tức muốn tách khỏi Liên hiệp Anh.

Những vấn đề nổi cộm

Nếu tách khỏi Liên hiệp Anh, Scotland sẽ phải đối mặt với những vấn đề nổi cộm như kiểm soát biên giới và nhập cư, quốc phòng, kinh tế-tài chính, năng lượng, quan hệ với EU và quốc tế… Về quân sự, đảng cầm quyền SNP lên kế hoạch một nhà nước Scotland độc lập sẽ có tổng cộng 15.000 quân chính quy và 5.000 quân dự bị, bao gồm lực lượng bộ binh, thủy và không quân cho đến năm 2026. SNP cũng cho biết ngân sách quốc phòng của Scotland độc lập vào khoảng 2,5 tỷ bảng/năm.

Theo Viện Dịch vụ Liên hiệp Hoàng gia (RUSI), lực lượng quốc phòng của Scotland độc lập sẽ ngang ngửa quân đội những nước châu Âu như Đan Mạch, Na Uy hay Ireland, với chi phí khoảng 1,8 tỷ bảng/năm. Hiện hệ thống tên lửa hạt nhân Trident của Anh đang đặt tại kho vũ khí Coulport và căn cứ hải quân Faslane ở khu vực Firth of Clyde thuộc Scotland.

Dù SNP phản đối sự hiện diện vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Scotland độc lập, nhưng các lãnh đạo quân sự Anh nói việc di dời hệ thống Trident rất khó và ước tính sẽ mất 10 năm và 3 tỷ bảng. Về việc có gia nhập liên minh quân sự NATO hay không cũng là vấn đề tranh cãi. Trong khi SNP ủng hộ, các đảng phái khác phản bác. Nếu độc lập, Scotland phải đàm phán lại để có thể gia nhập NATO và EU cũng như các tổ chức quốc tế khác.

Về kinh tế, tháng 5-2013, chính quyền London đưa ra một báo cáo cho rằng tài sản của các ngân hàng ở Scotland tương đương 1.254% GDP khu vực, cao hơn cả Đảo Síp và Iceland trước khi bị sụp đổ tài chính. Điều này đòi hỏi mỗi người dân Scotland phải bỏ ra ít nhất 65.000 bảng để cứu các ngân hàng nếu xảy ra khủng hoảng, hơn gấp đôi so với 30.000 bảng nếu còn ở trong Liên hiệp Anh.

Weir Group, một trong những công ty tư nhân lớn nhất ở Scotland, đã tiến hành một nghiên cứu với Đại học Oxford, cho biết nếu Scotland giành độc lập, họ sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, bất chấp chính quyền mới đề xuất giảm thuế, vì không còn khả năng bù đắp tổn thất ở Scotland để chống lại lợi nhuận ở phần còn lại của Vương quốc Anh. Báo cáo cũng cho biết 70% tổng lượng xuất khẩu Scotland được bán cho phần còn lại của Vương quốc Anh, sẽ ảnh hưởng mạnh đến khu vực dịch vụ tài chính.

Còn báo Financial Times lưu ý GDP bình quân đầu người của Scotland lớn hơn Pháp nếu tính luôn thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt, và vẫn lớn hơn của Italia nếu bỏ 2 thứ này. Tính đến tháng 4-2014, Scotland có tỷ lệ thất nghiệp ở mức trung bình của Anh (6,6%) và thâm hụt tài chính thấp hơn các phần còn lại của Liên hiệp. Thu hút FDI của Scotland trong năm 2012-2013 cao hơn (tính theo số dự án), nhưng GDP thấp hơn phần còn lại của Anh.

Một vấn đề lớn trong lĩnh vực kinh tế là Scotland sẽ dùng đồng tiền nào nếu tách khỏi Anh. Những lựa chọn chính hiện nay gồm: in tiền riêng, gia nhập đồng EUR, hay giữ lại bảng Anh. Nếu gia nhập EUR, họ phải đàm phán lại và quá trình này sẽ tốn khá nhiều thời gian. SNP ủng hộ việc tiếp tục dùng bảng Anh thông qua một liên minh tiền tệ với Anh, trong đó Bank of England đóng vai trò ngân hàng trung ương, định lãi suất và các chính sách tiền tệ. Lý do để ủng hộ việc này được đưa ra: Anh là đối tác thương mại chính; các công ty Scotland đều có mối quan hệ xuyên biên giới phức tạp với Anh; sự giao thoa của lực lượng lao động…

Chính quyền Scotland nói nếu không gia nhập liên minh tiền tệ, doanh nghiệp các vùng England, Wales và Bắc Ireland sẽ tốn thêm 500 triệu bảng mỗi năm vì phí giao dịch tiền tệ. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Lao động Scotland nói chi phí kinh doanh của các công ty Scotland sẽ cao hơn 11 lần so với các công ty ở Anh.

Cuộc bỏ phiếu ở Scotland hôm nay sẽ thay đổi cục diện chính trị ở Anh và cả thế giới.

Cuộc bỏ phiếu ở Scotland hôm nay sẽ thay đổi cục diện chính trị ở Anh và cả thế giới.

Nếu Scotland bỏ phiếu độc lập thành công, nó sẽ là tiền lệ kéo theo sự trưng cầu dân ý độc lập ở nhiều nơi khác trên thế giới. Nếu không thành công, nó cũng khiến các khu tự trị có tiếng nói mạnh mẽ hơn, vì chính phủ Anh đã hứa hẹn chia thêm nhiều quyền lợi chính trị, kinh tế hơn cho người Scotland nếu họ ở lại trong Liên hiệp.

(Còn tiếp)

Các tin khác